Theo thống kê của Sở Du lịch đến thời điểm hiện nay có khoảng 90-95% các DN lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít DN còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng. Nhân viên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không lương đến khi hết dịch Covid-19 sẽ đi làm lại.
Đối với hoạt động cơ sở lưu trú, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng các đơn đặt phòng trong tháng 7 và tháng 8 tại các khách sạn đa số bị huỷ, các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng (quy mô 30 khách trở lên) cũng bị huỷ.
Điều này một lần nữa ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tình hình nhân sự của các khách sạn, một số khách sạn bắt đầu thực hiện tinh giảm biên chế, chia ca làm việc 2-3 ngày trong tuần. Công suất phòng hiện nay giảm 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ.
Hiện nay các DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ: Do không có tài sản thế chấp nên DN khó tiếp cận gói vay tín chấp của ngân hàng. Hầu hết người lao động và DN lữ hành chưa tiếp cận được gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Sở Du lịch TPHCM kiến nghị Bộ VHTTDL triển khai các nhóm giải pháp theo 2 kịch bản nhằm hỗ trơ DN trong thời gian tới.
Kịch bản 1: trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong tháng 9-2020 tiến hành một số giải pháp như sau. Tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các DN lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan để có những sản phẩm mới hấp dẫn và cạnh tranh.
Đẩy mạnh công tác truyên truyền để DN du lịch và du khách đảm bảo các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch bệnh và đảm bảo sức khoẻ cho người dân, du khách khi tham gia du lịch. Tiếp tục rà soát đề xuất các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ và các bộ ngành.
Kịch bản 2: trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết quý IV-2020, bên cạnh các nhóm giải pháp trên sẽ tập trung nhóm giải pháp tái cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực trong ngành du lịch, hỗ trợ DN tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.
Trên cơ sở các kịch bản, Sở Du lịch đề xuất Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ một số nội dung trọng tâm hỗ trợ DN:
Kiến nghị Chính phủ có giải pháp thiết thực, cụ thể để tạo điều kiện cho DN du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành tham mưu chính sách hỗ trợ cho DN kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng năm 2020 trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng. Giảm 50% thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN chỉ đạo các NHTM hỗ trợ DN vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành du lịch để chuẩn bị sẵn sàng lực lượng lao động nhằm tái khởi động ngành khi dịch bệnh được khống chế.