Năm 2008, TTCK Việt Nam “tơi tả”, những nhận định bi quan liên tiếp được đưa ra. Cuối quý I-2009, khi TTCK bắt đầu hồi phục, NĐT trong nước hăng hái tham gia thì một số NĐTNN, trong đó có các quỹ đầu tư lớn lại tỏ ra thận trọng.
Khi đó có tin đồn, kinh tế trưởng của một quỹ khá quen mặt trên thị trường đã bị mất ghế vì nhận định quá bi quan về ngành thép, khiến bộ phận đầu tư “bán non” và lỗ.
Trường hợp nữa là CEO của một công ty quản lý quỹ gắn bó với Việt Nam từ lâu cũng bị đồn đại phải giải trình với NĐT về việc bán ra một loại CP ở mức giá 5.0-6.0 sau đó đã tăng lên 10.0.
Thời gian qua, liên tiếp những con số thống kê cho thấy NĐTNN bán ròng, những thông tin về việc các quỹ đầu tư “nản” đang chờ cơ hội thoái vốn xuất hiện. Từ chỗ bán ra để mua lại với giá rẻ hơn, sau khi mua CP lại xuống tiếp, NĐTNN lại thua lỗ, bởi không phải CP nào cũng thuộc dạng “ngon ăn” đối với các quỹ ETF (quỹ lướt sóng theo chỉ số). Một số NĐTNN đang đứng trước câu hỏi sẽ tiếp tục cầm cự hay chấp nhận cắt lỗ?
Có vị CEO của một quỹ bất động sản đưa ra nhận định: Nhà nước cần phải có giải pháp cụ thể về lãi suất, lạm phát, tỷ giá thì NĐT mới yên tâm đổ tiền vào. Nói như vị CEO vừa rồi thì NĐT cá nhân cũng nói được: Chờ thị trường “ổn” rồi mới vào. Sự bối rối của NĐTNN có thể do nhiều yếu tố khác nhau, nhưng trước khi đổ thừa khách quan, khối này cũng nên trách chính mình.
TTCK là thị trường của kỳ vọng, muốn lãi lớn phải đi trước, phải “nhìn” ra được cục diện của nền kinh tế để có kế hoạch giải ngân, hoặc bán trước mua sau, đó cũng là vai trò của các tổ chức đầu tư.
Tại sao các quỹ đầu tư không “trách” những kinh tế trưởng, những tiến sĩ, chuyên gia của mình đã nhận định, nắm bắt tình hình không đúng dẫn đến đầu tư chệch choạc mà luôn miệng đổ thừa cho kinh tế vĩ mô.
Một phần nào đó, cho thấy cách suy nghĩ theo kiểu ăn xổi ở thì, thị trường tốt thì đua nhau bỏ tiền, thị trường xấu thì tính chuyện bỏ chạy.
Không thể tin chắc rằng, một kịch bản như năm 2009 sẽ lặp lại tương tự như năm 2012 vì có quá nhiều khác biệt trong các giai đoạn.
Nhưng chắc chắn không thị trường nào có thể xuống mãi và điểm mấu chốt là phải chọn lựa đúng thời điểm để trở lại thay vì lạc quan quá rồi lại bi quan cùng cực. Bài học “hãy tham lam khi người khác sợ hãi” đâu rồi?