DN niêm yết: Minh bạch quản trị sụt giảm

Kết quả đánh giá quản trị công ty (QTCT) năm 2011 do UBCKNN và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) công bố tuần qua cho thấy, chất lượng QTCT những doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên HOSE và HNX giảm so với năm 2010, nhiều chỉ số còn thấp hơn cả năm 2009. Theo đánh giá, những thành quả đạt được năm 2010 đã bị đảo ngược.

Kết quả đánh giá quản trị công ty (QTCT) năm 2011 do UBCKNN và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) công bố tuần qua cho thấy, chất lượng QTCT những doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên HOSE và HNX giảm so với năm 2010, nhiều chỉ số còn thấp hơn cả năm 2009. Theo đánh giá, những thành quả đạt được năm 2010 đã bị đảo ngược.

Đánh mất niềm tin

Theo báo cáo đánh giá, không doanh nghiệp nào đạt kết quả hài lòng vì toàn bộ điểm số QTCT đều dưới mức 60% và điểm bình quân của tất cả doanh nghiệp chỉ đạt 42,5% (năm 2010 là 44,7%, năm 2009 43,9%).

Trong khi các báo cáo thẻ điểm QTCT khác ở châu Á có nội dung tương tự cho kết quả cao hơn. Như Thái Lan đạt 77% (năm 2011), Hồng Công 74% (năm 2009), Philippines 72% (năm 2008).

Thực trạng QTCT yếu kém rất đáng lo ngại dù đã có nhiều quy định pháp lý. QTCT không phải đích đến mà là chặng đường. Những lĩnh vực được nhìn nhận yếu kém nhất về QTCT của doanh nghiệp là: trách nhiệm công ty với xã hội, môi trường, người lao động. Báo cáo thường niên của doanh nghiệp ngày càng dài hơn, nhưng chưa cung cấp đầy đủ chi tiết về thành viên HĐQT, không rõ nghề nghiệp, kỹ năng gì. Thậm chí, có những thành viên HĐQT khi chúng tôi tiến hành khảo sát không hiểu QTCT là gì.

ANNE MOLYNEUX, chuyên gia tư vấn QTCT của IFC

Nguyên nhân của sự sụt giảm, nhóm nghiên cứu cho biết do năm 2011 tình hình kinh tế Việt Nam khó khăn, kinh doanh kém thuận lợi, doanh nghiệp cắt giảm chi phí. Báo cáo thường niên cung cấp ít thông tin hơn do tình hình tài chính khó khăn và công ty hạn chế công bố kết quả yếu kém. Hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp giảm, nhất là thông tin về HĐQT và ban kiểm soát.

Một nguyên nhân khác do UBCKNN thời gian qua tăng cường giám sát và công bố các trường hợp vi phạm. Do vậy, thông tin tiêu cực doanh nghiệp đã được công khai hơn, cơ quan quản lý chất vấn nhiều hơn về công bố thông tin, giao dịch với bên liên quan và báo cáo tài chính.

Xét về ngành, điểm QTCT bình quân giữa các nhóm ngành không chênh lệch nhiều. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính khác có điểm số QTCT bình quân cao hơn nhóm bất động sản nhưng không cao như kỳ vọng dù các quy chế, giám sát chặt chẽ hơn.

Mức điểm QTCT bình quân của nhóm ngân hàng là 45,8% và nhóm dịch vụ tài chính là 43,9% trong năm 2011 cho thấy ngành này cần cải thiện chất lượng QTCT.

Bà Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia tư vấn QTCT của IFC, cho biết theo thông lệ thế giới, nhóm ngân hàng có điểm quản trị cao nhất bởi những quy định khắt khe hơn, nhưng ở Việt Nam không như vậy. Đây là quan ngại lớn và là nguyên nhân của tình trạng nợ xấu cao thời gian qua.

Tính minh bạch ngày càng kém của các doanh nghiệp niêm yết là thiệt thòi cho các nhà đầu tư. Ảnh: LÃ ANH

Tính minh bạch ngày càng kém của các doanh nghiệp
niêm yết là thiệt thòi cho các nhà đầu tư. Ảnh: LÃ ANH

Sự sụt giảm điểm số QTCT ở những doanh nghiệp niêm yết hàng đầu cho thấy “có thể bản thân các công ty chưa làm trọn trách nhiệm trong việc xây dựng thị trường đầu tư có chất lượng tại Việt Nam”.

Hiện nay, khung thể chế về QTCT hiệu quả đã được ban hành với nhiều tiêu chuẩn được nâng lên, đặt ra thách thức mới cho công ty có chất lượng QTCT kém và họ phải nỗ lực hơn để có QTCT tốt.

Bà Anne Molyneux, chuyên gia tư vấn QTCT của IFC, cho rằng vấn đề QTCT của Việt Nam đang nổi lên những tồn tại cần khắc phục, như: chất lượng báo cáo tài chính nghèo nàn, thiếu chính xác, thậm chí đưa thông tin gian lận; thiếu giám sát tài chính; không coi trọng đối xử với cổ đông; sở hữu cổ phần chéo, tập trung hóa cổ phần…

“86% nhà đầu tư trên thế giới sẽ biết được thông tin QTCT của Việt Nam và đó là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định việc đầu tư của họ. Vì vậy, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Việt Nam cần sớm cải thiện” - bà Anne nhấn mạnh.

Tăng xử phạt và công khai

Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, QTCT đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế càng cần thiết. Các doanh nghiệp có hệ thống QTCT tốt có nhiều khả năng kháng cự trước bất ổn, hoạt động hiệu quả hơn so với đơn vị khác.

Trong số 100 doanh nghiệp được đánh giá, có 20 công ty niêm yết tại HNX và 80 công ty niêm yết tại HOSE. 25 công ty lớn nhất có mức giá vốn hóa thị trường từ 2.670-48.104 tỷ đồng; 75 công ty còn lại có mức giá trị vốn hóa thị trường tương đối nhỏ.

Thời gian qua, UBCKNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tiếp cận thông lệ quốc tế tốt nhất. Về thực hiện QTCT thời gian qua, ông Bằng thừa nhận vẫn còn những tồn tại về nhận thức, tính tuân thủ của doanh nghiệp chưa tốt trong việc bảo vệ cổ đông, công bố thông tin, tính độc lập của HĐQT...

Thời gian tới, UBCKNN sẽ tích cực hơn trong phổ biến, tuyên truyền, đào tạo và xử phạt nặng các hành vi vi phạm để bảo vệ cổ đông. Để nâng cao nhận thức doanh nghiệp và giúp nhà đầu tư có sự lựa chọn tốt trong đầu tư, UBCKNN nghiên cứu việc xếp hạng doanh nghiệp, có thông tin chuẩn để xếp hạng chính xác, tạo động lực để doanh nghiệp phấn đấu, hoàn thiện. Đây giống như việc công bố chỉ tiêu an toàn tài chính của khối công ty chứng khoán được nhà đầu tư đón nhận, đánh giá tích cực.

Để nâng cao chất lượng QTCT, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đưa ra 26 khuyến nghị, trong đó tập trung 3 nội dung chính: tăng cường quản lý nhà nước, tăng cường thể chế và phát triển khu vực tư nhân. Nội dung khuyến nghị nhấn mạnh: “Một yêu cầu đặc biệt quan trọng là phải giám sát tình hình tuân thủ pháp luật trên thị trường, công bố thông tin tài chính và thực thi các quy định về công khai, minh bạch.

Cơ quan quản lý cần công bố rộng rãi các hoạt động cưỡng chế. Nhằm tăng khả năng QTCT lĩnh vực ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cân nhắc tổ chức hoạt động đánh giá QTCT riêng bằng thẻ điểm cho các ngân hàng nhằm xác định và xử lý những vấn đề đặc thù của ngành, tập trung các lĩnh vực cơ cấu, thù lao của HĐQT, chiến lược, đặc biệt là vấn đề rủi ro tín dụng, rủi ro đối tác, thanh khoản, nợ khó đòi, chống rửa tiền…”.

Các tin khác