Phần 1:
Phần 2:
Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam được diễn ra lúc 08h30, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 35-37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.
Mục đích chính của Diễn đàn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Diễn đàn là cơ hội trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước bộ, ngành, cơ quan lập pháp và các nhà nghiên cứu kinh tế về vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, điện khí, từ đó đóng góp nhằm từng bước hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách hướng tới phát triển điện khí hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Tham gia Diễn đàn có đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Viện Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...
Các đại biểu tham gia Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam |
Tổng Biên tập Báo SGGP và các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Nhiều thách thức trong phát triển điện khí
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP, cho biết Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.
Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Theo ông Tăng Hữu Phong, Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.000 đến 573.000 MW.
Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện khí hóa lỏng là 22.400 MW chiếm 14,9%).
Trong khi đó, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%. Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện 8 để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.
Tuy vậy, trong phát triển điện khí, thách thức trước tiên là nguồn cung và giá khí hoá lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này.
Do vậy, trong bối thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và thường chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các vướng mắc trong việc triển khai các dự án điện khí hiện nay vẫn là đàm phán giá điện do bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá mua đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN bán ra; chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí hóa lỏng; khung pháp lý cho các dự án khí hóa lỏng chưa hoàn thiện; việc thu xếp vốn cho dự án khí hóa lỏng gặp nhiều khó khăn do cần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả.
Trong khi đó, từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm nữa để các dự án khí hóa lỏng triển khai và đi vào vận hành. "Nếu như chúng ta không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia", ông Tăng Hữu Phong nhận định.
Nhiều dự án vẫn nằm ở trạng thái "treo"
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, chia sẻ: "Trong năm nay tôi tham dự không dưới 3 hội thảo về năng lượng và chuyển đổi xanh, và đều nói về những khó khăn và thách thức của thị trường điện khí".
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng |
Theo ông Bùi Quốc Hùng, cam kết của Việt Nam tại COP26 được thể hiện thông qua Quy hoạch điện 8, việc điều chỉnh lại cơ cấu nguồn điện theo từng giai đoạn tới năm 2045, trong đó có điện khí. Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với yêu cầu phải chú trọng phát triển nhanh chóng nhiệt điện khí LNG, đồng thời phải ưu tiên phát triển hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG.
Theo Quy hoạch điện 8, khối lượng hydro cần thiết để thay thế nguồn LNG nhập khẩu đến năm 2035 khoảng 0,7-1,4 triệu tấn, năm 2045 khoảng 9,5-11,3 triệu tấn, năm 2050 khoảng 16-17,4 triệu tấn. Ước tính sơ bộ cho thấy tiềm năng năng lượng tái tạo trong nước đảm bảo sản xuất đủ hydro xanh cho sản xuất điện.
Hiện Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Nghĩa là, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 16% cơ cấu nguồn điện, tập trung chủ yếu ở miền Bắc để đảm bảo nguồn điện chạy nền cho khu vực này. Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.
Nhưng hiện nay vẫn đứng trước nhiều thách thức, nhiều dự án vẫn nằm ở trạng thái treo, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.
Trong những năm qua, giá LNG đã có nhiều biến động rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid và xung đột chiến sự giữa Nga và Ucraina, điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam nếu Chính phủ không có các hỗ trợ hợp lý trong các điều kiện đặc thù.
Thứ hai, LNG có những đặc thù riêng của nó như mức độ các cam kết dài hạn, thị trường biến động và chịu nhiều ảnh hưởng của các sự kiện chính trị, xã hội… Thị trường năng lượng nói chung, LNG nói riêng trên toàn cầu hiện đang trong trạng thái bất ổn do các sự kiện địa chính trị.
Các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.
Một khó khăn nữa theo ông Bùi Quốc Hùng là hiện nay Chính phủ cũng không cấp bảo lãnh nào, và việc phát điện sẽ là cạnh tranh trên thị trường điện, nên quyết định đầu tư nhà máy điện độc lập đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực. Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án LNG, thách lớn nhất là đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải đàm phán mua bán điện với EVN dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép… (trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành). Hiện vẫn chưa có dự án điện khí LNG nào được khởi công xây dựng bởi chưa hoàn tất được các hợp đồng liên quan tới hoạt động của nhà máy, mà đáng chú ý nhất là PPA.
Sớm nhất năm 2027 mới có nhà máy điện khí LNG
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 thì về phát thải CO2, chúng ta phải đưa về mức 0 vào năm 2050. Khí phát thải chủ yếu được phát ra số từ 3 nguồn chủ yếu: giao thông, năng lượng và xây dựng. Một số lĩnh vực khác như chăn nuôi cũng có nhưng số lượng ít.
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng |
"Thế nhưng phát thải bằng 0 cũng không có nghĩa là không có phát thải, mà theo tôi là phải trung hòa carbon. Nhiều địa phương cực đoan quá, nên nghĩ rằng không phát triển các dự án nhiệt điện than, thay vào đó chuyển sang thực hiện các dự án điện khí, song khi thực hiện thì không đáp ứng được các điều kiện như về chính sách, vốn, nhân lực, hạ tầng… Nên một số dự án điện khí ở một số tỉnh phía Nam hiện vẫn ách tắc lại nhiều năm", ông Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Từ nhận định này, ông Nguyễn Đức Kiên, cho rằng nếu áp dụng không đúng thì khó đạt được kết quả tốt. Hiện nay, xu hướng công nghệ thế giới đang áp dụng là khí hydrogen. Xu thế là như vậy, song hiện nay công nghệ và quy mô loại hình này vẫn hạn chế. Ít nhất phải đến năm 2027 mới có nhà máy điện khí LNG.
TS Nguyễn Đức Kiên: "Hiện chúng ta đang đồng nhất EVN với ngành năng lượng. Khi xảy ra vấn đề về điện, dư luận chỉ tập trung vào trách nhiệm của EVN, trong khi trách nhiệm là của cả ngành năng lượng với trách nhiệm là nguồn cung".
Thông tin tại Diễn đàn, ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Dữ liệu, Viện Dầu khí Việt Nam, cho biết hiện số dự án LNG chiếm 39% trong tổng số dự án quy hoạch điện Việt Nam giai đoạn 2023-2035. Dự kiến, công suất LNG chiếm 60% trong tổng số công suất quy hoạch điện Việt Nam giai đoạn 2023-2035.
Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Dữ liệu, Viện Dầu khí Việt Nam |
Theo dự báo, lượng khí khai thác trong thời gian tới ở khu vực Đông Nam Á có thể giảm, đây là thách thức lớn đối với các nước có nhu cầu. Với nền công nghiệp khí ở Việt Nam, sản lượng khí tăng khá tốt nhưng là trong quá khứ, thời gian tới sẽ có sự dịch chuyển khi các dự án lớn trọng điểm đi vào hoạt động. Trong bối cảnh dịch chuyển nguồn khí như hiện nay thì nhu cầu năng lượng đang lớn, đặc biệt là Việt Nam.
Riêng về khí LNG, trong bối cảnh chung, nhu cầu đòi hỏi năng lượng xanh, sạch rất lớn. Tại Việt Nam, với GDP tăng hàng năm thì sản lượng năng lượng sẽ tăng, như năng lượng tái tạo, gió, khí... Điều này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Dự báo, từ năm 2030 cần 12 triệu tấn khí LNG ở Việt Nam.
Về quy hoạch phát triển các nhà máy điện, theo ông Lê Ngọc Anh, đa phần các nhà máy LNG được triển khai linh hoạt, đây có thể là nguồn phát điện chính từ 2026. LNG có đặc thù, nhu cầu cho năng lượng này có vai trò quan trọng trong chuyển giao, chuyển dịch, đặc biệt là các trung tâm năng lượng ở phía Bắc. Hiện nay giá năng lượng LNG là thách thức lớn, nhưng hiện giờ đã giảm và ổn định, đây là thuận lợi, nhưng việc phát triển khí LNG, cần quan tâm đến cơ chế đặc thù.
Cần xây dựng chính sách liên quan đến LNG
Trên cương vị doanh nghiệp đầu ngành khí, ông Huỳnh Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), cho biết xây dựng và quy hoạch tổng kho chứa khí LNG hiện nay là khó khăn nhất. "Quan điểm của chúng tôi là làm nhiều kho để cấp cho nhiều nhà máy điện, nhưng các địa phương vẫn chưa có quy hoạch về kho và đường dẫn. Bây giờ một kho mà vận chuyển đến các nhà máy điện khí thì sẽ khó đáp ứng được", ông Huỳnh Quang Hải chia sẻ.
Ông Huỳnh Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) |
Từ đó, ông Huỳnh Quang Hải đề xuất một kho cấp cho một nhà máy điện, như vậy mới giảm được chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, nên xây dựng mô hình kho đầu mối và một cầu cảng phù hợp. "Theo tính toán, cứ 2 triệu USD đầu tư cho 1km đường ống dẫn khí dọc bờ biển thì khoảng 350 triệu USD là chúng ta có thể làm được một đường ống dẫn khí", ông Huỳnh Quang Hải phân tích.
Theo ông Huỳnh Quang Hải, kiến nghị các bộ ngành và địa phương cần rà soát đảm bảo đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết giữa các quy hoạch và kế hoạch thực hiện: Quy hoạch điện 8; quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia; quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển và quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước; các quy hoạch địa phương đặc biệt là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.
Về cơ chế chính sách, theo ông Huỳnh Quang Hải, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện như: cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa và bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện; phê duyệt cước phí qua kho, cước phí đường ống.
"Điểm nghẽn" về giá
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính, việc phát triển cung và cầu, giá cả về khí LNG như thế nào là rất quan trọng. Hiện nay, thị trường năng lượng nói chung đang gặp vướng mắc lớn nhất là về giá, đây là “điểm nghẽn” khi đầu vào thì theo giá thị trường, còn đầu ra thì theo giá điều tiết của Nhà nước.
PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính |
Ông Ngô Trí Long cho rằng về cầu, quan trọng cho khí LNG chính là điện khí, cần phải tập trung phát triển. Giá cả làm sao phải cho phù hợp, bên cạnh tự do hóa giá cả, do thị trường quyết định, nhưng Nhà nước vẫn phải điều tiết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, điện khí cũng không ngoại lệ. Với nhu cầu sử dụng điện hiện tại của nền kinh tế, các dự án điện dùng nhiên liệu LNG đang nổi lên là một xu thế tất yếu trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu LNG ở Việt Nam vẫn đang gặp những vướng mắc nhất định, đặc biệt là cơ chế giá. Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện, do đó có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện. Vậy nên cần nghiên cứu thành lập một hay một vài trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện, đầu mối này phải được quản lý và giám sát của nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, giá LNG tại thị trường Việt Nam được xác định dưới tác động ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính. Một là, giá nhập khẩu LNG từ thị trường thế giới về đến Việt Nam và chi phí tiếp nhận, tồn trữ, tái hóa, phân phối LNG trên thị trường Việt Nam. Hai là, giá nhiên liệu cạnh tranh hoặc tổng giá trị cạnh tranh tương đương.
Từ 2 yếu tố chính đó, đối với LNG cung cấp cho khách hàng điện cần có hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định giá phát điện từ nguồn LNG bao gồm cả giá nhiên liệu và giá vận chuyển nhiên liệu cũng như phương thức chào giá và phát điện lên hệ thống điện quốc gia.
PSG.TS Ngô Trí Long: "Để tránh nhiều dự án điện khí bị chậm nhiều năm hoặc khó khăn không thể thực hiện được do năng lực chủ đầu tư, cần có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm. Vấn đề này đã có quy định trong pháp luật về đấu thầu, nhưng hiện chưa có cơ chế đầu thầu chung để chọn chủ đầu tư. Thẩm quyền lựa chọn không thống nhất, khi thì là Chính phủ, hay giao cho bộ, khi thì giao cho tỉnh gây lúng túng cho các bên liên quan".
PGS. TS Ngô Trí Long đề xuất cần sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện khí LNG trong nước, sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm của Việt Nam trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG hay xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh để thúc đẩy đầu tư.
"Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có bảo lãnh Chính phủ vừa không có bao tiêu điện, doanh nghiệp sản xuất điện khí khó có thể triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả được. Nếu không giải được bài toán trên, mọi dự án LNG không thể triển khai được", PSG.TS Ngô Trí Long phân tích.
Không có quy hoạch sẽ không có thị trường điện khí
Trong phần thảo luận, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, cho rằng khi nói đến điện khí thì phải nói đến quy hoạch. Không có quy hoạch thì không thể phát triển được. Cơ sở hạ tầng là rất quan trọng để phát triển điện khí, nó liên quan đến cả cảng nước sâu, phải có các quy chuẩn quốc tế. Cam kết bao tiêu điện đầu ra cũng đang là trở ngại đối với các dự án điện khí. Như dự án điện khí ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) là một ví dụ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính |
Trong Quy hoạch điện 8 đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Như vậy, bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa carbon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ thêm, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG sẽ tăng tỷ trọng nguồn điện khí năm 2020 từ 10,2%. tương đương 7GW, lên 32GW năm 2030, chiếm 21,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia.
Đây là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Về mặt lợi thế, nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, tương đối thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiệt điện khí sẽ kịp thời bổ sung nguồn điện khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết. Chính vì vậy, điện khí LNG được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu trong chính sách bảo đảm an ninh năng lượng. Đặc biệt trong bối cảnh việc khai thác các nguồn tài nguyên truyền thống của Việt Nam như thủy điện, than, dầu khí đang trên đà suy giảm.
Quy hoạch điện 8 xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW. Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030. Do đó, muốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện 8 phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách.
Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển.
Thứ hai, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Thứ ba, về phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng các cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ.
Thứ tư, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG, cần giao UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính.
Thứ năm, đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện... Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.
Thứ sáu, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... nhằm tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.
Vận hành thị trường LNG theo cơ chế thị trường
Trong phần thảo luận, TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính chia sẻ 2 vấn đề về thị trường điện khí. Thứ nhất, nếu chúng ta quá tập trung vào điện khí sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng Việt Nam, nhất là đường vận chuyển qua biển Đông.
Thứ hai, có một ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ được lựa chọn là điểm trung chuyển khí của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, tính toán và quy hoạch về phát triển điện khí cần phải đặt trong bối cảnh chung đó của thế giới và khu vực. Thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai, can thiệp sâu vào tỷ giá là điều mà Mỹ theo dõi. Việt Nam cũng phải tránh những điều này.
TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính |
Như vậy, điện khí có thể là lĩnh vực mà Việt Nam nhập khẩu để giúp làm giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại với phía Mỹ. "Mấu chốt chúng ta phải vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh với cả khu vực. Thị trường điện khí cũng không ngoại lệ. Nên, mọi quy hoạch, kiến nghị về điện khí tôi cho rằng cũng cần phải đặt trong bối cảnh chung, phải lường trước được những biến động (nếu có) trong tương lai", TS Vũ Đình Ánh phân tích.
Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh là cần quan tâm tới thị trường, nhưng ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam, cho rằng cơ chế thị trường phải hoàn toàn theo thị trường của dầu khí. "Nhưng chúng ta hiện mới có duy nhất tổng kho 1 triệu tấn trong Quy hoạch điện 8, nhiều tỉnh có quy hoạch điện khí, nhiều nơi mong chuyển đổi từ than thành điện khí", ông Nguyễn Hùng Dũng thông tin.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dầu khí Việt Nam |
"Các doanh nghiệp bao giờ cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng. Việc điều tiết của nhà nước là đảm bảo ổn định chính trị", ông Dũng dẫn chứng, ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore… nhà nước chi phối việc điều tiết thị trường khí.
Do vậy, ông Nguyễn Hùng Dũng, cho rằng muốn phát triển thị trường khí cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơn, để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. Điện khí là xu hướng tất yếu. Do đó, việc có cơ chế, có chính sách để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm.
Phát biểu bế mạc, Tổng Biên tập báo SGGP Tăng Hữu Phong cho biết: Diễn đàn đã hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra và thành công tốt đẹp với 5 tham luận được trình bày và gần 10 ý kiến. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận đầy trách nhiệm, tâm huyết với nhiều nội dung có giá trị cao đã giúp chúng ta nhận diện được bức tranh rõ nét và thực tế hơn về tình hình thực hiện Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị trong vấn đề phát triển điện khí hóa lỏng. Đồng thời, chúng ta cũng thấy rõ được những khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển điện khí theo Quy hoạch điện 8.