Năng lượng gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng lớn cho phát điện và đang là xu hướng phát triển mạnh trên thế giới. Điện gió ngoài khơi được đánh giá có nhiều khả năng trở thành nguồn điện phụ tải nền mới, thay thế năng lượng hóa thạch hiệu quả nhất, khi chi phí trung bình cho điện gió ngoài khơi đã giảm khoảng 60% trong giai đoạn vừa qua.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam - Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 16/3 tại Hà Nội.
Tiềm năng lớn nhưng cơ chế chậm
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 55 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với chiến lược biển Việt Nam. Thực tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng gió với hơn 39% lãnh thổ có tốc độ gió đạt hơn 6m/s tại độ cao 65m, đặc biệt có khoảng 8% diện tích lãnh thổ, tương đương với tiềm năng sản xuất 112GW năng lượng gió tốt.
“Với nhiều kinh nghiệm xây dựng công trình ngoài khơi, công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ ngành dầu khí, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành điện gió ngoài khơi cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế”, ông Hiển cho biết.
Mặc dù có sẵn nhiều lợi thế, song TS. Nguyễn Đức Hiển thông tin, phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã và đang đối diện với những bài toán lớn như tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ; nguồn vốn lớn và dài hạn cùng nhiều vấn đề lớn đặt ra cần phải được làm rõ, như quy hoạch, cơ chế chính sách đầu tư xây dựng, quy định cho thuê cấp phép, quy chuẩn tiêu chuẩn, quy định vận hành, cơ chế giá điện, hợp đồng mua bán điện và các quy định về hệ thống điện, hệ thống cảng biển…
Theo ông Hiển, việc thể chế hóa và cụ thể hóa yêu cầu xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển đột phá điện gió ngoài khơi, nêu trong Nghị quyết 55 được các cấp thẩm quyền triển khai trên thực tiễn còn chậm, có nhiều hạn chế khi Quy hoạch điện VIII và quy hoạch không gian biển vẫn đang xây dựng chưa chính thức ban hành.
Việc giao vùng biển để thực hiện khảo sát phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật gây khó khăn cho các nhà đầu tư, hợp tác. Đặc biệt, các quy định về lựa chọn nhà đầu tư hiện nay chưa được điều chỉnh phù hợp và bao quát đầy đủ thể hiện trong các Luật, cũng như nhiều cơ chế chính sách theo yêu cầu triển khai vẫn còn chậm.
“Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực phát triển mới tại Việt Nam, vì vậy việc trao đổi và chia sẻ giữa các quốc gia đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này rất có giá trị. Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và ý kiến của các chuyên gia, Ban Kinh tế Trung ương sẽ có kiến nghị lên Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan sớm thể chế hóa và cụ thể hóa các cơ chế chính sách cho phát triển điện gió ngoài khơi”, ông Hiển nêu.
Lộ trình từ những dự án thí điểm
Đánh giá tiềm năng của Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz khẳng định, phát triển điện gió ngoài khơi là cơ hội kép cho Việt Nam. Đây vừa là cơ hội để cung cấp nguồn năng lượng xanh với chi phí hiệu quả, vừa hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
“Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Đan Mạnh đã có khung thể chế rõ ràng và minh bạch từ việc phê duyệt chiến lược quốc gia về năng lượng cũng như chính sách hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi. Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán - đây là điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và cấp quyền khảo sát độc quyền ngoài khơi”, Đại sứ Nicolai Prytz nêu rõ.
Khẳng định thời điểm không thể chậm trễ hơn của năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi, ông Henrik Scheinemann, Đồng Giám đốc điều hành Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (COP) khuyến nghị, điều quan trọng là Việt Nam nên tập trung vào việc khởi động và tập trung vào ngành năng lượng tái tạo, vì đây là ngành công nghiệp đã được chứng minh mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Đối với lĩnh vực điện gió, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển và có thành tích tốt, từ đó chọn cho mình 1 mô hình điện gió ngoài khơi phù họp với nhu cầu và khả năng của đất nước.
“Có thế thấy rõ Việt Nam rất có khả năng và nhiều tiềm năng để thành lập ngành công nghiệp này. Thời điểm này là lúc thúc đẩy và cho phép thực hiện các dự án thí điểm và ban hành khung pháp lý rõ ràng, là điều kiện để cho các nhà đâu tư và phát triển dự án, cùng chia sẻ những bài học nhằm xây dựng chuỗi cung ứng địa phương từ đó giải “cơn khát năng lượng xanh” ngày càng tăng của Việt Nam. Tập đoàn COP cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trên hành trình lâu dài này”, ông Henrik Scheinemann khẳng định.
Theo nhận định của ông Mark Huchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), có nhiều phương án để Việt Nam đạt được mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2032, như cơ chế phát triển nhanh, cơ chế đấu thầu, ưu đãi thông qua giá…
Tuy nhiên việc xây dựng các chính sách và cơ chế liên quan cần có lộ trình dài, trong khi để phát triển dự án điện gió ngoài khơi cần nhiều thời gian hơn. Chính phủ có thể thực hiện thí điểm 2-3 GW điện gió ngoài khơi thông qua các nguồn tài chính hỗn hợp (ưu đãi, thương mại và một số khoản tài trợ) để giảm chi phí.
“Nếu triển khai theo cơ chế đấu thầu sẽ cần ít nhất 2 năm để tháo gỡ các rào cản pháp lý và ban hành các biện pháp chính sách. Việc xem xét và đề xuất "Cơ chế phát triển nhanh", thực hiện dự án thí điểm là rất cấp thiết trong giai đoạn quyết sách của Chính phủ: Cơ chế này cần được Chính phủ xem xét và ủng hộ", ông Mark Hutchinson chia sẻ.