Doanh nghiệp 'đứng hình' với góp ý mở cửa du lịch của Bộ Y tế

(ĐTTCO)-Góp ý cho phương án mở cửa lại hoạt động du lịch sau 15-3, Bộ Y tế đề nghị nhiều quy định chặt như người có nguy cơ cao hạn chế đi du lịch, khách không ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ…, nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự lo lắng.
Mở cửa du lịch sau 15-3, Bộ Y tế đòi ‘an toàn tuyệt đối’, nhiều công ty du lịch than khó đón khách - Ảnh: TL
Mở cửa du lịch sau 15-3, Bộ Y tế đòi ‘an toàn tuyệt đối’, nhiều công ty du lịch than khó đón khách - Ảnh: TL

Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch để góp ý kiến về dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Bộ Y tế muốn "an toàn tuyệt đối"

Đáng chú ý, những hy vọng về sự thông thoáng trong phương án đón khách như khách quốc tế được tham gia du lịch như khách nội, sau khi nhập cảnh được tham gia du lịch ngay mà Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đang xây dựng không được Bộ Y tế đồng thuận.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, việc mở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực dự kiến cung cấp dịch vụ lưu trú, tham quan, vui chơi, giải trí cho khách… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và cộng đồng.

Bộ Y tế cũng góp ý trong phương án đón khách cần quy định, làm rõ trách nhiệm của địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú và đặc biệt cá nhân hành khách trong việc giám sát, quản lý, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Trong khi Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch muốn đón cả nhóm khách có nguy cơ cao (chưa tiêm đủ liều vắc xin COVID-19), chỉ cần đi cùng người bảo hộ đáp ứng đủ điều kiện phòng chống dịch, thì Bộ Y tế khuyến cáo nhóm này, gồm người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền hạn chế đi du lịch cho đến khi có thông báo mới.

Bộ Y tế muốn thực hiện nghiêm ngặt việc tuân thủ tiêm đủ mũi vắc xin phòng chống dịch COVID-19 trước khi nhập cảnh Việt Nam.

Và theo dự thảo, khách được tham gia du lịch ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, nhưng Bộ Y tế đòi trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), hành khách không rời khỏi nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú. Trường hợp ngày thứ 2 và 3 khách cần rời khỏi nơi lưu trú thì phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng ngày (xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR) âm tính.

Du khách dưới 12 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 thì từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 muốn rời khỏi nơi lưu trú phải thực hiện xét nghiệm liên tục hằng ngày.

Những góp ý này của Bộ Y tế có thể khiến những nhà quản lý trong ngành du lịch cùng các doanh nghiệp thất vọng, bởi ngay cả khi mở thông thoáng nhất thì vẫn không dễ dàng cho ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Sau chính sách visa, việc phải cách ly khi đi du lịch là điều khiến hầu hết khách e ngại.

Doanh nghiệp du lịch "đứng hình"

Nhiều công ty du lịch cho biết với quy định phản hồi của Bộ Y tế lại chỏi nhau với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, chắc chắn việc đón khách quốc tế từ 15-3 sẽ rất khó khăn.

Tổng giám đốc một công ty du lịch lớn có trụ sở tại quận 1, TP.HCM bức xúc khi nhận thông tin mới của Bộ Y tế mà vị này nhận định có thể khiến ngành du lịch "đứng hình", trong khi chỉ hơn 10 ngày nữa là mở cửa đón khách.

Theo vị này, thời gian qua, các công ty du lịch, sở ban ngành... tất bật chuẩn bị chương trình xúc tiến, truyền thông tưng bừng việc mở cửa du lịch. Giờ quay lại chính sách giống như chương trình thí điểm trước đây, vẫn phải cách ly du khách.

Các đơn vị du lịch bày tỏ lo lắng đến hiện tại tình hình mở cửa như thế nào, các nước được miễn visa, lệ phí visa... vẫn chưa có thông tin triển khai cụ thể.

Trong khi du lịch có độ trễ, mở cửa 15-3 nhưng đâu phải khách đùng đùng mang ba lô tới đi du lịch ngay mà cần có thời gian, ít nhất cũng mất một tháng chuẩn bị.

Khách đi du lịch cần sự thỏa mái, chào đón chứ ai đâu muốn đến nơi hà khắc, bắt xét nghiệm tới lui. Ngay ban đầu đã chào đón mà khách cảm thấy không thân thiện, rất khó thu hút được khách du lịch thực thụ quay lại Việt Nam trong thời gian tới.

"Khách quốc tế người ta đâu có giỡn được. Họ xách ba lô lên chương trình đi chơi, vé máy bay... thì đúng phút chót thay đổi là rất khó chịu. Nếu cách làm không đồng bộ từ cơ quan ban ngành, bản thân doanh nghiệp du lịch cũng rất e dè trong việc bán tour" - vị này nói.

Ông Huỳnh Văn Sơn, chủ tịch HĐQT Công ty Ngôi Sao Biển Sài Gòn - băn khoăn trước các góp ý của Bộ Y tế mang tính phân biệt đối xử giữa khách trong nước và khách quốc tế khi đặt ra hàng rào kỹ thuật về cách ly, xét nghiệm.

Khách đến Việt Nam, đáp ứng đủ điều kiện dịch tễ, phải được hưởng tự do đi lại, còn ai có bệnh thì được chăm sóc, cách ly y tế phù hợp. Ông Sơn băn khoăn không hiểu tại sao lại đặt ra quy định này, nó kéo lùi chính sách quốc gia đang muốn mở cửa du lịch.

"Ở góc độ du lịch, tôi rất mong Chính phủ cần có chính sách nhanh chóng, mang ý nghĩa chào đón du khách đến Việt Nam. Chúng ta đã bỏ ra rất nhiều công sức, phủ kín vắc xin, thì không có lý do gì đặt ra kỹ thuật như thế" - ông Sơn nói.

Ông Cao Trí Dũng - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - nhấn mạnh với những góp ý của Bộ Y tế thì cộng đồng doanh nghiệp tin rằng khách du lịch gần như không quan tâm tới việc đến du lịch Việt Nam, chỉ những khách quá cần thiết như đi công vụ, đầu tư, thăm thân, học hành mới phải đến Việt Nam, du lịch hàng không sẽ càng khó khăn.

Các khách sạn, khu, điểm du lịch, nhà hàng mở ra không có khách lại phải đóng lại.

Vừa qua tinh thần chỉ đạo của Chính phủ mở cửa du lịch rất mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng những góp ý của Bộ Y tế, ông Dũng cho rằng tạo sự lo lắng và thất vọng cho cộng đồng doanh nghiệp.

"Theo tôi, nên tuân thủ chủ trương của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đồng thời phát triển kinh tế. Khi khách nhập cảnh vào Việt Nam, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là được.

Hiện nay các thị trường không cho khách đi đã khó khăn rồi mà mình còn tạo thêm rào cản thì quá khó. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi trông chờ thẩm quyền của Thủ tướng, chứ theo góp ý của Bộ Y tế thì việc mở cửa du lịch sẽ còn phải chờ rất lâu" - ông Dũng nói.

Các tin khác