(ĐTTC) - Mặc dù giá cao su đã giảm khá sâu, nhưng các doanh nghiệp cao su đang niêm yết vẫn duy trì được mức chi trả cổ tức hấp dẫn.
Theo thống kê, các doanh nghiệp cao su đang niêm yết vẫn giữ mức chi trả cổ tức từ 30-50%, tương đương với mức lợi suất từ 6-10% trong 5 năm gần đây. Hiện 4/5 doanh nghiệp cao su đang niêm yết là các công ty con của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), trừ CTCP Cao su Thống Nhất (TNC).
Theo quy định, VRG đặt giá bán mục tiêu (dựa trên giá thị trường toàn cầu) và dự toán cho phí sản xuất (bằng cách điểu chỉnh chính sách tiền lương cho người lao động) để các doanh nghiệp không rơi vào tình trạng thua lỗ.
Chính vì vậy, khi giá cao su giảm 26% kể từ khi đạt đỉnh trong năm 2010, quỹ lương đã được cắt xuống từ 36-38%. Nhờ chính sách này, các công ty cao su vẫn duy trì được biên lợi nhuận gộp ổn định và luôn tạo được lợi suất, bất chấp những biến động của giá cao su thế giới. Ngoài việc được hưởng lợi từ chính sách của công ty mẹ, các công ty cao su còn có đặc thù là có cấu trúc tài chính lành mạnh với chỉ số “đòn bẩy” thấp.
Điều đặc biệt là nếu giá cao su tăng trở lại, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng được cải thiện và nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ tăng mức chi trả cổ tức. Hiện tượng này đã xảy ra trong năm 2011 và 2012, khi giá cao su tăng mạnh lên mức trung bình 4.500USD/tấn và 3.300USD/tấn (gấp 2 lần giá hiện tại 2.400USD/tấn).
Thời điểm đó, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) đã điều chỉnh tăng cổ tức từ 4.000 đồng/CP đồng lên 5.000 đồng/CP. Bên cạnh cổ tức cao, việc doanh thu bằng USD và tình trạng không nợ cho phép các doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ. Đặc biệt, các doanh nghiệp cao su sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi các vườn cao su tại Campuchia bắt đầu bước vào giai đoạn khai thác.