Sở Lao động Thương binh - Xã hội TPHCM vừa ra quyết định siết chặt quản lý hệ thống mái ấm, nhà tình thương trên địa bàn. Theo đó, tất cả cơ sở do các cá nhân thành lập, nếu không đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn sẽ không được phép hoạt động, bao gồm: diện tích đất cho một em, số bảo mẫu đã qua đào tạo, khu vui chơi cho trẻ... Đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhưng cần có lộ trình và giải pháp hợp tình, hợp lý hơn. Bởi lẽ, những đối tượng ở nhà tình thương đều có hoàn cảnh rất thiệt thòi, rất dễ bị tổn thương nếu đối diện với những thái độ ứng xử ít khéo léo.
TPHCM vốn hào hiệp đã cưu mang nhiều mảnh đời bất hạnh. Người dân cũng mở lòng hướng theo những động thái văn minh của chính quyền. Các mái ấm do tư nhân thành lập đều ra đời trên ý thức chung tay vì cộng đồng. Người dân không có nhiều tiền, nên nhận nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em mồ côi và trẻ em lang thang, theo điều kiện khiêm tốn của mình. Yêu cầu 30m2 cho một em, quả là đòi hỏi hơi cao đối với nhiều nhà tình thương do tư nhân thành lập. Thí dụ, nhà Hạnh Phúc ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đang phải chuẩn bị giải tán vì không đáp ứng được không gian sinh hoạt cho 32 đứa trẻ cơ nhỡ. Nhà Hạnh Phúc hoạt động hơn 8 năm qua, luôn được người dân xung quanh động viên và hỗ trợ. Sở dĩ có tên nhà Hạnh Phúc do mái ấm nho nhỏ này nằm cạnh Khu đô thị Hạnh Phúc trên Đại lộ Nguyễn Văn Linh. Lâu dần, những tổ chức thiện nguyện quen với cái tên gọi ấy. Những người quản lý nhà Hạnh Phúc không phải đại gia, mà chỉ là những người lao động bình thường. Trước nhà Hạnh Phúc có dán một câu khẩu hiệu “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ”. Tôn chỉ này không chỉ được những người trong nhà Hạnh Phúc gìn giữ, mà còn có sự tiếp sức của bao nhiêu tấm lòng khác. Mỗi ngày, từng mớ rau, từng con cá, từng ký gạo… của những nhà hảo tâm đã mang đến để những đứa trẻ thiếu thốn kia tin rằng không ai bị bỏ rơi giữa dòng đời xuôi ngược.
Nhà Hạnh Phúc ở Bình Chánh là một trường hợp không đủ tiêu chuẩn để tồn tại. Nhìn rộng khắp đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam, sẽ còn bao nhiêu mái ấm nữa đang chênh vênh tương tự như nhà Hạnh Phúc. Giải tán rất đơn giản, chỉ cần một văn bản cưỡng chế. Thế nhưng, những đứa trẻ bất hạnh sẽ biết nương tựa vào đâu, khi chưa có nơi trú ngụ ổn định hơn?