Điều chỉnh quy trình lập quy hoạch

(ĐTTCO) - Ngày 25-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch. 

Đây là dự luật đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 2 và 3 nhưng vẫn có nhiều đại biểu (ĐB) băn khoăn về tính khả thi, để triển khai phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất. Dự kiến, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch tại kỳ họp thứ 4 này.

Quy hoạch nhiều nhưng không hiệu quả
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), trong giai đoạn 2011-2020, tổng số quy hoạch các cấp trên cả nước gần 19.300. Tuy nhiên, khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, dự kiến con số này sẽ giảm xuống khoảng một nửa.
Chính vì vậy, nhiều ĐB đều đồng tình việc cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch, song để khắc phục được các hạn chế hiện nay vẫn là câu hỏi. Theo ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), hiện đang tồn tại tình trạng mạnh đơn vị, ngành nào ngành ấy quy hoạch. Do khâu quy hoạch không thống nhất, thiếu tổng thể dẫn đến thực trạng làm đường xong lại đào lên hạ đường nước, đường điện. Chưa kể chất lượng quy hoạch có vấn đề, khi có quy hoạch vẫn phải chặt cây điều, cây tiêu hay là giải cứu heo gần đây, gây thiệt hại lớn cho người dân.
ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) nêu thực trạng nhiều chồng chéo, mâu thuẫn trong công tác quy hoạch. Vì thế, nếu có thể tích hợp quy hoạch tập trung sẽ chấm dứt tình trạng trên; đồng thời cần có những quy định để xử lý quy hoạch treo, quy hoạch chậm tiến độ, quy hoạch không phù hợp với thực tiễn.
Tình trạng chậm trễ trong lập quy hoạch hiện nay cũng đang tạo ra những thách thức với Luật Quy hoạch trong việc triển khai vào thực tiễn. Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), dự thảo luật quy định quy trình lập quy hoạch bao gồm từ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất. Sau đó mới lập quy hoạch ngành quốc gia, vùng quốc gia và quy hoạch tỉnh. Quy trình từ quy hoạch từ cao xuống thấp sẽ rất mất thời gian và không thể dưới 5 năm.
Thực tế ngay tại Hà Nội, quy hoạch chung đã được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay có huyện vẫn chưa lập xong quy hoạch. Nếu như vậy, sau 5 năm quy hoạch cấp trên sẽ đến kỳ điều chỉnh, quy hoạch cấp dưới sẽ dựa vào đâu? 
Điều chỉnh quy trình lập quy hoạch ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị giữ quy định tại Điều 30 về quy hoạch có tính kỹ thuật, chuyên ngành. 
1 luật sửa 25 luật
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cho biết có ý kiến cho rằng trong khoảng thời gian 2 năm, từ 1-1-2019 đến 21-12-2020 việc quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực sẽ không có quy hoạch.
Mặt khác, trong khoảng thời gian 2 năm để hoàn thành trên 100 quy hoạch, bao gồm quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, chưa kể quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Vì thế, việc phải tích hợp hàng ngàn quy hoạch vào các quy hoạch quy định tại dự thảo sẽ khó khả thi, bởi chưa rõ nguồn lực về vốn và nhân lực là các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quy hoạch cho các địa phương, các cơ quan. Nếu lập, thẩm định, phê duyệt không kịp trong khi các quy hoạch phải tích hợp đã hết hiệu lực lại phải có quy định để xử lý vấn đề này.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua rà soát cơ quan này đã bổ sung danh mục gồm 25 bộ luật và luật tại Phụ lục 2 của dự thảo Luật Quy hoạch. Việc bổ sung này liên quan đến quy trình và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các loại quy hoạch để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án 1 luật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực các bộ quản lý. Hiện Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tập hợp, rà soát nhằm xác định phương án sửa chữa, nên việc sửa đổi này là khả thi và đảm bảo có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, để không bỏ sót các quy định liên quan đến quy hoạch, dự thảo cũng giao Chính phủ rà soát và ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp quy định và các quy hoạch sản phẩm trước ngày 1-1-2019. 
Quốc hội cũng dự kiến thông qua nghị quyết thi hành luật. Theo đó, một số trường hợp quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch đã được lập, thẩm định trước khi luật này được công bố mà chưa được quyết định hoặc phê duyệt, sẽ thực hiện quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.
Các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy hoạch đã được phê duyệt trước khi Luật Quy hoạch được công bố, sẽ được thực hiện đến hết thời hạn của dự án theo quy định của pháp luật có liên quan. Kể từ ngày 1-1-2019, tất cả hoạt động quy hoạch phải tuân theo Luật Quy hoạch. Dự thảo nghị quyết cũng giao Chính phủ ban hành hoặc chỉ đạo các cơ quan ban hành danh mục các quy hoạch hết hiệu lực ngày 31-12-2020, đồng thời bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm từ ngày 1-1-2019...

Các tin khác