Tuy nhiên, điều doanh nghiệp đang trông chờ là cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn thực thi cụ thể về chuyển đổi xanh, nhất là đối với các quy định về EPR – có nghĩa là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ để bảo vệ môi trường.
Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, giá các sản phẩm có bao bì sẽ cộng thêm chi phí tái chế. Theo ước tính, ở Việt Nam, chỉ với 3 loại bao bì là kim loại, nhựa và giấy, đóng góp tái chế xấp xỉ 6.000 tỷ đồng một năm. Tổng cộng phí này lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, sẽ là gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong khi đó, quy định sử dụng quỹ đóng góp này như thế nào vẫn chưa có, dẫn tới hiệu quả thực sự với môi trường chưa rõ. Nghị quyết số 02 năm 2024 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết 3 vướng mắc về quy định và thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, gửi kế hoạch thực hiện lên Chính phủ trước ngày 20/1/2024. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng Ban thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - Euro Cham nêu kỳ vọng: “Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng EuCham kiến nghị công tác xây dựng pháp luật cần tuân thủ đúng luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, là có đánh giá tác động đầy đủ và cụ thể, như nhóm hưởng lợi ích trong EPR là các nhà tái chế, bị tác động là toàn thể doanh nghiệp Việt Nam.
Điểm nữa là văn bản cấp dưới không quy định ngoài hoặc trái lại văn bản cấp trên. Lưu ý vấn đề thực thi là cơ quan quản lý ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn. Đồng thời mong các doanh nghiệp chủ động tham gia bảo vệ môi trường, cùng phát triển kinh tế”.