DIC Corp: Không vi phạm vẫn vào diện cảnh báo?

Không thua lỗ, cũng không vi phạm công bố thông tin, nhưng DIG (DIC Corp) vẫn bị HOSE đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân bắt nguồn từ ý kiến chấp nhận từng phần của kiểm toán viên trên BCTC hợp nhất 2012 của DIG ảnh hưởng trọng yếu đến KQKD và cả quyền lợi của NĐT.

Không thua lỗ, cũng không vi phạm công bố thông tin, nhưng DIG (DIC Corp) vẫn bị HOSE đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân bắt nguồn từ ý kiến chấp nhận từng phần của kiểm toán viên trên BCTC hợp nhất 2012 của DIG ảnh hưởng trọng yếu đến KQKD và cả quyền lợi của NĐT.

Rủi ro sao không trích lập?

Cơ sở để kiểm toán viên thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt (AASCN) đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần bắt nguồn từ việc DIG chưa thực hiện trích lập dự phòng cho một số khoản nợ phải thu về kinh doanh bất động sản quá hạn thanh toán, với số tiền ước tính khoảng 131 tỷ đồng.

Theo ý kiến của DIG, điều kiện để thu hồi công nợ này công ty phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho khách hàng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa xong. Câu hỏi đặt ra là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu của DIG là điều kiện cần hay điều kiện đủ để thu hồi công nợ? Nếu là điều kiện đủ, vấn đề đặt ra cho DIG là tại sao công ty chưa hoàn thành việc này? Khi nào hoàn thành?

Có nợ thì phải cố gắng thu hồi là chuyện bình thường, huống chi trong thời điểm bất động sản khó khăn hiện nay, áp lực thu hồi lại càng lớn hơn. DIG bị vướng ở chỗ nào? Khả năng giải quyết ra sao? Còn nếu việc cấp giấy chứng nhận chỉ là điều kiện cần thì ngoài việc này ra khả năng thu hồi nợ của DIG sẽ phụ thuộc vào các yếu tố nào nữa? Tại sao công ty không liệt kê ra?

NĐT nhỏ lẻ rất khó đoán định BCTC của DIC CORP. Ảnh: LONG THANH

NĐT nhỏ lẻ rất khó đoán định BCTC của DIC CORP.  Ảnh: LONG THANH 

Một loạt giả thiết được đặt ra ở đây phần nào cho thấy những rủi ro (dù có thể chỉ là tạm thời) liên quan đến công nợ của DIG. Thực ra, công nợ để đến mức quá hạn vẫn không thể thu hồi đã là rủi ro rồi. Mà đã rủi ro phải trích lập dự phòng và đương nhiên sẽ tác động trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp, trích lập bao nhiêu lợi nhuận giảm bấy nhiêu.

Năm 2012, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của DIG đạt 7,6 tỷ đồng, giả sử nếu trích dự phòng với tỷ  lệ 5% cho 131 tỷ đồng công nợ (tương đương 6,5 tỷ đồng), con số lợi nhuận sẽ giảm chỉ còn 1,1 tỷ đồng. Còn nếu trích lập tỷ lệ 10% (giá trị trích lập 13,1 tỷ đồng), tất nhiên DIG sẽ bị lỗ. Nhưng 5% hay 10% cũng chỉ là ước tính, xác định hợp lý giá trị rủi ro để trích lập lại là câu chuyện không đơn giản có lẽ chỉ doanh nghiệp mới biết.

Trường hợp của DIG, nếu giả sử công ty có thể xử lý công nợ thì không thể “ép” công ty trích lập dự phòng, vì chỉ cần thực hiện việc này lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng, gây tác động tiêu cực. Nhưng nếu DIG tự tin không trích lập dự phòng, có lẽ cần nhiều thông tin hơn nữa từ công ty để giải thích cho các cổ đông, nhà đầu tư và cơ quan quản lý TTCK hiểu rõ. Có một chi tiết rất đáng chú ý là trong BCTC hợp nhất 2011 của DIG, kiểm toán viên cũng đã đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần và nội dung cũng “na ná” như năm 2012, chỉ khác về quy mô của công nợ mà thôi.

Kiểm toán viên và tình huống nhạy cảm

Nếu hiểu ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán là tốt, thì ý kiến chấp nhận từng phần sẽ là “hơi hơi tốt” hoặc “tạm được” và sẽ trở nên khó phân định rõ ràng.

Một khoản mục trên BCTC có thể xem là trọng yếu nếu nó ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng BCTC. Từ những vấn đề trọng yếu, kiểm toán viên sẽ đưa ra những ý kiến của mình như chấp nhận toàn phần, chấp nhận từng phần hay từ chối hoặc không chấp nhận.

Vấn đề ở đây là trọng yếu lại không thể định tính bởi có hệ thống xem những khoản mục có giá trị từ 10% tổng tài sản trở lên mới được xem trọng yếu, nhưng cũng có những quy chuẩn chỉ từ 2-3% trở lên đã có thể xem xét trọng yếu.

Cũng có trường hợp từng sai sót nếu nhìn riêng lẻ sẽ không trọng yếu, nhưng nếu ráp nối lại với nhau cho ra một ảnh hưởng rất lớn trên BCTC. Nhìn chung, đánh giá những khoản mục trọng yếu luôn là một thách thức và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro đối với kiểm toán viên.

Mặc dù không có một chuẩn nhất định, nhưng theo một chuyên gia kiểm toán, nếu xem xét trên bảng cân đối kế toán thì khoản mục chiếm tỷ trọng từ 3% tổng tài sản trở lên thường được xem là trọng yếu. Trở lại với trường hợp của DIG, giá trị công nợ của DIG trị giá 131 tỷ đồng, chỉ tương đương 2,6% tổng tài sản, nếu đem so sánh với một số chuẩn trọng yếu thì khoản mục này chưa vượt ngưỡng trọng yếu. Mà khi chưa ở ngưỡng này, thường kiểm toán viên có thể mạnh dạn xét đoán dựa vào trình độ, quan điểm của mình, ở đây là chấp nhận từng phần và có thể xem đây là một đánh giá hợp lý.

Như đã phân tích ở trên, nếu DIG trích lập dự phòng cho công nợ quá hạn của mình, một kịch bản là công ty từ lãi chuyển thành lỗ. Nếu khả năng này xảy ra cũng đồng nghĩa với việc lợi ích của cổ đông DIG sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên có cơ sở để xem đây là một khoản mục có tính chất trọng yếu. Đứng trước một khoản mục có tính trọng yếu, nhưng không thể nhận diện được (ở đây là chuyện lãi lỗ), kiểm toán viên cũng có thể từ chối đưa ra ý kiến, qua đó cho thấy BCTC “rất có vấn đề”.

Rõ ràng, kiểm toán viên của DIG đứng trước một tình huống rất nhạy cảm và chọn giải pháp nào cũng có thể đối mặt với rất nhiều áp lực. Nếu kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến với BCTC của DIG, đẩy sự thận trọng lên mức độ cao nhất, tất nhiên sẽ giảm thiểu rủi ro cho cổ đông và cho chính mình ở mức tối đa. Nhưng kiểm toán quá gắt gao liệu có lợi cho mình hay không? Trừ nhóm 4 công ty kiểm toán lớn nhất (Big4, thậm chí có thể “chọn” khách hàng), thì những công ty kiểm toán khác cũng phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Công ty kiểm toán cũng là doanh nghiệp, mà đã kinh doanh phải có thu nhập.

Khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần, có nghĩa BCTC nhìn tổng thể là tốt, chỉ có một số phần “chưa được”. Thành thực mà nói, ý kiến chấp nhận từng phần của kiểm toán viên rất chừng mực, chỉ ra những khoản mục cần lưu ý của doanh nghiệp một cách khá nhẹ nhàng và hữu hảo. Nhưng với loại ý kiến này, việc đánh giá lại thuộc về thị trường, với một số NĐT cá nhân không quá am hiểu về tài chính sẽ phải nhíu mày và đặt ra những câu hỏi như: Tại sao lại không tốt hẳn hay xấu hẳn? Chấp nhận rồi sao lại có từng phần? Rõ ràng NĐT đã vào thế khó phán đoán.

Các tin khác