Thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường xuất khẩu lại gặp khó… đã khiến một số “ông lớn” trong ngành thủy sản ngậm ngùi báo lỗ trong quý 3/2019.
Theo báo cáo tài chính riêng công ty mẹ quý 3/2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần giảm 15% so với cùng kỳ, đạt 3.255 tỷ đồng. Giá vốn giảm thấp hơn 13% nên lãi gộp giảm 31% về 249 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 7,6% giảm so với mức 9,4% cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính cũng giảm 71% xuống 24 tỷ đồng.
Quý 3/2019 cũng là thời điểm ghi nhận doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này giảm liên tiếp theo mức độ tăng dần, tháng 7/2019 giảm 3%, tháng 8 giảm 20% và tháng 9 giảm 34%. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu của Minh Phú sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ, giảm đến 58,8% trong tháng 9 và giảm 14,3% trong 9 tháng.
Tính chung 9 tháng năm 2019, doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn Minh Phú đạt 198 triệu USD, giảm 20,5% so cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 57% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2019.
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu gặp khó, Minh Phú cho biết, từ tháng 7/2019 đến nay, do mưa lớn kéo dài khiến tình hình nguyên liệu tôm của Việt Nam giảm nhiều, làm giảm nguồn cung nguyên liệu theo yêu cầu của các khách hàng. Trong tháng 8/2019, tồn kho của Minh Phú đã giảm hơn 60% và không có nhiều hàng để xuất. Điều này làm hạn chế khả năng xuất hàng nhanh cho khách hàng và hạn chế việc ký thêm đơn hàng mới trong các tháng cuối năm.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 3 của Minh Phú chỉ đạt 103 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu công ty tăng 1,7% đạt 8.398 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 10%, còn 484 tỷ đồng.
Hiện công ty này đang lên kế hoạch đẩy mạnh hoàn thành vùng nuôi công nghệ cao Lộc An ngay trong năm 2019, để chủ động hơn nguồn cung và năng lực đáp ứng đơn hàng trong những tháng cao điểm trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Trong khi đó, Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn -một doanh nghiệp đầu ngành cá tra mới công bố gần đây cũng cho thấy, doanh thu thuần của công ty này giảm tới 25% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.882 tỷ đồng. Hoạt động tài chính ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và chi phí. Các chi phí bán hàng và quản lý cũng có sự gia tăng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn giảm 58,3% xuống 254 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân lợi nhuận biến động mạnh trong quý 3/2019, Vĩnh Hoàn cho biết chủ yếu là do sản lượng xuất khẩu và giá bán đều giảm đáng kể so với cùng kỳ. Doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn cũng sụt giảm liên tiếp trong 3 tháng gần đây, từ mốc 40 triệu USD trong tháng 6/2019, xuống còn 22 triệu USD trong tháng 9/2019.
Lũy kế 9 tháng qua của năm, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn giảm 13% còn 5.696 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm hơn 5% còn 981 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực chế biến xuất tôm và cá tra không nằm ngoài xu hướng hiện nay của ngành thủy sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính chung 9 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt gần 6,3 tỷ USD, giảm nhẹ gần 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác đều sụt giảm đáng kể, xuất khẩu tôm giảm 7%, cá tra giảm 8%.
Nhờ nhu cầu thị trường, nhất là các dịp lễ hội sắp tới, xuất khẩu tôm và cá tra được dự báo sẽ có nhiều khả quan hơn vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm và thuế chống bán phá giá cá tra cao tại thị trường Mỹ tiếp tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Điều này buộc các doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh thị trường tốt hơn, đa dạng các thị trường xuất khẩu và chủ động xây dựng vùng nguyên liệu an toàn để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.