Trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam năm 2023 (dự kiến diễn ra ngày 19-3, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính), cộng đồng DN tiếp tục nêu ra nhiều vướng mắc, phần lớn nảy sinh trong quá trình thực thi pháp luật.
Gửi ý kiến tới Bộ Xây dựng và Bộ Công thương, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phản ánh tình trạng không nhất quán trong cách giải thích của các địa phương về thủ tục cấp phép xây dựng cho dự án điện mặt trời áp mái. “Có cơ quan chức năng còn từ chối tiếp nhận hồ sơ do chưa hiểu hết các yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật”, EuroCham phản ánh.
Nhưng, lỗi không hẳn ở các địa phương mà là do thiếu hướng dẫn rõ ràng về cấp phép xây dựng cho các dự án điện mặt trời áp mái, do vậy khó tránh khỏi tình trạng địa phương tự luận khác nhau. EuroCham đề nghị 2 bộ phối hợp để ban hành quy trình, hướng dẫn cụ thể, thực hiện thống nhất trên toàn quốc về cấp phép xây dựng cho các dự án điện mặt trời áp mái dưới 1MW và trên 1MW.
Bên cạnh đó, việc có được giấy phép phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho các dự án điện mặt trời áp mái cũng khiến DN mất nhiều thời gian, mặc dù Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã có công văn hướng dẫn thẩm định, phê duyệt thiết kế PCCC hệ thống điện mặt trời áp mái từ tháng 9-2020. Tuy nhiên, các cơ quan PCCC địa phương vẫn hướng dẫn thủ tục không nhất quán, khiến quá trình thẩm định kéo dài.
Theo Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, các DN thành viên của họ cũng gặp vướng mắc với việc thay đổi quy định về PCCC khi mở rộng nhà máy đang hoạt động. Giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định hiện hành.
Cụ thể, khi mở rộng nhà máy, DN bị buộc phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây (vẫn đang trong quá trình vận hành). Những vướng mắc này dẫn đến có trường hợp mất hơn 50 ngày mới được cấp phép.
Trong khi đó, một trong những khuyến nghị được EuroCham gửi tới Bộ VH-TT-DL là mở rộng chính sách miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng như có lộ trình rõ ràng và thủ tục công khai, minh bạch để thực thi chính sách này.
EuroCham cũng khuyến nghị cấp visa miễn thị thực với thời hạn 14 ngày và có thể tăng lên tối đa 21 ngày, hoặc cấp visa tại sân bay với mức phí định trước không quá 20 USD/người đối với Australia và New Zealand.
Những kiến nghị tưởng mới mà không mới từ DN nước ngoài cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng, tăng cường tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh trong mắt các nhà đầu tư.