Theo lời kể của chị K.T, sau khi sinh được vài ngày, bé bú tốt, tiêu tiểu bình thường, nhưng hay ọc sữa sau bú. Người nhà sau đó đưa bé đi điều trị phòng khám tư và được cho uống thuốc tiêu nhưng không giảm ói. Sau đó gia đình tiếp tục cho uống thuốc dân gian, tình trạng nôn nhiều của bé vẫn không giảm, nên đưa nhập viện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.
Lúc này tình trạng bé lơ mơ, co giật toàn thân, môi khô, mắt trũng, vàng da nhẹ. Ngay lập tức, bé được đưa vào phòng hồi sức nhi để ekip bác sĩ thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi bị rối loạn điện giải khá nặng, chức năng thận tăng cao; siêu âm bụng cho thấy bé bị trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh nhi được tiến hành truyền dịch, cấp cứu chống co giật, điều trị rối loạn điện giải.
Sau 8 giờ điều trị tích cực, bệnh nhi tươi tỉnh hơn, bú khá, giảm ọc sau bú, tình trạng co giật giảm, lượng nước tiểu nhiều hơn, chức năng thận, chỉ số điện giải dần cải thiện. Sau 2 ngày điều trị, chức năng thận về bình thường, hết rối loạn điện giải, bé bú tốt, không co giật…
Theo BS CKI Phạm Ngọc Nương, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long), thì tình trạng rối loạn điện giải ở trẻ bao gồm cả việc giảm hoặc tăng các khoáng chất một cách bất thường trong cơ thể. Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà chứng rối loạn điện giải có thể gây nên những biểu hiện khác nhau như chóng mặt, đau đầu hoặc co giật. Nguyên nhân rối loạn nước điện giải ở trẻ em thường do tiêu chảy, nôn ói… Việc chẩn đoán chính xác và điều trị nhanh chóng tình trạng rối loạn điện giải ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng.