Mặc dù thông tin vĩ mô trên thị trường chứng khoán thế giới là khá tích cực và có thể hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng nhiều công ty chứng khoán cho rằng trong tuần này, thị trường có thể biến động khó lường khi có nhiều sự kiện diễn ra như: đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 12 hay hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF).
Thực tế cho thấy dòng tiền lớn nhập cuộc giúp thị trường hồi phục sau 4 tuần giảm điểm liên tiếp.
Kết thúc tuần giao dịch (từ 9-13/12), VN-Index tăng 2,62 điểm lên 966,18 điểm; HNX-Index tăng 0,441 điểm lên 102,94 điểm. Thanh khoản tăng so với tuần trước đó, đạt khoảng hơn 4.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tích cực là động lực chính giúp thị trường hồi phục trong tuần qua, với các mã tiêu biểu như: BID tăng 5,7%, VCB (4,1%), CTG (1,5%), ACB (0,9%), HDB (0,5%), VPB (0,3%)... Điều đó củng cố quan điểm cho rằng, xu thế hồi phục của nhóm cổ phiếu này có thể còn tiếp diễn trong tuần này.
Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa cao. Ở chiều tăng giá, cổ phiếu trụ cột trong nhóm cổ phiếu ngành công nghệ là FPT tăng tới 3,8%, trong khi cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH cũng tăng 3,2%, cổ phiếu ngành thực phẩm-đồ uống là VNM tăng 1,4%.
Các cổ phiếu trụ cột thị trường thuộc nhóm cổ phiếu "họ" Vingroup là VRE và VHM đều giảm 3,1%. Cổ phiếu vốn hóa lớn ngành bất động sản là NVL cũng giảm 3,5% và mã vốn hóa lớn thuộc nhóm thực phẩm-đồ uống giảm mạnh là MSN với 7,1%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đua nhau giảm giá. Cụ thể, PLX giảm 1,8%, BSR (4,3%), OIL (2,2%), PVD (1%)... Diễn biến của nhóm cổ phiếu dầu khí gần đây cho thấy, nhóm ngành này đang “phập phù," chưa rõ xu hướng tăng giảm.
Thực tế, giá cổ phiếu dầu khí thường chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới. Mặc dù tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu chuẩn Tây Texas (WTI) đều tăng hơn 1% khi hai mặt hàng này vọt lên mức cao nhất trong gần ba tháng trong phiên cuối tuần.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của giá dầu khí chưa trở thành xu hướng. Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến các phiên tăng giảm đan xen trước số liệu về hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, chương trình cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất, báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ và diễn biến mới về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Các thông tin vĩ mô trên thị trường thế giới hiện khá tích cực sẽ là điểm tựa cho các thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuần qua, thị trường đón nhận các thông tin như cuộc họp về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc, bầu cử Hạ viện tại Anh... đã kết thúc.
Không nằm ngoài dự đoán, khép lại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 10-11/12, Fed thông báo không thay đổi tỷ lệ lãi suất sau khi cắt giảm tỷ lệ này trong ba cuộc họp trước nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế vững chắc.
Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, triển vọng của kinh tế Mỹ vẫn thuận lợi bất chấp những nguy cơ của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn được coi là lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu.
Trong phiên giao dịch 12/12, thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức kỷ lục trong tháng 12, sau khi xuất hiện thông tin Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận hẹp hướng tới việc giải quyết cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa hai bên.
Ngay sau khi thị trường bắt đầu giao dịch, trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết “Gần đạt được một thỏa thuận lớn với Trung Quốc." Điều này giúp khích lệ các nhà đầu tư sau nhiều tháng không chắc chắn về tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, Phố Wall lại không biến động nhiều khi thỏa thuận thương mại được chờ đợi lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc được công bố vào ngày 13/12, làm giảm nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau gần hai năm.
Hai trong ba chỉ số chính ở Phố Wall ghi nhận các mức cao kỷ lục và tính chung cả tuần, cả ba chỉ số này đều tăng điểm nhưng hoạt động giao dịch trong phiên này nhìn chung không sôi động.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones gần như “đi ngang” ở mức 28.135,38 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đóng phiên ở mức cao kỷ lục mới là 3.168,80 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,2% lên 8.734,88 điểm, mức cao nhất từ trước đến nay.
Chuyên gia Art Hogan của công ty National Holdings cho rằng diễn biến nói trên là minh chứng rõ nét cho chiến lược “Mua tin đồn, bán sự thật” trên thị trường chứng khoán, chỉ việc các chỉ số chứng khoán thường tăng nhiều hơn khi có đồn đoán về một sự việc, hơn là sau khi sự việc đó thực sự diễn ra.
Tương tự, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, thông tin Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 dù giúp nhà đầu tư yên tâm hơn, nhưng khó có thể giúp thị trường tăng trưởng mạnh khi việc này đã diễn ra trong thực tế.
Ở góc độ khối ngoại, trong tuần qua, khối này tiếp tục bán ròng mạnh, đạt 536 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây cũng là yếu tố tạo áp lực giảm giá lớn lên cổ phiếu.
Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC cho rằng, đà phục hồi của thị trường vẫn chưa rõ rệt với những phiên tăng giảm và ảnh hưởng từ hoạt động bán ròng của khối ngoại.
Cùng chung quan điểm này, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC dự báo thị trường trong tuần này sẽ biến động khó lường khi có nhiều sự kiện diễn ra. VN-Index nhiều khả năng tiếp tục dao động trong vùng 955-971 điểm. Chỉ số này vẫn cần vượt qua vùng kháng cự 970-971 điểm để có thể hoàn thiện mẫu hình 2 đáy nhỏ và bước vào nhịp hồi phục với độ tin cậy cao hơn.
“Tuy vậy, chúng tôi cũng lưu ý đến kịch bản thị trường sẽ có biến động theo hướng bất lợi trong những phiên cuối tuần và có thể lui về kiểm định các vùng hỗ trợ 951-955 điểm một lần nữa," nhóm phân tích tới từ BVSC nêu quan điểm.