Doanh nghiệp đình đốn, nội lực bào mòn

(ĐTTCO) - Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), trong tháng 10 cả nước có hơn 13.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 106.000 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 76.900 người, tăng 13,6% về số DN và tăng 24,1% về số lao động so với tháng 9. 
Doanh nghiệp đình đốn, nội lực bào mòn
Còn tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có tới hơn 125.000 DN đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký 835.000 người, tăng 34,3% về số DN và tăng 5,7% về vốn đăng ký, tăng 18% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó không lâu, theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), tổng kết quý III, GDP 9 tháng năm 2022 đã tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, nhất là quý III  đã tăng tới 13,67%.
Những con số này phần nào thể hiện sự hồi phục của nền kinh tế sau khi cơ bản khống chế được đại dịch Covid-19, là tín hiệu khả quan cho tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, và nó cũng vẽ nên bức tranh kinh tế vĩ mô đầy lạc quan và triển vọng. Nhưng, hãy nhìn kỹ hơn vào những con số.
Thứ nhất, số DN đăng ký thành lập mới tăng không được xem là “thành tích đáng kể”, bởi nó xuất phát từ 2 yếu tố: (1) Sau thời gian dài bị “đóng băng” và “bào mòn” sức lực bởi Covid-19, giờ đây giới dân doanh mới tạm phục hồi để có thể quay lại tham gia thị trường; (2) Chiến lược phòng, chống Covid-19 thay đổi (bỏ lệnh phong tỏa, hạn chế), môi trường đầu tư kinh doanh được kích hoạt trở lại, giúp DN trở lại hoạt động. Như vậy, đây là điều hiển nhiên của quy luật thị trường.
Thứ hai, con số tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 được cho cao nhất trong vòng hơn chục năm trở lại đây là so sánh với cùng kỳ 2021 khi nền kinh tế gần như “đóng băng” bởi dịch Covid-19, thậm chí có quý tăng trưởng âm. Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng trước khi dịch bùng phát (2019 trở về trước), tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2022 thực sự không đáng được xem là “kỳ tích”. Tổng GDP toàn quốc về cơ bản vẫn không tăng thêm nhiều.
Nói như vậy không phải phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành trong điều hành kinh tế, mà nói ra để chúng ra nhìn vào sự thực rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, cần phải thận trọng và nỗ lực nhiều hơn, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị thế giới đầy bất trắc. Thực tế, nhìn kỹ hơn sẽ thấy bức tranh kinh tế đang hiển hiện rõ 2 gam màu sáng - tối. 
Hiện những DN đang hoạt động cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra. Ở đầu vào thiếu vốn hoạt động, chi phí sản xuất tăng cao. Vốn thiếu có nguyên nhân từ nợ xấu, nợ “dây chuyền” do hiệu quả hoạt động của các DN không cao, tỷ suất lợi nhuận bình quân chung thấp xa so với lãi suất vay ngân hàng. Đã vậy rủi ro tỷ giá tác động đến DN về 2 mặt: (i) Chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu tăng kép (vừa tăng khi tính bằng USD, vừa tăng do tỷ giá VNĐ/USD; (ii) Những DN vay ngoại tệ, khi tỷ giá VNĐ/USD tăng, chi phí trả nợ bằng VNĐ sẽ tăng theo. 
Ở đầu ra, tuy xuất khẩu hàng hóa những tháng qua tiếp tục tăng khá, nhưng nhìn vào tổng thể đã thấy tốc độ chậm lại so với những tháng đầu năm. Điều này phản ánh rõ nhất qua một số nhóm ngành như dệt may, da giày đang thiếu đơn hàng nghiêm trọng và phải hoạt động cầm chừng. Cần nói thêm, ở giá trị xuất khẩu được cho tăng trưởng, chủ yếu vẫn là nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới gần 70% giá trị xuất khẩu, DN nội hầu như tăng trưởng không đáng kể.
Cuối cùng, chỉ số lạm phát được cho vẫn “trong tầm kiểm soát” cũng chưa hẳn là tin vui. Bởi cái gốc là tâm lý “thắt lưng buộc bụng” xuất hiện trong đại dịch Covid-19 (cả DN lẫn người tiêu dùng) đến nay tuy đã được nới lỏng hơn, nhưng đại bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, nên có xu hướng chỉ chi tiêu cho các hoạt động thiết yếu.
Thực tế, cầu thị trường vẫn yếu. Hệ lụy này sẽ được cộng hưởng với con số hàng ngàn lao động đã mất việc làm, hoặc có nguy cơ sắp mất việc làm trong những tháng tới, khi sản xuất của DN đình đốn, đơn hàng xuất khẩu không có hoặc bị hạn chế. 

Các tin khác