Tham dự tọa đàm có đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM.
Bản sắc của TPHCM
Trong đề dẫn tọa đàm, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM cho rằng, đặc trưng của đô thị ở TPHCM là đô thị sông nước. Ý kiến này, được nhiều đại biểu đồng tình. TS-KTS Phạm Phú Cường chia sẻ: “Các không gian công cộng đặc trưng tại TPHCM có không gian sông nước. TPHCM gần như được sinh ra giữa những dòng sông, vì nó được ôm trọn bởi sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, rạch Thị Nghè.
Khác với Hà Nội, nơi dòng sông Hồng rộng mênh mông ngăn cách các vùng đất ở hai bờ, các dòng sông, rạch tại TPHCM thì ngược lại: hòa mình vào đô thị, tham gia vào cấu trúc và tiến trình phát triển của thành phố. Đây là không gian lý tưởng để kích hoạt các hoạt động công cộng đa dạng. Trong đó, việc làm hồi sinh, tái tạo khung cảnh - năng lượng sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” vang bóng một thời chính là hoạt động văn hóa có ý nghĩa phát huy giá trị phi vật thể của di sản đô thị tại TPHCM”. Đồng ý với nhận định trên, ông Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bày tỏ: “Không gian công cộng ven sông, ven kênh là một bản sắc riêng của TPHCM”.
Vấn đề không gian văn hóa công cộng gắn với các di sản văn hóa phi vật thể được nhiều đại biểu nêu ra tại tọa đàm. Theo các đại biểu, thiết kế không gian văn hóa công cộng ở TPHCM không nên chỉ nhắm đến sự hiện đại, hoặc bắt chước từng chút một các nước phương Tây để cho có vẻ hiện đại, mà phải biết kết hợp khéo léo giữa hiện đại và truyền thống. Không gian văn hóa hiện đại phải được đặt trên nền tảng di sản của cha ông để lại và hiểu đúng, khai thác đúng giá trị của di sản đó, để tạo được điểm nhấn riêng, dấu ấn riêng cho TPHCM.
TS Lê Hồng Phước, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM, cho rằng đờn ca tài tử - cải lương, di sản văn hóa phi vật thể cha ông để lại, cần có một vị trí tương xứng trong thiết kế không gian văn hóa đô thị của TPHCM. Trên phương diện văn hóa nghệ thuật lẫn kinh tế, loạt hình nghệ thuật này thật sự là một “đặc sản” và TPHCM có đủ lý do để đặt nó làm trọng tâm trong thiết kế không gian văn hóa công cộng của TP.
Trên bến dưới thuyền - Nét riêng
TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đề xuất: “TP cần kiến tạo các chuỗi không gian mở biên nước, gắn với di sản sông, kênh rạch đối với các hoạt động văn hóa, thương mại dịch vụ và giải trí đa dạng của kinh tế dịch vụ. Chuỗi không gian cảnh quan dọc sông rạch có tiềm năng trở thành xương sống trong những hoạt động văn hóa đô thị. Tiềm năng này có cơ sở dựa trên những giá trị văn hóa lịch sử, sự gắn bó của người dân với không gian sông nước. Các hoạt động kinh tế cộng đồng, các hệ sinh thái sáng tạo mới cần những không gian gắn với chức năng đô thị hiện hữu, đồng thời có mối liên hệ với những ý nghĩa văn hóa lịch sử của đô thị”.
TPHCM đã có những nỗ lực và giải pháp để cải tạo tình trạng ô nhiễm kênh rạch, nhưng điều này ít nhiều vẫn còn tồn tại những dòng kênh chưa sạch đẹp. “Vấn đề ô nhiễm kênh rạch, chúng ta cần có thời gian và giải pháp để cải tạo, như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một điển hình, chúng ta không sợ mình không làm được mà quan trọng là cách làm và tạo được sự đồng thuận của người dân”, TS-KTS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, quận 3 cũng đã đề xuất với Thành ủy TPHCM cho phép nghiên cứu, từng bước tạo lập không gian phố đi bộ tại khu vực hồ Con Rùa, đường Nguyễn Thượng Hiền. Riêng khu vực hồ Con Rùa, đề xuất vào thứ bảy hàng tuần sẽ biểu diễn đờn ca tài tử - cải lương, chủ nhật sẽ là chương trình dành cho thiếu nhi. thành phố cũng đang nghiên cứu đưa lễ hội hoa đăng “Trên bến dưới thuyền” của quận 8 vào hoạt động, vì đây là hoạt động rất đẹp, rất hay.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhận định nhiều tham luận tại tọa đàm đã đưa ra những giải pháp mang tính khả thi, góc nhìn sát sao từ thực tiễn và những gợi mở này sẽ tiếp tục được bổ sung, nghiên cứu sâu hơn nữa. “Đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục thu nhận thêm thông tin, đúc kết thêm kinh nghiệm, chuẩn bị cho lộ trình xây dựng những không gian văn hóa công cộng đúng nghĩa cho người dân thành phố, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu.
Trên phạm vi thành phố, nên tạo một không gian văn hóa chung cho đờn ca tài tử - cải lương. Chúng ta đã có Đường sách TPHCM, nếu cần làm nhanh thì có thể lấy một góc nhỏ ở đường sách này phục vụ đờn ca tài tử - cải lương. Nhà nước sẽ hỗ trợ mặt bằng, các câu lạc bộ đăng ký luân phiên biểu diễn. Về lâu dài, TPHCM nên tìm một con đường phục vụ nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có đờn ca tài tử - cải lương. Con đường đó có thể là đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1) TS Lê Hồng Phước |