Việt Nam có kế hoạch điều chỉnh các quy trình thanh toán trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đây là một trong các biện pháp quan trọng để thuyết phục nhà đầu tư chỉ số cổ phiếu FTSE Russel xem xét nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và qua đó giúp tăng thu hút dòng vốn vào thị trường.
Khoảng 2,5 tỷ USD là số tiền được kỳ vọng sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam nếu được nâng hạng. Trước nút thắt về yêu cầu tỷ lệ ký quỹ 100% với nhà đầu tư nước ngoài, các công ty chứng khoán cho rằng, có thể gỡ bỏ điều này và thay vào đó là quy định tỷ lệ kinh doanh không ký quỹ trên vốn chủ sở hữu.
Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI nêu ý kiến: "Có thể rơi vào 300 tỷ, 500 tỷ hay 1000 tỷ một công ty chứng khoán trong ngày hôm đó, nghĩa là tổng thể toàn thị trường sẽ tính được ngay. Khả năng mất khả năng thanh toán cho khoản mục khá nhỏ so với vốn chủ sở hữu là bằng 0".
Nếu giao dịch thành công, mà các tổ chức đầu tư nước ngoài chưa nộp đủ tiền tương ứng thì các công ty chứng khoán có thể dùng hoạt động tự doanh để hoàn thiện giao dịch.
Ông Nhữ Đình Hòa - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng: "Các công ty chứng khoán sẽ bỏ tiền ra để thanh toán, sau đó, các công ty chứng khoán sẽ tự xử lý với các nhà đầu tư để thực hiện bồi thường lại các nghĩa vụ mà công ty chứng khoán đã bỏ tiền ra để thực hiện thanh toán cho các lệnh giao dịch trước đó".
Để đảm bảo nghĩa vụ của các bên, cầu nối quan trọng là 16 ngân hàng thành viên lưu ký tại Việt Nam với vai trò nhận ký gửi, bảo quản, chuyển giao chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khi có cơ chế, các tổ chức nước ngoài sẽ được hỗ trợ.
"Ngân hàng lưu ký đang quản lý một lượng tài sản lớn của nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi sẵn lòng đóng vai trò cầu nối để tiến độ thanh toán làm sao nhanh nhất, đảm bảo thông suốt" - ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong cho biết.
Để nâng hạng thị trường cần đáp ứng đúng yêu cầu của tổ chức xếp hạng FTSE Russell, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các thành viên thị trường đã có giải pháp, nhưng để thực hiện thì cần điều chỉnh, bổ sung các quy định
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định: "Chúng ta phải sửa một số điều của Nghị định 155 và một số văn bản của Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Chúng tôi hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ trình các cấp có thẩm quyền để sửa đổi các quy định đó, hạn chế rủi ro, đảm bảo tính công bằng, công khai và minh bạch trên thị trường".
Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ giúp Việt Nam đạt được những chuẩn mực của thị trường tài chính toàn cầu, thu hút thêm dòng vốn, từ đó góp phần hiện thực hoá mục tiêu, quy mô vốn hoá cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025.