DN may muốn thoát cảnh gia công

(ĐTTCO) - Kỳ vọng các đơn hàng sẽ tăng mạnh khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có sự chuẩn bị đầu tư để thay đổi cả chiều sâu và chiều rộng, nhằm đón đầu cơ hội.

(ĐTTCO) - Kỳ vọng các đơn hàng sẽ tăng mạnh khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có sự chuẩn bị đầu tư để thay đổi cả chiều sâu và chiều rộng, nhằm đón đầu cơ hội.

 

Sự dịch chuyển trên được đánh giá là tích cực và tiên phong cho một bước phát triển mới đối với ngành dệt may Việt Nam lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị dệt may.

FOB, ODM, OBM...

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2015 đạt trên 27 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành may chiếm 85% cơ cấu doanh thu. Đáng chú ý, 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành đến từ khu vực FDI – khu vực chỉ chiếm 20% số doanh nghiệp trong ngành, trong khi đó khối doanh nghiệp trong nước, chiếm tới 70% số doanh nghiệp lại chỉ đóng góp 30% doanh số.

Nguyên nhân đơn giản là khoảng 85% doanh nghiệp trong ngành vẫn thực hiện theo phương thức gia công, nên kim ngạch thực nhận rất thấp.

Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), những cơ hội lớn sẽ mở ra với ngành dệt may Việt Nam.

Từ năm 2014 đến nay, xu hướng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực dệt may gia tăng; một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã “chạy nước rút”, mở rộng sản xuất, thử nghiệm phương thức sản xuất tạo giá trị cao hơn như FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (thực hiện tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) - tức gia công có mức giá trị gia tăng cao hơn so với cắt may đơn thuần.

Với phương thức ODM, các doanh nghiệp thành công đều là những doanh nghiệp đã có tên tuổi, như Việt Tiến, May 10, TNG, Phong Phú, Đông Xuân, Thái Tuấn, An Phước… Đặc biệt, sản xuất theo ODM cả dệt Đông Xuân không chỉ ở khâu may mà còn dệt và hoàn tất vải, với sự đầu tư công nghệ giúp công ty có điều kiện nghiên cứu, tạo sản phẩm mới từ vải đến thành phẩm cuối cùng là trang phục.

Công ty Phong Phú chuyên sản xuất hàng denim có đội ngũ thiết kế kiểu dáng, lực lượng chào bán chuyên nghiệp. Hay như TNG đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bông tấm, đầu tư hệ thống dây chuyền bông nhằm chủ động đơn hàng, tiến độ sản xuất, đồng thời tăng tỷ lệ nội địa hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong hiệp định TPP.

Với phương thức sản xuất sở hữu thương  hiệu (OBM), có nhiều thương hiệu đã được thị trường nội địa nhận diện khá tốt, thậm chí có những thương hiệu được bày bán trong các trung tâm thương mại, được người tiêu dùng ngầm khẳng định là thương hiệu cao cấp. Chẳng hạn, sau khi thành công với phương thức FOB, Tổng công ty May 10 đã phấn đấu tạo thương hiệu riêng-Eternity GrusZ, hay Merriman của Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ, Mattana của Tổng công ty May Nhà Bè, San Sciaro và Manhattan của Tổng CTCP May Việt Tiến…

Không chỉ các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng có những phát triển của riêng mình, như Canifa, Ninomaxx, Blue Exchange, PT2000, Eva de Eva, ELISE, Format, NEM… Hoặc An Phước, vừa làm FOB cho nước ngoài, vừa phát triển thương hiệu An Phước ở thị trường nội địa và đã tạo được uy tín, chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao.

Chiến lược nào phù hợp?

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) cho biết, GMC đã chính thức nhận một thương hiệu may mặc Mỹ mà Công ty đã mua lại từ tháng 7/2015 và Công ty đang trong giai đoạn xây dựng thị trường. Hiện GMC đang gia công theo hình thức FOB (tự chủ nguyên liệu) theo yêu cầu của khách hàng, nên phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu.

Khi GMC mua lại thương hiệu này, Công ty dự định sẽ tạo chu trình khép kín từ khâu thiết kế, tạo mẫu, phát triển nguyên phụ liệu cho đến phân phối tới các hệ thống. Công ty đặt kế hoạch đến năm 2018, chi nhánh tại Mỹ sẽ đóng góp 10% tổng doanh thu, tương đương 15 triệu USD. Bên cạnh đó, GMC định hình phương thức kinh doanh OBM (từ thiết kế, phát triển mẫu mã, nguyên phụ liệu đến sản xuất, phân phối) bằng nhãn hiệu Công ty làm chủ.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Thêu đan TP. HCM cho biết, phần lớn các doanh nghiệp cỡ trung trở lên, tức là những doanh nghiệp đã có năng lực sản xuất nhất định cũng đang xúc tiến mạnh hơn để làm FOB, còn ODM và OBM vẫn còn ở tỷ lệ nhỏ, nhưng cũng có sự nhen nhóm. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có sự dịch chuyển từng bước, từ gia công lên FOB, từ FOB nghiên cứu thêm để làm ODM, OBM.

Chẳng hạn May Sài Gòn 2, trước nay chủ yếu làm gia công, nhưng cũng đang tăng dần tỷ trọng FOB. Công ty cũng đã tìm kiếm nguyên phụ liệu trong nước để khai thác và làm các đơn hàng FOB.

Dù sự chuyển dịch này không diễn ra tại đại đa số doanh nghiệp, doanh thu từ ODM, OBM chưa chi phối trong tổng doanh thu, nhưng có thể xem đây là tín hiệu khởi đầu, rằng doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chú ý hơn tới các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao.

Theo ông Hồng, xu hướng dịch chuyển chủ yếu làm FOB bởi doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đội ngũ nghiên cứu thị trường, cung ứng nguyên phụ liệu đúng chuẩn, đảm bảo thời gian giao hàng, đặc biệt là đội ngũ thiết kế đang rất hạn chế.

Bài toán nguồn vốn không phải là vấn đề trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất của các doanh nghiệp. Hiện các thương hiệu lớn họ có sự chuẩn bị rất kỹ về thiết kế, sản lượng đặt rất lớn, thị trường tiêu thụ cũng lớn, do vậy, với quy mô đa số doanh nghiệp Việt Nam như hiện nay thì không thể thực hiện được, chủ yếu là thực hiện ODM với những khách hàng nhỏ.

Còn với phương thức OBM, các doanh nghiệp vẫn chỉ đang cung ứng cho thị trường nội địa, còn một khoảng cách xa nữa mới có thể mang hàng ra xuất khẩu. Tuy vậy, đây cũng là cách để các doanh nghiệp tập dượt trên chính sân nhà, học cách nắm bắt thị hiếu, hiểu thị trường nội địa, Nếu doanh nghiệp tạo dựng được thương hiệu OBM tại thị trường nội địa tốt, sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp nước ngoài đặt các đơn hàng tốt, tạo dựng giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, bài toán khó của các doanh nghiệp muốn làm FOB hiện nay vẫn là nguồn cung nguyên phụ liệu, mặc dù đã có sự kết nối được các nhà cung ứng nguyên phụ liệu trong nước nhưng mức độ chưa lớn.

Ngoài ra, việc tìm kiếm các nhà cung ứng thuộc các nước nội khối TPP cũng không dễ, bởi mẫu mã nguyên phụ liệu cũng chưa đa dạng và giá thành cao hơn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang tập trung việc cung ứng nguyên phụ liệu, cho thấy tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Việt muốn làm FOB, ODM, và OBM.

Việc chuyển đổi phương thức kinh doanh không chỉ gia tăng giá trị thặng dư mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, nút thắt của công nghiệp hỗ trợ là xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, do vậy, cần sự vào cuộc của các địa phương trong việc quy hoạch một số khu/cụm công nghiệp chuyên ngành như nhuộm, xi mạ, thuộc da,...

Lãnh đạo doanh nghiệp dệt may cho rằng, trong chuỗi sản xuất - kinh doanh may mặc, khâu thiết kế và phân phối có giá trị thặng dư cao nhất. Khi nguồn vải phong phú giá rẻ của Trung Quốc, ASEAN qua đường chính ngạch vào Việt Nam sẽ là thách thức đối với ngành dệt, nhưng lại là cơ hội cho ngành may, nếu có thiết kế phù hợp xu hướng tiêu dùng của các nước trong khu vực.

Các tin khác