Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh trong công nghiệp, sử dụng năng lượng xanh, vật liệu xanh… để phát triển bền vững là mục tiêu của Chính phủ để thực hiện các cam kết với quốc tế về một nền kinh tế giảm phát thải carbon tại Việt Nam. Đối với công nghiệp sản xuất – lắp ráp ô tô, một tập đoàn thuần Việt là Vingroup đã tiên phong chuyển đổi từ sản xuất – lắp ráp xe sử dụng xăng sang xe điện để đón đầu xu thế này với thương hiệu VinFast. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà LÊ THỊ THU THỦY (ảnh), Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast.
PHÓNG VIÊN: - Bà đánh giá thế nào về xu thế xe điện ở Việt Nam hiện nay?
Bà LÊ THỊ THU THỦY: - Xe điện sẽ phải là tương lai, bởi trong bối cảnh bảo vệ môi trường đã và đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Trong xu thế ấy, điều thuận lợi là người Việt ngày càng quan tâm đến các giải pháp di chuyển thân thiện với môi trường và sẵn sàng chi hầu bao để sắm ô tô điện. Song song với sự đón nhận của người tiêu dùng, Chính phủ cũng đã có một số chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi, hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như miễn lệ phí trước bạ cho xe điện…
Tuy vậy, thị trường xe điện Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức khi loại phương tiện xanh và thông minh này vẫn còn mới mẻ, và cần thời gian để người tiêu dùng làm quen với cách sử dụng các tính năng, công nghệ mới, cũng như thay đổi thói quen từ đổ xăng sang sạc điện.
Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, sử dụng tôn COLORBOND® ứng dụng công nghệ mạ ma trận 4 lớp Activate™ cho độ bền nhà xưởng lâu dài |
- Thưa bà, thời gian qua VinFast chủ trương đầu tư sản xuất xe điện tại Mỹ để tiến vào các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, châu Âu… Vậy vì sao trước khi phát triển thương hiệu, tìm chỗ đứng ở nước ngoài VinFast không làm điều đó ở ngay nước mình?
- VinFast đang sở hữu một trong những nhà máy ô tô hàng đầu Đông Nam Á, với công suất lên tới 250.000 xe/năm trong giai đoạn 1, và có thể nâng lên 950.000 xe trong những năm tới, tùy vào nhu cầu thực tế của thị trường. Sự đón nhận của người dùng trong nước đã và đang là động lực to lớn để VinFast phát triển trên chính quê hương cũng như trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cuộc đua xe điện là cuộc đua toàn cầu “không biên giới”, cơ hội dành cho mọi hãng xe là như nhau. Đó là lý do VinFast chọn cách sớm tiến ra thế giới song song với phát triển tại thị trường nội địa, để tận dụng cơ hội cũng như thử thách chính mình, từ đó tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Hướng đi ấy cũng thống nhất với mục tiêu ngay từ đầu của VinFast là trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu.
- Được biết một tập đoàn lớn của Trung Quốc có chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất ô tô điện quy mô lớn tại Việt Nam. Đây có là sức ép cạnh tranh cho VinFast không?
- Chắc chắn là sẽ có khó khăn hơn, nhưng chúng tôi tin rằng sẽ có sự ủng hộ của người dân Việt Nam, cộng với sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, dịch vụ hậu mãi cực tốt của VinFast sẽ là tiền đề để chúng tôi vượt qua cuộc cạnh tranh này. Ngoài ra, VinFast có ưu thế về hệ sinh thái trạm sạc và dịch vụ toàn diện, cùng hệ sinh thái Vingroup hỗ trợ người mua xe, nên chúng tôi tự tin thuyết phục người dùng bằng chính chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình.
- Vậy những sản phẩm nào sẽ được VinFast tập trung trong năm 2023 và các năm tới?
- Ngoài xe điện mini, trong năm nay VinFast sẽ tiếp tục mở bán hai mẫu VF 6 và VF 7 ở phân khúc B-SUV và C-SUV, qua đó hoàn thiện dải sản phẩm xe điện phủ đủ 5 phân khúc phổ biến nhất trên thị trường. Trong tương lai, tùy theo nhu cầu thị trường, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển những mẫu xe phù hợp với thị hiếu, ví dụ như xe bán tải. Các mẫu xe của VinFast sẽ hướng tới mục tiêu dẫn dắt thị trường với hàm lượng công nghệ ngày càng cao cấp hơn. Ngoài xe ô tô điện, VinFast cũng tiếp tục nghiên cứu, phát triển, sản xuất các dòng xe bus điện và xe máy điện để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
- Thưa bà, đối với công nghiệp xe điện, quan trọng nhất chính là pin. Bởi xe có hiện đại, rẻ đẹp đến đâu nhưng pin không an toàn, không hiệu quả thì xe không được thị trường chấp nhận. Được biết, Công ty VinES thuộc Vingroup đã đầu tư một nhà máy pin, đồng thời hợp tác với Tập đoàn Gotion (Trung Quốc) xây dựng một nhà máy khác tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Những dự án này đến nay như thế nào?
- Hiện nay, VinFast có một nhà máy sản xuất chính đặt tại TP Hải Phòng, trên diện tích 335ha, tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD và là một trong dự án công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam. Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng có công suất 250.000 xe/năm trong giai đoạn 1. Dự kiến đến năm 2026 sẽ nâng công suất lên gần gấp 4 lần, tức là khoảng 950.000 xe/năm. Năm 2023, nhà máy đã tăng cường tối đa nguồn lực, không ngừng nâng cấp công nghệ, tối ưu quy trình sản xuất, xây dựng nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một nhà máy lớn và hiện đại như thế đương nhiên phải đầu tư nhà máy sản xuất pin. Hiện nay, ngoài các dự án tại Hà Tĩnh, chúng tôi còn nhà máy pin của VinES tại Hải Phòng đã chính thức đi vào hoạt động. Trong khi đó, nhà máy sản xuất pin VinES tại Hà Tĩnh đang gấp rút lắp ráp những hạng mục cuối và chạy thử, dự kiến đưa vào sản xuất từ tháng 6-2023. Bên cạnh đó, nhà máy liên doanh sản xuất pin VinES - Gotion cũng đã được khởi công từ tháng 11-2022, dự kiến đi vào sản xuất từ quý 3-2024, trở thành nhà máy sản xuất pin LFP (Lithium Ferrous Phosphate) đầu tiên tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ đảm bảo cung cấp đủ lượng cell pin cần thiết cho các dòng ô tô điện sử dụng pin LFP của VinFast và các sản phẩm lưu trữ điện năng ESS.
Nhà máy pin VinES Hà Tĩnh sử dụng tôn COLORBOND®, sản phẩm đạt chứng nhận "Nhãn xanh” từ Hội đồng công trình xanh Singapore |
- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.