Chiều nay 11-10, liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh lại giá xăng dầu bán lẻ theo hướng đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, kể từ 15 giờ chiều nay, giá xăng E5RON92 đã tăng lên mức giá mới là: 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít), còn xăng RON95 tăng lên 22.007 đồng/lít (tăng 564 đồng/lít).
Tương tự, giá một số loại dầu cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, dầu diesel tăng lên 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít); dầu hỏa lên 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít); riêng dầu mazut vẫn ổn định giá cũ là 14.094 đồng/kg.
Kỳ này, liên bộ Công thương – Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, xả quỹ đối với mặt hàng dầu diesel để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Cụ thể, xăng E5RON92 tiếp tục trích lập nhưng ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).
Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi đối với các loại xăng dầu khác.
Không chỉ tại TPHCM và miền Tây, trưa 11-10 tại các cây xăng ở nội thành Hà Nội cũng quá tải. Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, nguyên nhân là do nhiều người lo giá xăng dầu chiều 11-10 tăng cao nên đã xếp hàng đổ xăng, không có hiện tượng thiếu xăng dầu như tại TPHCM.
Ở ngoại thành Hà Nội, hầu như các cây xăng vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng chen chúc. Tuy nhiên, vẫn có một số cây xăng đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt với động thái chờ điều chỉnh giá mới.
Do tình hình xăng dầu căng thẳng, bị dư luận lên tiếng gay gắt, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc mời các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Cuộc họp dự kiến diễn ra sáng mai 12-10.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng vừa có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.
Hội đồng này sẽ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của ba đoàn thanh tra được Bộ trưởng Bộ Công thương thành lập vào tháng 2-2022 liên quan tới đợt thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại ba miền Bắc - Trung - Nam.
Việc thẩm định sẽ bao gồm kết luận những nội dung đã tiến hành thanh tra như xác định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, trên cơ sở kết quả các đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh.
Trước khi đưa ra kết luận thanh tra chính thức, Bộ Công thương đã thông báo các quyết định xử phạt bằng hình thức tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với tổng cộng 12 doanh nghiệp đầu mối vi phạm.
Mặc dù thị trường xăng dầu ở TPHCM khan thiếu, hơn 100 cửa hàng đóng cửa song hiện nay, Bộ Công thương vẫn tiếp tục khẳng định có đủ xăng dầu.
Hiện nay, nguồn xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước đang chiếm khoảng 70% nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, theo báo cáo, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tồn kho đến ngày 8-10 là khoảng 489.000m³ (gồm 208.000m³ xăng và 280.000m³ dầu), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) còn khoảng 230.000m³, Công ty Xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000m³, Saigon Petro còn khoảng 11.000m³, Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000m³, Thanh Lễ còn khoảng 60.000m³...