Doanh nghiệp đồ uống lo ngại thuế quan của Mỹ

(ĐTTCO) - Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa gửi công văn hỏa tốc đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành để kiến nghị về việc giãn lộ trình tăng thuế TTĐB trong bối cảnh thuế quan toàn cầu phức tạp.

Theo VBA, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, đơn cử như động thuế áp thuế đối ứng rất cao từ Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 2-4. Trong tình hình như vậy, Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm nay.

Dù còn quá sớm để đánh giá được hết các tác động của chính sách áp thuế đối ứng và những tác động cụ thể tới ngành đồ uống, VBA vẫn đưa ra một số đề xuất để duy trì sức hấp dẫn, cạnh tranh và niềm tin và thu hút đầu tư nước ngoài. “Hiện ngành đồ uống là khu vực thu hút nhiều vốn đầu tư trong nước và những tập đoàn ngoại lớn như Heineken, Sabeco, Carlsberg, Coca-Cola”, VBA lập luận.

z6473742906380_a5a6d82a54eec5239274d09e22661a15.jpg
Đại diện VBA bày tỏ lo ngại về chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ tác động đến các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam

Một trong những động lực đã được nhận diện là đẩy mạnh tiêu dùng trong nước để tạo sự bền vững cho tăng trưởng. Cụ thể là các chính sách đầu tư từ khu vực tư nhân, kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ cho các doanh nghiệp để có thể đóng góp vào động lực tăng trưởng.

VBA cho rằng hàng năm, các thành viên của Hiệp hội nộp khoảng 60.000 tỷ đồng cho ngân sách, tạo hàng triệu việc làm và tác động tích cực đến các ngành “ăn theo” như du lịch, ăn uống và vận tải ở Việt Nam.

Trong bổi cảnh hiện nay, VBA và các doanh nghiệp ngành đồ uống kiến nghị xem xét lộ trình phù hợp khi thông qua Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), nhấn mạnh việc lùi thời điểm thực hiện và giãn, giảm việc tăng thuế các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát để giảm những tác động động tiêu cực tới ngành, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển và đóng góp và tăng trưởng thời gian tới.

Tại tọa đàm Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) về ngành nước giải khát tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho biết đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường từng được đưa ra. Tuy nhiên cơ sở của việc áp thuế vẫn chưa rõ ràng, chưa thuyết phục nên đã bỏ ra. Do đó, nếu đưa vào dự thảo lúc này, cơ quan soạn thảo cần tính toán thật kỹ lưỡng.

z6473742933626_328aa6adc0092318e44783e1d37f0a3f.jpg
Bà Nguyễn thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Bên cạnh đó, tác động của công cuộc tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương cùng mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng chưa có cơ sở khoa học chứng minh hiệu quả của sắc thuế này đối với việc điều tiết hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sau khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế đối ứng các doanh nghiệp chắc chắn sẽ chịu khó khăn nhiều hơn trong khi các tập đoàn FDI lớn tại Việt Nam quan ngại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) lo ngại việc tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn và có đường ở thời điểm hiện nay sẽ vô tình tạo lợi thế cho hàng lậu, trốn thuế.

Các tin khác