Hiện các nhà máy sản xuất ximăng đang rất khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, đặc biệt là giá than. Tính toán sơ bộ cho thấy giá than chiếm trên 60% giá thành sản xuất ximăng. Tình hình này buộc nhiều doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất vì càng sản xuất càng lỗ.
Một doanh nghiệp ximăng đã từng phải cho dừng 4 dây chuyền sản xuất cho biết giá than cám loại 4b mà đơn vị này nhập về đã lên tới 5,5 triệu đồng/tấn, trong khi trước kia chưa đến 2 triệu đồng/tấn.
Cùng với đó, giá xăng dầu cũng tăng hơn 50% trong nửa đầu năm 2022, giá thạch cao tăng 50%. Các yếu tố này đã đẩy toàn bộ chi phí sản xuất ximăng tăng phi mã.
Mỗi tấn ximăng có giá thành sản xuất từ 1,4-1,5 triệu đồng, trong khi giá bán ra thị trường chỉ 1,1-1,3 triệu đồng, như vậy doanh nghiệp đang lỗ từ 200.000 đến 240.000 đồng.
Trong khi đó, thị trường lại đang dư thừa khiến doanh nghiệp không còn cách nào khác là tạm dừng sản xuất để tránh lỗ kéo dài.
Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vicem Hoàng Thạch Lê Xuân Khôi chia sẻ với 3 dây chuyền sản xuất, đơn vị này cũng khá chật vật với tiêu thụ trong tình hình ngành ximăng thừa cung. Nếu giá nguyên, nhiên liệu tăng quá mức, việc dừng 1 lò nung cũng nằm trong kịch bản được tính toán của doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định hiện áp lực tiêu thụ ngành ximăng đang tập trung vào thị trường trong nước do xuất khẩu những tháng vừa qua giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất ximăng vẫn tăng cao, đặc biệt là giá than khiến các doanh nghiệp ximăng gặp nhiều khó khăn.
Chỉ tính riêng tháng Tám, sản lượng ximăng tiêu thụ đạt khoảng 8,86 triệu tấn. Con số này mặc dù đã tăng 3,01 triệu tấn so với tháng Bảy nhưng vẫn giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Lượng ximăng tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 6,36 triệu tấn; trong đó riêng sản phẩm của hệ thống Tổng công ty ximăng Việt Nam (VICEM) tiêu thụ khoảng 2,01 triệu tấn; lượng ximăng xuất khẩu ước đạt khoảng 2,5 triệu tấn.
Tính chung trong 8 tháng qua, lượng ximăng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 65,33 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó tiêu thụ trong nước là 43,56 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm ximăng chỉ đạt khoảng 21,77 triệu tấn, giảm tới 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tồn kho của cả nước trong 8 qua khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương từ 25 đến 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker. Sau 3 lần điều chỉnh tăng giá bán từ đầu năm 2022 đến nay, tại thời điểm kết thúc tháng Tám, giá bán ximăng vẫn duy trì ở mức tương đương tháng Bảy.
Tiêu thụ nội địa chậm, doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp nhưng bán hàng rất vất vả. Nhiều nhà phân phối cho biết giá ximăng tăng cao nên người tiêu dùng không muốn xây sửa nhà, thậm chí có nhà đang xây dựng cũng tạm dừng.
Liên quan quan đến việc tăng giá này, các chuyên gia chỉ rõ không riêng gì mặt hàng ximăng, chỉ số giá vật liệu xây dựng nói chung cũng đều tăng theo giá nguyên vật liệu.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá xây dựng tháng 8/2022 đã tăng 3,71% so với thời điểm đầu năm, tác động chính đến từ sự tăng giá của các vật liệu đầu vào như nhựa đường, ximăng... cùng với nhu cầu xây dựng tăng cao.
Với nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, chỉ số nhóm này trong tháng 8/2022 đã tăng 0,26% so với tháng trước. Cụ thể, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,54% do công sơn tường, lát gạch, xây tường, công lao động phổ thông tăng và nhu cầu xây dựng tăng cao.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng 0,49% do giá ximăng, gạch xây, gạch bêtông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.
Như vậy, tính chung 8 tháng qua, chỉ số giá vật liệu xây dựng đã tăng 1,4% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng trong giai đoạn này. Giá tiêu dùng, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước do giá ximăng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16%.
Từ quý 2 đến nay, mặc dù giá thép đã có nhiều lần điều chỉnh giảm nhưng ximăng, gạch cát... vẫn đồng loạt tăng giá, chưa "hạ nhiệt" kể từ đầu năm đến nay khiến nhiều người dân có kế hoạch xây dựng nhà cửa phải đắn đo. Giá vật liệu xây dựng "leo thang" nhanh đang ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và thi công các công trình hạ tầng.
Nhiều nhà thầu phản ánh cơn sốt giá vật liệu xây dựng khiến họ đứng trước nhiều khó khăn, rủi ro. Nhiều nhà thầu phàn nàn việc thiếu nguyên vật liệu hoặc buộc phải mua với giá cao hơn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không có khả năng bù đắp chênh lệch giá nên sẽ bỏ công trình và đối mặt với nguy cơ phá sản.
Bộ Xây dựng nhận định hiện nay, theo quy định, các địa phương xác định và công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh (chung hoặc theo các khu vực); tổ chức xác định và công bố chỉ số giá xây dựng của các loại công trình trên địa bàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, công bố giá của của địa phương còn chậm, đa số theo quý và chưa sát với thị trường. Danh mục công bố còn thiếu nhiều loại vật liệu xây dựng chủ yếu. Giá công bố tại các thời điểm khác nhau, nhiều khi không cập nhật so với biến thị trường dẫn đến giá lập dự toán, đấu thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện giải pháp quản lý của nhà nước nhằm kiểm soát và tránh hiện tượng tăng giá từ các nguyên nhân đầu cơ, thổi giá.
Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu các địa phương cần phải công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, sát với biến động của thị trường để bù đắp các biến động giá cho các nhà thầu xây dựng. Mặc dù vậy, những khó khăn vẫn "bủa vây" doanh nghiệp.