Bang Orregon (Mỹ) những ngày cách ly
Làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột
Ông Guterres nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong lịch sử 75 năm của Liên hiệp quốc (LHQ). Nó gây chết chóc, gieo rắc sự đau khổ và hoang mang cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên điều lớn hơn cả là một cuộc khủng hoảng nhân loại. Đại dịch Covid-19 đang tấn công vào cốt lõi của xã hội loài người”.
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cũng cảnh báo “sức khỏe” kinh tế toàn cầu đang gặp rủi ro và sẽ dẫn đến “một cuộc suy thoái mà có lẽ không có sự song trùng nào trong lịch sử gần đây”. Một trong những tác động thảm khốc của đại dịch Covid-19 là có thể làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột đang diễn ra trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những tác động sâu rộng đối với kinh tế, chính trị và xã hội toàn cầu, Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về luật phát triển (IDLO), bà Jan Beagle, vừa đưa ra Tuyên bố chính sách của IDLO: “Ứng phó với Covid-19 trên cơ sở pháp quyền”. IDLO là tổ chức quốc tế liên chính phủ duy nhất chuyên về thúc đẩy pháp quyền và phát triển bền vững, được thành lập năm 1988, là quan sát viên của LHQ từ năm 2001. IDLO có 37 quốc gia thành viên ở các châu lục khác nhau, trong đó có Việt Nam.
Ngày 1-4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức kinh tế và y tế lớn nhất cho nước này kể từ Thế chiến thứ II. Trong tình hình phức tạp hiện nay, ông hối thúc quốc hội nhóm họp trở lại.
Tại châu Á, Hàn Quốc đang xúc tiến tổ chức cuộc họp trực tuyến đặc biệt ASEAN+3 (APT) gồm 10 thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về đại dịch Covid-19. Tờ New Straits Times ngày 2-4 đưa tin, Chính phủ Malaysia vừa thành lập Ủy ban Nội các đặc biệt với nhiệm vụ bảo vệ nền kinh tế và thị trường lao động của nước này.
Nhiều nước chủ động phòng ngừa cho nội các
Ngày 2-4, Bộ Y tế Israel thông báo Bộ trưởng Y tế Yaakov Litzman (71 tuổi) và vợ đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới mắc Covid-19, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định chia các bộ trưởng trong nội các thành hai nhóm để luân phiên tham gia các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ nhằm phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm. Ngày 1-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật trao thêm một số quyền cho nội các nước này, trong đó có việc ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và tăng nợ trong trường hợp phải áp dụng các biện pháp cách ly và dịch tễ học.
Phát biểu trên truyền hình chiều 2-4, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc để hạn chế sự lây lan dịch Covid-19. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 22 giờ ngày 3-4 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Theo đó, người dân bị cấm ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ đội ngũ y tế và những người có chức trách quan trọng. Chính phủ Thái Lan cũng sẽ cấm nhập cảnh vào nước này, kể cả người Thái, từ ngày 2 đến 15-4, để chuẩn bị các cơ sở “cách ly nhà nước” do có quá nhiều ca bệnh đến từ nước ngoài.
Báo Đức ca ngợi chiến lược chống dịch Covid-19 hiệu quả của Việt Nam Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức số ra ngày 1-4 đã có bài viết đáng chú ý về chiến lược chống virus SARS-CoV-2 hiệu quả của Việt Nam, đồng thời đặt câu hỏi mở về việc nên chăng các nước phương Tây có thể học hỏi điều gì đó từ công thức chống dịch của Việt Nam. Theo bài báo, nhờ những biện pháp kịp thời, Việt Nam ban đầu chỉ ghi nhận 16 trường hợp nhiễm bệnh và ngày 25-2, Việt Nam đã tự hào tuyên bố rằng tất cả các bệnh nhân đều đã được chữa khỏi và không có thêm trường hợp nhiễm mới trong khoảng 3 tuần. Bài báo cũng nhấn mạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, chỉ ra khỏi nhà nếu có việc cần thiết. Một trong những lý do cho sự thành công đến nay của Việt Nam trong công tác chống dịch là việc huy động sức mạnh của người dân thông qua các chiến dịch quần chúng, qua tin nhắn và tuyên truyền. Tuy nhiên theo bài báo, không phải vô cớ mà các nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố cuộc chiến thực sự chỉ mới bắt đầu. Chuyên gia Đại học Y Harvard Pollack nhận thấy những khó khăn phía trước mà Việt Nam sẽ phải đối mặt nếu số người nhiễm, người thuộc diện cách ly và cần được xét nghiệm tiếp tục tăng lên, dẫn tới quá tải, và điều đó sẽ gây ra những hệ quả về kinh tế cho nền kinh tế mới nổi ở châu Á này. |