Doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, khách sạn 5 sao tại TPHCM cũng điêu đứng vì Covid-19

(ĐTTCO) - 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound tại TPHCM đã tạm ngưng hoạt động. Các khách sạn 4-5 sao cũng điêu đứng vì Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay.
hơn 50% khách sạn 3 sao đã tạm ngưng hoạt động, nhóm khách sạn 4-5 sao đang hoạt động cầm chừng. Ảnh: H. Minh.
hơn 50% khách sạn 3 sao đã tạm ngưng hoạt động, nhóm khách sạn 4-5 sao đang hoạt động cầm chừng. Ảnh: H. Minh.

Doanh nghiệp lữ hành giải tán, khách sạn cầm cự

Theo thống kê mới nhất của Sở Du lịch TPHCM, tại thành phố chỉ còn khoảng 50% số doanh nghiệp lữ hành hoạt động. Đáng chú ý, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound (đưa khách nước ngoài đến Việt Nam) đã tạm ngưng hoạt động.

Số liệu của Sở Du lịch cho biết từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 5-2021, có 171 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và lữ hành quốc nội rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Một số doanh nghiệp vốn tư nhân lớn còn cầm cự hiện chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp khác dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động. Doanh nghiệp còn hoạt động cắt giảm 50-80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.

Với khách sạn, lượng khách giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành. Rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.

Sở Du lịch TPHCM cho biết thêm qua thống kê, hơn 50% khách sạn 3 sao đã tạm ngưng hoạt động, nhóm khách sạn 4-5 sao đang hoạt động cầm chừng. Doanh thu lưu trú khách sạn 4 sao giảm hơn 70%, doanh thu dịch vụ ăn uống, hội nghị giảm hơn 75%, số lao động giảm hơn 50%.

Riêng khách sạn 5 sao, doanh thu từ hoạt động lưu trú giảm hơn 80%, dịch vụ ăn uống giảm hơn 60%, số lượng lao động giảm hơn 40%.

Các đơn vị vận chuyển du lịch gần như ngưng hoàn toàn vì dịch bệnh Covid-19 trong 5 tháng đầu 2020. Từ tháng 5-2020 đến nay, các đơn vị vận chuyển du lịch bắt đầu mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân, nhưng không đủ lượng khách để duy trì hoạt động và tiếp tục dừng từ cuối tháng 4 đến nay. Theo thống kê, tình hình kinh doanh của các đơn vị vận chuyển giảm từ 60-80%.

Hiện nay, nhằm duy trì hoạt động, nhiều đơn vị vận tải khách du lịch buộc phải bán bớt phương tiện vận chuyển, để trả nợ ngân hàng, chi phí bảo dưỡng, kiểm định, lương tài xế... Một số chuyển đổi hình thức hoạt động vận chuyển công nhân cho các xí nghiệp, nhà máy, công ty, đối tượng đi cách ly, nhằm duy trì trong giai đoạn hiện nay.

Doanh nghiệp cần vay không lãi suất trả lương người lao động

Doanh nghiệp lữ hành đóng cửa, khách sạn 5 sao tại TPHCM cũng điêu đứng vì Covid-19 ảnh 1 Theo thống kê, tình hình kinh doanh của các đơn vị vận chuyển du lịch trên địa bàn TP giảm từ 60-80%. Ảnh: H. Minh.
Sở Du lịch TPHCM đã có văn bản đề xuất UBND TP xem xét, trình HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách TP ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TPHCM hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch (không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để trả lương cho người lao động.

Theo tính toán, TPHCM hiện có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với đề xuất gói vay không lãi suất để các doanh nghiệp còn hoạt động trả lương cho người lao động, số tiền dự kiến gần 209 tỷ đồng. Thời gian hỗ trợ trong 3 tháng.

Sở Du lịch TPHCM cũng đề xuất có chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kích cầu sau khi dịch được kiểm soát.

Cụ thể, Sở đề xuất miễn phí vào 5 điểm tham quan: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Khu di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi, cho khách du lịch vào mùa du lịch cuối năm (từ tháng 8 đến hết năm 2021).

Hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho các đối tượng là người lao động và chi phí thường xuyên chi từ nguồn thu vé tham quan tại 5 đơn vị này. Tổng chi phí các khoản này khoảng 21,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 5 tháng.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM - bà Nguyễn Thị Khánh, cũng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành, kiến nghị nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

Theo Hiệp hội Du lịch TPHCM, các ưu đãi doanh nghiệp du lịch đang cần hiện nay là được giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu; thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Các tin khác