Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cần tuyển lao động với số lượng từ vài trăm đến cả ngàn công nhân. Nhiểu ldoanh nghiệp sản xuất gỗ, may mặc, giày da… đang thiếu lao động trầm trọng.
Cần tuyển 100.000 lao động
Những ngày này, tại nhiều KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đi đâu cũng thấy cảnh một nhóm nhân viên phòng nhân sự bày một bàn nhỏ, vài cái ghế ngồi ngay cổng vào công ty để nhận hồ sơ tuyển dụng. Chị L.T.T (35 tuổi, nhân viên phòng nhân sự một công ty trong KCN Đồng An), cho biết: “Công ty thiếu hơn 2.000 công nhân, chúng em được cử ra ngồi ngay cổng để tiện tuyển dụng và tư vấn cho các bạn công nhân đi xin việc làm.
Nếu như trước đây, việc doanh nghiệp tuyển dụng có yêu cầu khắt khe về trình độ, sức khỏe thì hiện đã thoáng hơn. Công ty đang tích cực mời gọi, chỉ cần có sức khỏe, không có tiền án tiền sự là được nhận. Việc tuyển người làm ngày càng khó khăn hơn nên lãnh đạo công ty cũng đề ra chính sách khuyến khích công nhân giới thiệu người thân với mức thưởng là 1 triệu đồng/người (tăng gấp đôi so với năm 2020), ngoài ra còn được hỗ trợ chi phí đi lại, nhà trọ, các khoản thưởng hậu hĩnh như lương tháng 13, thưởng hoàn thành đơn hàng sớm”…
Cách đó không xa là KCN Sóng Thần (TP Dĩ An) khung cảnh cũng tương tự. Trước cổng một số công ty, nhiều người xin việc tụm lại bàn tán và so sánh về mức lương, thưởng, tính chất công việc.
Chị N.T.T (37 tuổi, quê ở Nghệ An) cho biết, đã nộp hồ sơ đến 5 công ty nhưng chưa quyết định làm ở đâu, do mức lương cơ bản thấp (4 triệu đồng/tháng) và nếu có tăng ca suốt tháng thì thu nhập cũng chỉ hơn 8 triệu đồng, không đủ trang trải chi phí gia đình và đóng tiền học cho con.
Trong khi, anh T.V.N (48 tuổi, ngụ phường Tân Bình, TP Dĩ An) thì muốn tìm một công việc có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng và gần nhà, để tiện đưa đón con. Anh N. chia sẻ: “Trước đây làm công nhân may được hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng từ khi có dịch, phải tạm nghỉ. Tôi chuyển sang phụ làm đá hoa cương, thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng nhưng rất mệt và độc hại vì bụi đá, giờ muốn đổi việc làm ổn định hơn và thu nhập đủ nuôi sống gia đình”.
Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, hiện các doanh nghiệp đang cần tuyển hơn 100.000 lao động, nhiều hơn 4.000 người so với đợt tuyển dụng sau tết. Nguyên do, để đáp ứng các đơn hàng mới từ Myanmar, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gỗ, nội thất, may mặc, da giày... Điển hình như Công ty Yazaky (TP Dĩ An) cần tuyển 2.000 công nhân; Công ty TNHH Nội thất Phú Định (huyện Dầu Tiếng) cần tuyển hơn 500 người; Công ty Chí Hùng tuyển 1.000 người...
Cơ hội để doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc
Nhóm doanh nghiệp chịu tác động mạnh của việc thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ tết và phòng chống dịch Covid-19 là sản xuất gỗ, may mặc, giày da… Điển hình trong ngành chế biến, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Dương, lao động đang thiếu trầm trọng. Số lượng đơn hàng tăng trưởng mạnh (năm 2020 tăng 15% so với kế hoạch, những tháng đầu năm 2021 có xu hướng tăng) do đẩy mạnh giao dịch điện tử, trong khi số công nhân quay lại làm việc không đủ.
Nhóm doanh nghiệp gỗ, may mặc tại Bình Dương đang thiếu lao động trầm trọng. Ảnh: báo Hải quan
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), lượng lao động đang thiếu trầm trọng do nhiều nguyên nhân, như nghỉ phòng chống dịch, nhiều công nhân về quê, tìm được việc làm mới nên không trở lại công ty cũ làm việc.
Đặc biệt, hơn 1 năm qua, dù dịch bệnh phức tạp nhưng đơn hàng ngành gỗ tăng đột biến, việc thiếu lao động là khó tránh khỏi. Ở một góc nhìn tích cực, chúng tôi cho rằng, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc để giữ chân người lao động, đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm thâm dụng lao động.
Trong bối cảnh thiếu hụt lao động và việc tuyển dụng có nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư lâu dài, bằng cách nhập robot sản xuất tự động, điển hình như Công ty Shyang Hung Chen, chuyên sản xuất giày adidas.
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, thừa nhận: “Việc thiếu hụt lao động đang là bài toán nan giải đối với địa phương và các doanh nghiệp. Hiện nhiều công nhân về quê có việc làm ổn định, điều kiện thuận lợi hơn (do không phải tốn chi phí thuê trọ, đi lại...) đã chọn ở lại địa phương nên tuyển dụng lao động làm việc tại Bình Dương khó khăn hơn. Chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp với Sở LĐTB-XH đi cơ sở nắm tình hình và sẽ có báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh về tình trạng này, để có hướng giải quyết”.