Vàng và tỷ giá trong vòng xoáy thuế quan

(ĐTTCO) - Ngày 3-4 vừa qua, giá vàng trong nước dậy sóng theo giá vàng thế giới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế hàng hóa vào Mỹ với nhiều nước.

Vàng và tỷ giá trong vòng xoáy thuế quan

Thị trường toàn cầu dậy sóng

Ngày 2-4 (giờ Mỹ), thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn, S&P 500 ETF giảm 2,47%, Dow Jones Industrial Average ETF giảm 1,37% và NASDAQ giảm 3,45%. Ngược lại, kim loại quý trong phiên này có thời điểm tăng lên mức kỷ lục 3.201,6USD/ounce đối với hợp đồng tương lai tháng 6.

Chốt phiên, vàng tuy đi lùi nhưng vẫn ở mức cao 3.190,6USD/ounce, tương ứng tăng 41,8USD trong ngày. Mức tăng ấn tượng này bắt nguồn từ việc nhà đầu tư mua tích cực kết hợp với đồng USD suy yếu, chỉ số DXY (chỉ số đồng đô la Mỹ) giảm 0,56% xuống còn 103,335. Như vậy, đồng bạc xanh đã tiếp tục lùi bước sau khi đã giảm 3,1% trong tháng 3-2025.

Trước đó vào ngày 13-1, chỉ số DXY ở mức 110,18. Như vậy tính từ đầu năm 2025 đến nay, chỉ số DXY đã giảm hơn 5%. Diễn biến của DXY đã đi ngược với nhiều dự báo trước đó, cho rằng thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến đồng USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác.

Cùng với đó, giá vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị toàn cầu, bất ổn kinh tế và sự tích lũy liên tục của các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới. Trên Kitco sáng 3-4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay có thời điểm đã đạt mức 3.162USD/ounce.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, vàng đã tăng hơn 500USD. Trong bối cảnh chung như vậy, niềm tin giá vàng tiếp tục leo thang ngày càng mạnh mẽ hơn. Một nghiên cứu của Ngân hàng ANZ công bố ngày 17-3, dự báo trong 3 tháng tới giá vàng tăng lên mức 3.100USD/ounce, và trong 6 tháng tới sẽ là 3.200USD/ounce.

Cùng thời điểm, Ngân hàng UBS đã điều chỉnh dự báo giá vàng lên 3.200USD/ounce vào tháng 6-2025, sau khi giá kim loại quý này lần đầu tiên vượt mốc 3.000USD/ounce.

Thế nhưng, với đà tăng mạnh mẽ của vàng trong những ngày gần đây, các tổ chức quốc tế đang không ngừng nâng mức dự báo về giá vàng. Cụ thể, Capital Economics dự báo giá vàng sẽ vượt mức 3.300USD/ounce vào cuối năm 2025, tức là tăng 6% so với mức hiện tại, nhờ vào nhu cầu cao từ các chính phủ và các nhà đầu tư.

Lạc quan hơn, theo bà Amy Gower chiến lược gia hàng hóa trong lĩnh vực kim loại và khai khoáng tại Morgan Stanley, kịch bản lạc quan của Morgan Stanley là 3.300 - 3.400USD/ounce trong năm nay. Đáng chú ý, Goldman Sachs còn công bố kịch bản cực kỳ lạc quan dù ít khả năng xảy ra, cho rằng giá vàng có thể vượt 4.000USD/ounce vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, nếu thị trường gặp phải căng thẳng nghiêm trọng, Goldman Sachs tin rằng vàng có thể vượt 4.200USD/ounce vào cuối năm 2025, thậm chí lên 4.500USD/ounce vào năm 2026.

Vàng và tỷ giá trong nước quay cuồng

Hưởng ứng đà tăng của giá thế giới, vàng miếng SJC cũng đã tiếp tục lập đỉnh mới 100,1 - 102,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) vào sáng 3-4, sau khi điều chỉnh tăng thêm 1 triệu đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều. Giá bán vàng nhẫn ở một số nơi vọt lên mức 102,9 triệu đồng/lượng.

Mặc dù ngay sau đó giá vàng thế giới và trong nước có điều chỉnh giảm nhẹ trở lại, nhưng diễn biến này tiếp tục khiến nhà đầu tư có một phiên quay cuồng trên “tàu lượn siêu tốc” giá vàng.

Còn nhớ vào giữa tháng 3, vàng trong nước đã leo lên mốc 100 triệu đồng/lượng, sau đó bất ngờ “sập giá” về mốc 97 triệu đồng mỗi lượng bán ra, mua vào lùi về mức 94 - 95 triệu đồng/lượng. Với mức tăng nhanh giảm gấp, người mua đu đỉnh đã ghi nhận lỗ đến 6 triệu đồng mỗi lượng chỉ trong vài ngày.

Cú sập giá này đã gợi nhớ lại diễn biến năm 2011, vàng đạt đỉnh sau đó sa vào chu kỳ suy giảm kéo dài nhiều năm liền. Tuy nhiên, trái ngược với lo lắng này, hiện tại kim loại quý vẫn giữ vững phong độ, tăng - lao dốc - lại bật tăng, và dự báo vẫn tiếp tục tăng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, vàng vẫn còn nhiều khả năng tăng trước những biến động lớn về địa chính trị và kinh tế thế giới. Trong nước, vàng vẫn sẽ “xoay” nhà đầu tư trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội luôn bao trùm thị trường.

Tuy nhiên giới chuyên gia vẫn nhắc nhở, đường đi của vàng lâu nay không chỉ một hướng mà có hình gấp khúc, có những bước điều chỉnh giá khó lường, do đó đầu tư vàng vẫn cần tính lâu dài. Ngược lại, lướt sóng vàng hay đu đỉnh theo tâm lý đám đông, nhà đầu tư dễ mua ở mức giá rất cao và bán ở vùng giá thấp, vì vàng sập giá sau đó tăng không đủ mạnh để bù lỗ.

Ở một diễn biến khác, một điều bất ngờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới khiến chỉ số DXY giảm mạnh, thì tỷ giá USD/VNĐ lại bật tăng mạnh. Ngày 3-4, tỷ giá USD/VNĐ tại các ngân hàng tăng khoảng 160-180 đồng và lần đầu tiên vượt mốc 26.000 đồng/USD.

Đây là mức biến động mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua. Theo đó, tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay đã tăng thêm 519 đồng lên mức 24.854 đồng/USD, tương ứng tăng 2,1%. Trước đó cả năm 2024, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 469 đồng.

Trước việc tỷ giá USD/VNĐ liên tục neo ở mức cao trong thời gian dài dù chỉ số DXY đi lùi, một chuyên gia cho biết trong khi lãi suất huy động VNĐ trong nước điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD trên thị trường quốc tế tiếp tục cao.

Điều đó liên tục tạo sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ. Áp lực này dự báo vẫn sẽ hiện hữu trong 2025, trong bối cảnh Tổng thống Trump đã công bố các chính sách thuế quan làm tăng rủi ro lạm phát, và khiến Fed càng thận trọng hơn trong việc giảm lãi suất.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank dự báo, nếu NHNN can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối, tỷ giá USD/VNĐ có thể tăng 3-5% trong năm 2025.

Trong bối cảnh tỷ giá của các thị trường bị áp thuế đồng loạt mất giá, đồng Nhân dân tệ nếu suy yếu để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ, sẽ càng làm trầm trọng thêm áp lực tỷ giá đối với Việt Nam, buộc NHNN phải điều hành linh hoạt hơn để ổn định thị trường ngoại hối.

Vàng vẫn sẽ “xoay” nhà đầu tư trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội luôn bao trùm thị trường. Do vậy nhà đầu tư hãy tính toán kỹ, dễ mua ở mức giá rất cao và bán ở vùng giá thấp, vì vàng sập giá sau đó tăng không đủ mạnh để bù lỗ.

Các tin khác