Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải quyết vấn đề này không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn có sự chung sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Những tác động tiêu cực của Covid-19 đã làm hàng loạt doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh không còn trụ được trên thương trường. Đến nay 86% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, 90% người lao động bị giảm thu nhập. Tính đến quý II vừa qua, lực lượng lao động đã giảm 2,4 triệu việc làm. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua… Thực tế này, đang đòi hỏi doanh nghiệp cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nhanh hơn để không bị “gục ngã”.
Chia sẻ về sự thay đổi cấu trúc kinh doanh của doanh nghiệp, ông Dương Viết Lĩnh, Phòng kinh doanh, Công ty TNHH Một thành viên 176 cho biết, khi Covid-19 xảy ra, hoạt động xuất khẩu đã bị tạm ngưng. Do đó, để tận dụng cơ sở máy móc, nhân công, doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất khẩu trang, thiết bị bảo hộ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, kết quả kinh doanh của công ty chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
"Trong khi các bạn hàng tạm thời chưa có nhu cầu sử dụng các sản phẩm, mặt hàng xuất khẩu, chúng tôi có dây chuyền sản xuất sản phẩm phục vụ cho vấn đề về y tế, phòng dịch, và đã phát huy được điều đó, đồng thời tạo công ăn việc làm cho anh em lấp đầy vào chỗ mà bị thiếu hụt trong vấn đề hàng xuất khẩu. Chúng tôi mong muốn có chính sách để giải ngân cho các doanh nghiệp được hưởng sớm nhất, tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ để phục hồi nền kinh tế" - ông Lĩnh chia sẻ.
Liên quan đến thị trường hàng hóa tiêu dùng, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho hay, người tiêu dùng có những thay đổi về kênh mua sắm cũng như ngành hàng, vật phẩm. Theo kết quả điều tra của Nielsen, 65% người tiêu dùng được hỏi sẵn sàng chi nhiều hơn cho sản phẩm chất lượng tốt và đảm bảo sức khỏe, 59% khách hàng mua hàng tiêu dùng nội địa. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh về kênh phân phối, thâm nhập vào đúng thị trường mục tiêu, xác định mức giá phù hợp cũng như đưa ra các chương trình khuyến mãi hiệu quả…
Theo ông Hà: "Bên nào chiếm được kênh phân phối thì bên đó sẽ thắng lợi trong việc tiếp cận được với người tiêu dùng. Vậy chúng ta cần phải tập trung vào những nơi mà cần ưu tiên để phát triển. Nên suy nghĩ và câu chuyện là phát triển thương hiệu".
Còn theo các chuyên gia kinh tế, để giúp các doanh nghiệp phục hồi, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp, gói hỗ trợ đã được Chính phủ đề ra, nhất là những giải pháp về hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, phí đối với doanh nghiệp. Tiếp tục xem xét thực hiện các gói kích thích kinh tế mới phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh cần gắn với thâm nhập thị trường mục tiêu trong và ngoài nước.
Ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán PwC Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp phải xem xét thực hiện chiến lược kỹ thuật số để tăng cường năng lực và tối ưu hóa các quy trình nội bộ. Đồng thời, xác định các giao dịch, thương vụ và liên kết chúng với tầm nhìn dài hạn; duy trì cơ sở tài chính vững mạnh trong khi cân nhắc các nguồn vốn khác…
Ông Hoàng Đức Hùng nêu ý kiến: "Cho đến thời điểm này, điều quan trọng mà Việt Nam cần có từ các cơ quan quản lý nhà nước là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể chuyển đổi được những mô hình kinh doanh một cách hiệu quả nhất. Cụ thể là mô hình kinh doanh liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số họ có được những hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh của chuỗi cung ứng nội địa của Việt Nam".
Rõ ràng, sự dịch chuyển và chuyển đổi trong xu thế mới là cần thiết khi bối cảnh kinh tế đã có nhiều thay đổi vì dịch Covid-19. Chỉ có chủ động thì doanh nghiệp mới có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ trong bối cảnh hiện nay.