Trong hành trình chuẩn bị cho một “trật tự mới” hậu Covid-19, nhiều DN đã có các phương án ứng phó tốc độ và hiệu quả về bài toán nhân sự.
Dám chuyển đổi mạnh mẽ
Đánh giá về thị trường lao động TPHCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho hay, qua khảo sát, có hơn 25% DN cắt giảm lao động. Hình thức cắt giảm lao động chủ yếu là giảm giờ làm việc, tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương, tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ tiền lương và cho lao động thôi việc.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực những tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 27%), nhất là ở một số ngành, nghề: vận tải, giáo dục, dịch vụ lưu trú, du lịch, dệt may…
Trong thời điểm dịch Covid-19, Anphabe - đơn vị tư vấn tại châu Á về các giải pháp Nguồn nhân lực hạnh phúc và Thương hiệu nhà tuyển dụng - đã khảo sát và điểm ra nhiều DN tiên phong chuyển đổi, có cách làm hay để sẵn sàng bước sang thời kỳ hậu Covid-19. Trước hết là chuyển đổi số, được đánh giá là hành trình tất yếu ở nhiều DN, đang diễn ra nhanh và quyết liệt.
Công ty Nidec tặng công nhân khẩu trang phòng chống Covid-19
Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Từ khi phải giãn cách xã hội, công nghệ trở thành chiếc phao cứu sinh giúp các DN chuyển đổi sang làm việc tại nhà và hoạt động trực tuyến nhanh chóng, linh hoạt, thay đổi cách làm việc truyền thống. Cùng với chuyển đổi số, các DN cũng buộc phải liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh. Nhiều DN đã chớp thời cơ, có ngay dịch vụ đi chợ hộ, giao hàng tận nhà người tiêu dùng, ra mắt sản phẩm mới giúp tăng đề kháng trong mùa dịch…
Đặc biệt, trong khủng hoảng Covid-19, các DN cũng phải quyết liệt chuyển dịch nhiều vấn đề vốn trước đó được coi là bất di bất dịch, như về cơ cấu tổ chức. Các DN đã rà soát lại đội ngũ, thay đổi vị trí công việc, tính chất công việc. Anphabe thống kê, xu hướng phổ biến đang diễn ra ở các DN bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản là nhân viên bộ phận vận hành (operation) được đào tạo để chuyển đổi thành bộ phận bán hàng (sales), thu nhập cố định theo đó sẽ giảm dần và được thay thế bằng thu nhập kinh doanh.
Giúp người lao động an tâm hơn, tránh mất phương hướng nội bộ, các DN đã cập nhật nhanh tình hình sức khỏe và kết quả kinh doanh hàng ngày của nhân viên. Thời điểm nghỉ dịch Covid-19, nhiều DN đã lựa chọn khoảng nghỉ này để đẩy mạnh hoạt động huấn luyện và đào tạo, nâng cao nội lực cho giai đoạn mới.
Một công ty bảo hiểm đã đầu tư 2 triệu USD cho hệ thống đào tạo đại lý trực tuyến; Công ty INSEE Việt Nam đăng ký tài khoản học trực tuyến trên LinkedIn cho toàn bộ nhân viên cấp quản lý; Công ty FE Credit đào tạo kỹ năng mới cho đội ngũ tiếp cận khách hàng qua điện thoại và bán hàng từ xa…
Tối ưu hóa nguồn nhân lực và cách làm mới
Trước tình hình DN tạm ngưng mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, theo Falmi, trong quý 2-2020, nhu cầu nhân lực ở các DN TPHCM cần khoảng 47.000 chỗ làm việc (giảm 37%) so với cùng kỳ năm 2019.
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Falmi, cho hay các nhóm ngành, nghề cần lao động bao gồm thương mại điện tử, công nghệ thông tin (lập trình, thiết kế web), tư vấn trực tuyến, marketing, dịch vụ giao hàng, dệt may, công nghệ tài chính (Fintech), giải trí trực tuyến... Đối với các lĩnh vực, ngành liên quan đến hoạt động dịch vụ, phục vụ nhỏ lẻ trong công nghiệp, thương mại, nông nghiệp (sửa chữa, xây dựng, dịch vụ mùa vụ, vệ sinh môi trường, chế biến…) sẽ có khả năng phát triển theo hướng việc làm ngắn hạn tạm thời cho những việc làm đang bị cắt giảm ở những hoạt động lớn.
Theo Anphabe, Covid-19 sẽ qua đi nhưng nhiều thay đổi do dịch bệnh tạo ra sẽ vẫn ở lại. Trong đó, xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà sẽ được nhiều DN cân nhắc áp dụng. Các chuyển đổi nguồn nhân lực từ nhân sự cố định sang tận dụng các nguồn lực chia sẻ (freelance, nhân sự bán thời gian…) sẽ ngày càng phổ biến. Các phương thức tưởng thưởng thay đổi theo hướng giảm chi phí cố định sẽ được ưu tiên hơn. Trong bối cảnh đó, DN cần tối ưu hóa nguồn nhân lực và cách làm việc mới, tiếp tục tận dụng các nền tảng số để đảm bảo sự mượt mà trong vận hành và gắn kết sâu trong tổ chức sẽ là yếu tố tiên quyết.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe, nhận định hậu Covid-19, bên cạnh những thay đổi về mô hình kinh doanh, cách thức làm việc thì những kỹ năng mới cũng được hình thành và sẽ quyết định sự “sống còn” của mỗi người đi làm, trong đó chắc chắn có năng lực sử dụng thuần thục các nền tảng công nghệ phổ biến (digital literacy).
Trong khi các DN đang liên tục thuyên chuyển hoặc tinh giảm nhân sự theo lộ trình, về phía người lao động, nếu không tập trung phát triển khả năng “đa nhiệm”, ví dụ như nhân viên chăm sóc khách hàng cũng phải biết bán hàng, nhân viên bán hàng có hiểu biết về marketing, nếu không sẵn sàng tinh thần “một người làm bằng hai” để tạo ra nhiều giá trị rõ ràng hơn, thì rủi ro bị đào thải với họ là rất lớn.
Để trợ giúp người lao động khó khăn khi tìm kiếm việc làm mới trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng sụt giảm, Công ty Navigos Search đã có chiến dịch “Career Support - Hỗ trợ sự nghiệp” cho người lao động trong thời điểm dịch Covid-19. Việc hỗ trợ dự kiến kéo dài đến hết tháng 5-2020, với mục tiêu hỗ trợ nhanh nhất cho mọi người lao động gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ hội mới.