Hiện tượng “nhạc rác” không mới, nhưng vẫn đang có những tác động tiêu cực, khiến không ít người lẫn lộn ranh giới giữa giải trí hài hước và nhảm nhí.
Diễn viên Lê Dương Bảo Lâm hát nhạc chế phản cảm trên sóng truyền hình
Nhạc “rác” bị tuýt còi
Một số sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ trẻ ra mắt thời gian qua liên tục trở thành đề tài bàn luận, bị giới chuyên môn lẫn khán giả cho là “nhạc rác”. Nguy hiểm hơn, một số ca khúc còn kích thích cảm xúc tiêu cực, cổ xúy lối sống tự do, buông thả. Điển hình như trường hợp của Chi Pu với MV Sashimi nhạy cảm, dễ gợi liên tưởng đến chuyện thầm kín khi kết hợp hình ảnh và ca từ. Đáng nói là ngay trước đó, MV Black Hickey của cô cũng đã gây tranh cãi do có cảnh ám chỉ ngoại tình công sở.
Bên cạnh Chi Pu, nhiều ca sĩ khác như rapper B.G., R., B., P.P.A... cũng đã tung một số MV hình ảnh phản cảm, khiến người xem khó chịu. Nhiều MV chứa hình ảnh táo bạo, phản cảm như Ông bà già tao lo hết, Lái máy bay, Bốc bát họ, Trơn, Quan hệ rộng... do rapper B.G. phát hành. Sau khi bị lên án, tối 20-9, rapper B.G. đã tự ẩn tất cả video nhạc trên kênh YouTube. Loạt MV Rap chậm thôi của một nghệ sĩ trẻ khác là B.R. cũng “bay màu” khi vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ khán giả. Đ.V.H cũng từng tung ca khúc có hình ảnh nhân vật nữ thực hiện động tác quyến rũ nhân vật nam quá đà. Sơn Tùng MTP ra mắt MV There’s no one at all và nhận về nhiều ý kiến trái chiều, không phù hợp chuẩn mực xã hội trong nước. MV bị xử phạt, buộc phải gỡ bỏ khỏi YouTube.
Nhạc chế gây ức chế
...Nobita luôn ăn hiếp bạn bè/Nobita thầm yêu Xuka hái hoa hồng tặng cho Chaien/Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng/Thì một năm sau Nobito chào đời. Nghe tiếng con trai gần 6 tuổi hát nhiều lần đoạn nhạc chế này, chị Võ Thị Thúy Diễm (36 tuổi, ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM) giật mình. “Trời đất, đó giờ mới nghe bài hát nhảm nhí hết sức mà không hiểu sao tụi nhỏ thuộc làu làu. Những bài hát xàm như thế này rất không nên phổ biến. Vậy mà giờ mở YouTube, Facebook, TikTok… hay đi đâu cũng nghe hát. Ngán quá!”, chị Diễm nói.
Anh Nguyễn Minh Tâm (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng bức xúc: “Tôi không biết bài này ai sáng tác mà con tôi mới 5 tuổi với đám con nít cùng khu phố hát hoài. Hát gì mà bóp méo, lố lăng, làm sai lệch đi truyện Doraemon, phá nát tuổi thơ của bọn nhỏ. Hát hò nghe chơi bên ngoài đã kỳ, vậy mà còn xuất hiện trong gameshow, lên truyền hình”.
Bài nhạc chế trên bắt nguồn từ gameshow G.M.Đ.T phát sóng trên một đài truyền hình lớn do diễn viên Lê Dương Bảo Lâm chế lời (dựa theo bài hát Hãy sống cho tuổi trẻ, nhạc ngoại, lời Việt của Cao Tùng Anh). Không chỉ Lê Dương Bảo Lâm, nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất nội dung trên nền tảng mạng xã hội cũng chế lời nhảm nhiều ca khúc, làm mất đi tinh thần bài hát gốc.
Nói về hiện tượng một số ca khúc bị chế lời, lan truyền trên sóng truyền hình, nhiều nhạc sĩ, khán giả bày tỏ không hài lòng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, việc nhạc chế nhảm “lên thẳng” các gameshow truyền hình, gameshow về âm nhạc, các sân khấu biểu diễn… là khó chấp nhận. “Ai cũng thích tiếng cười, trong âm nhạc đôi khi cũng cần sự hài hước vì nó mang lại sự vui vẻ cho mọi người. Những danh hài khi xưa đôi khi cũng hát nhạc chế để phục vụ cho tiểu phẩm. Có một thầy giáo trẻ cũng chế khá nhiều bài nhạc nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hào hứng vui vẻ hơn. Đó là điều rất quý. Tuy nhiên, sự hài hước và sự nhố nhăng phản cảm hoàn toàn khác nhau. Phải có một chuẩn mực cho việc đó. Và đó là ý thức và văn hóa cần có đối với một người nghệ sĩ”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng thì khẳng định, việc phát tán những sản phẩm âm nhạc có chất lượng kém gây nhiều ảnh hưởng đến người nghe, cụ thể: Làm cho người nghe lầm tưởng, ngộ nhận rằng đó chính là nghệ thuật và dung nạp những yếu tố đó; làm cho giới trẻ bắt chước một cách vô thức khi chưa đủ nhận thức để phân biệt nghệ thuật và giải trí kém lành mạnh; khiến bạn bè nghệ thuật quốc tế hoài nghi về trình độ âm nhạc của chúng ta và làm cho những người làm nghệ thuật chân chính cảm thấy bàng hoàng và mất niềm tin vào khán giả và cơ quan kiểm duyệt.
“Về cơ bản, chúng ta có truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội. Truyền thông đại chúng có kiểm duyệt, ví dụ như truyền hình, báo chí chính thống, nhưng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube, TikTok thì không. Do đó phụ huynh cũng cần đồng hành với xã hội để giúp ngăn chặn hiện tượng nhạc chế nhảm tiếp xúc với trẻ em”, nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng chia sẻ.