Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) vừa qua đã bày tỏ quan ngại về việc xuất khẩu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ gặp nhiều trắc trở trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu kém sắc. Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế lại lạc quan về nền kinh tế số 1 thế giới, tin tưởng Hoa Kỳ không bị tác động bởi những diễn biến kinh tế tiêu cực từ bên ngoài.
Nhiều thập niên qua, Công ty Air Tractor có trụ sở tại bang Texas, Hoa Kỳ nổi tiếng về sản xuất máy bay sử dụng cho nông nghiệp như chữa cháy hay phun thuốc trừ sâu. Thị trường tiêu thụ chính sản phẩm của Air Tractor là các quốc gia Địa Trung Hải như Italia, Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của Air Tractor David Ickert cho biết doanh số bán hàng tại thị trường chính của công ty bị sụt giảm trong thời gian qua trong bối cảnh nền kinh tế lục địa già tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đây không phải là chuyện riêng của Air Tractor. FED đã nhấn mạnh đến đến yếu tố “sự phát triển của kinh tế thế giới” tác động đối với các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Hoa Kỳ.
Theo đó, Khu vực đồng tiền chung châu Âu ngày càng tiến gần tới giảm phát, căng thẳng giữa Hy Lạp và chủ nợ, các ngân hàng trung ương từ Ấn Độ, Canada cho tới Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch đều cắt giảm lãi suất do tăng trưởng ì ạch... đều đang tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ.
Việc xuất khẩu của Hoa Kỳ gặp khó, một phần còn bởi USD tăng giá trong những tháng gần đây làm mất đi sự cạnh tranh của các sản phẩm “Made in USA”. Các tập đoàn, công ty lớn của Hoa Kỳ như Microsoft, Procter & Gamble và DuPont đều có kết quả kinh doanh đáng thất vọng.
Tuy nhiên, không ít các chuyên gia kinh tế lại cho rằng với việc kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 13% GDP, Hoa Kỳ không cần phải quá lo ngại về việc xuất khẩu sụt giảm. So với các quốc gia khác như Đức hay Thụy Điển khi xuất khẩu chiếm 40% GDP, con số 13% của Hoa Kỳ thật sự còn khiêm tốn. Còn về cảnh báo khủng hoảng tài chính có thể lan rộng trên quy mô toàn cầu, giới quan sát cũng tin rằng Hoa Kỳ sẽ khó bị tác động bởi những khủng hoảng từ hải ngoại.
“Có một thực tế, Hoa Kỳ ít phụ thuộc vào hải ngoại, trong khi các nước phải dựa vào Hoa Kỳ” - Torsten Slok, kinh tế trưởng Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bank), nhận định.
Xuất khẩu chỉ đóng góp 13% GDP của Hoa Kỳ. |
Trong khi đó, Richard Fisher, người đứng đầu FED chi nhánh tại Dallas lại cho rằng USD tăng giá là tín hiệu mừng cho thị trường lao động Hoa Kỳ. Theo ông Fisher, khi dòng tiền đổ về Hoa Kỳ ngày càng nhiều, các công ty vừa và nhỏ sẽ tăng cường thuê lao động Hoa Kỳ. Điều này giúp thu nhập người dân tăng lên, qua đó sẽ kích cầu tiêu dùng.
Các nhà kinh tế của Công ty Tài chính Pháp Société Générale lưu ý đến giá dầu (được tính bằng USD) giảm thời gian quá giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ được dùng hàng hóa với giá rẻ hơn. Những chuyên gia trên cũng cho rằng giá dầu nếu ổn định ở mức 45USD/thùng sẽ tạo ra hơn 1 triệu việc làm cho Hoa Kỳ.
Câu hỏi lớn nhất lúc này, theo giới quan sát, là liệu tốc độ tăng lương ở khu vực tư nhân trong thời gian tới có bật lên so với tốc độ tăng 2,2% trong quý IV-2014 hay không. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ giúp Hoa Kỳ tránh sụt giảm lạm phát vào thời điểm không ít các quốc gia trên thế giới đang phải đương đầu với bóng ma giảm phát.