Theo dự báo của hãng Nghiên cứu Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh số 100 tỷ USD/năm vào 2016, trong đó ngành hàng điện tử tiêu dùng khoảng 10 tỷ USD. Sức hấp dẫn này có thể sẽ tạo đà cho nhiều thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) trong ngành bán lẻ điện máy thời gian tới.
Thận trọng M&A
Những ngày qua dư luận rộ lên thông tin Tập đoàn Central Group (Thái Lan) tiếp tục thâu tóm một thương hiệu điện máy ở khu vực phía Bắc. Và Pico chính là thương hiệu được đặt nhiều nghi vấn nhất trong thương vụ này. Đại diện Pico cho biết: “Việc bán cổ phần (nếu có) lẽ ra sẽ phải là tin vui được công bố từ chính Pico chứ không phải bởi những bên thứ 3 khác”.
Tuy nhiên, điều đó không làm vơi đi những phân tích về một chiến lược tiếp theo của Central Group. Bởi hồi đầu năm nay, chính tập đoàn này đã tạo một sự bất ngờ lớn cho thị trường điện máy Việt Nam khi thương vụ mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim chính thức được công bố. Nhiều ý kiến cho rằng nếu Central Group có thâu tóm thêm một thương hiệu phía Bắc cũng là điều dễ hiểu, vì Nguyễn Kim tuy nằm trong top đầu nhưng tầm hảnh hưởng chỉ mạnh ở khu vực phía Nam.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Central Group, Tos Chirativat, từng đưa ra nhận định: “Việt Nam đang trở thành thị trường mục tiêu, đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư bán lẻ. Và chúng tôi hướng đến bất kỳ DN nào có cơ cấu hoạt động phù hợp với tiêu chí ngành bán lẻ của Central Group, từ đồ điện tử đến bách hóa”.
Ngoài Central Group, một cái tên ngoại được nhắc đến chính là tập đoàn bán lẻ điện máy đến từ Nhật Bản, Nojima Corporation. Mới đây, cổ đông ngoại của CTCP Điện máy Trần Anh - Aureos South East Asia Fund, L.L.C (gọi tắt là quỹ Aureos) vừa chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu 3,7 triệu cổ phần cho Tập đoàn Nojima. Số cổ phần chuyển nhượng tương đương 21% vốn, nâng tỷ lệ sở hữu của Nojima tại Trần Anh lên 30,92%.
Với giao dịch này, tập đoàn Nhật Bản cũng chính thức trở thành cổ đông ngoại lớn nhất của Trần Anh. Trước đó, vào năm 2013, Nojima đã mua 10% cổ phần của Trần Anh. Động thái mua thêm 21% cổ phần lần này đang cho thấy rõ tham vọng của nhà bán lẻ này.
Nói về những thương vụ mua bán này, một chuyên gia thương mại chia sẻ: “Việc M&A trong bối cảnh hội nhập là hoàn toàn bình thường. Nhưng quan trọng là các DN Việt Nam có đủ tỉnh táo trong những thương vụ này hay sẽ dễ dàng bị thôn tính”.
Có thể thấy, sau những thương vụ này gần như các nhà đầu tư ngoại vẫn chưa có động thái gì nhiều. Song theo vị chuyên gia nói trên, nhà đầu tư nước ngoài thường không vội vã. Họ sẽ từ từ tìm hiểu thị trường hoặc có thể sẽ thôn tính tiếp hay đưa các công nghệ chuyên nghiệp vào. “Mà những câu chuyện giả lỗ để thôn tính hoàn toàn đã xảy ra ở thị trường Việt Nam” - vị chuyên gia nhấn mạnh.
Sức ép lên khối nội
Với lợi thế tiềm lực tài chính mạnh, các nhà đầu tư ngoại đang đẩy mạnh các thương vụ M&A. Đáng chú ý, đối tượng các nhà đầu tư ngoại nhắm đến là những thương hiệu nội đã có chỗ đứng trên thị trường và quan trọng hơn là có những kế hoạch mở rộng chuỗi. Vì lẽ đó, sức ép lên khối nội trong cuộc đua này sẽ càng nhiều hơn.
Với đặc thù tỷ suất lợi nhuận thấp nên muốn tăng lợi nhuận, hầu hết các DN đều tăng tốc trong cuộc đua mở rộng chuỗi cửa hàng. Mới đây nhất, siêu thị điện máy Phan Khang cũng chia sẻ kế hoạch sẽ mở thêm 3 siêu thị điện máy trong năm nay, nằm ở khu vực các quận 7, Gò Vấp và Thủ Đức.
Phía Phan Khang cho biết, các trung tâm này có quy mô từ 2.000-2.500m2 diện tích sàn xây dựng và có tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng/trung tâm. Một trong những cái tên cũng thường được nhắc đến trong cuộc đua mở chuỗi chính là Điện máy Xanh (tên gọi mới của dienmay.com). Cho đến nay, Điện máy Xanh đã có 24 siêu thị từ miền Trung trở vào Nam, tập trung nhiều nhất ở TPHCM. Dự kiến, số lượng siêu thị Điện máy Xanh sẽ đạt mốc 48 vào đầu quý IV năm nay, gia tăng số siêu thị tại khu vực miền Trung lên 8 siêu thị.
Ngoài những cái tên quen thuộc, một tay chơi mới được đánh giá khá nặng ký trong cuộc đua khốc liệt này chính là VinPro. Một trong những điều khiến nhiều người quan tâm đến sự xuất hiện của thương hiệu này chính là tuyên bố mở hàng loạt chuỗi siêu thị điện máy trong năm 2015. Cụ thể, hồi tháng 4 VinPro đã đồng loạt khai trương 4 siêu thị điện máy ở Hà Nội và TPHCM.
Cũng trong tháng 4, VinPro đồng loạt khai trương 6 cửa hàng tiếp theo tại TPHCM, Hà Nội, miền Trung và Hạ Long. 6 cửa hàng được khai trương gồm: 2 trung tâm Công nghệ điện máy VinPro và 4 cửa hàng Công nghệ VinPro+. Cuối tháng 5, VinPro chào đón 5 thành viên mới thuộc hệ thống cửa hàng Công nghệ VinPro+.
Có vẻ như VinPro sẽ về đích đúng với kế hoạch mở 25 trung tâm VinPro và 100 cửa hàng VinPro+ trong 2015. Khác với những chuỗi siêu thị khác hoặc mạnh ở phía Nam, hoặc có tiếng ở phía Bắc, VinPro đang đồng loạt tấn công cả 3 thị trường khu vực Bắc, Trung, Nam. Một số chuyên gia cho rằng VinPro sẽ trở thành một đối trọng đáng gờm với các đối tác ngoại.
Có tin đồn Central Group đang muốn thâu tóm Pico. |
Càng vào sâu trong cuộc đua này, khi các siêu thị điện máy thi nhau mọc lên, cuộc cạnh tranh sẽ càng thêm khốc liệt. Bởi song hành với việc tung vốn mở chuỗi, các hệ thống điện máy phải đối mặt với cuộc đua khuyến mại, giảm giá do gần như không có hệ thống nào có hàng độc quyền.
Và rồi chính trong cuộc đua này người ta lại càng thêm lo sợ cho khối nội, bởi khi nhà đầu tư ngoại xuất hiện họ có thể có những sản phẩm độc quyền. Ngoài ra, họ có thể tung những sản phẩm tương tự các hệ thống khác nhưng giá rẻ hơn nhờ có chuỗi phân phối và cung ứng lớn. Ván bài vẫn chưa đến hồi kết, thắng thua là chuyện chưa thể nói trước, song thách thức đang quá nhiều cho các thương hiệu nội.