Theo ông Bông Hoa Việt, thành viên Tiểu ban Quan hệ nhà đầu tư, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), khoảng 90% nguyên liệu hạt nhựa của Công ty sử dụng là PVC. Giá PVC sau khi chạm đáy vào tháng 5/2020 đã tăng liên tục đến tháng 2/2021 do thiếu hụt nguồn cung và giá vận chuyển tăng cao.
Vào nửa đầu tháng 2-2021, giá PVC trên thế giới có dấu hiệu giảm nhiệt do các nguồn cung thiếu hụt trước đó được khắc phục phần nào, nhưng ngay sau đó có một đợt thiên tai giá lạnh tại bang Texas (Mỹ), ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hoá dầu và chất dẻo nước này, dẫn tới giá PVC tiếp tục tăng.
Giữa tháng 4-2021, sau khi khắc phục sự cố tắc nghẽn giao thông tại kênh đào Suez và các nhà máy hoá dầu khôi phục công suất, giá hạt nhựa PVC bắt đầu tăng chậm lại, hiện dao động ở vùng đỉnh. Từ tháng 2-2021 tới nay, BMP đã tăng giá bán sản phẩm nhựa 2 lần, tổng cộng hơn 14%.
Được biết, giá vốn hàng bán của BMP năm 2020 chiếm 73,4% tổng doanh thu; tỷ lệ này quý I-2021 là 82,1%, trong đó giá vốn chủ yếu là giá hạt nhựa. Giá PVC ở mức cao làm giảm biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Trong quý I/2021, biên lợi nhuận gộp của BMP giảm còn 17,9% so với mức 24,1% của cùng kỳ năm 2020, thấp nhất từ khi niêm yết năm 2006.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) có biên lợi nhuận tăng. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 30,9% năm 2020 lên 32,9% trong quý I-2021.
Báo cáo tài chính của NTP cho thấy, doanh nghiệp liên tục sử dụng hàng tồn kho, năm 2019 tồn kho là 1.073,7 tỷ đồng thì năm 2020 giảm còn 644,1 tỷ đồng và quý I-2021 là 572,9 tỷ đồng. Sự sụt giảm hàng tồn kho chủ yếu do doanh nghiệp giảm nguyên vật liệu, hàng hoá mua trên đường.
Như vậy, nhiều khả năng tận dụng giá thị trường tăng, NTP đã đẩy mạnh sử dụng tồn kho có sẵn và chờ giá nguyên liệu giảm sẽ mua trở lại, nên chưa chịu tác động nhiều từ “cơn bão” nguyên liệu gần đây (trong khi đó, một số doanh nghiệp thép gia tăng tích trữ tồn kho nhằm hưởng lợi từ xu hướng giá ngày một tăng).
Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua, tồn kho đã giảm 500,8 tỷ đồng, từ 1.073,7 tỷ đồng về còn 572,9 tỷ đồng, chiếm 13,2% tổng tài sản. Lượng tồn kho nguyên liệu giảm mạnh, nếu giá tiếp tục tăng, doanh nghiệp có thể buộc phải mua vào để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trong lĩnh vực thủy sản, chi phí vận tải có xu hướng tăng mạnh đã ảnh hưởng tới biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính của nhiều doanh nghiệp.
Chẳng hạn, hơn 1 năm qua, biên lợi nhuận của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) liên tục giảm từ 14,4% về còn 7,5%. Tỷ lệ này tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC) giảm từ 3,6% xuống 0,8%, tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) giảm từ 6,4% xuống 3%, tại Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) giảm từ 18% xuống 12,5%, tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia - IDI (IDI) giảm từ 5,9% xuống 4,9%.
Công ty cổ phần Pin ắc quy Miền Nam (PAC) cũng vậy, giai đoạn 2019 - quý I-2021, biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính giảm từ 7% về 6%, biên lợi nhuận gộp giảm từ 15% về 14,2%.
PAC cho hay, giá hai nguyên vật liệu chính phục vụ sản xuất của Công ty có diễn biến tăng mạnh từ tháng 10-2020 đến nay, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.