Doanh nghiệp phải bán nhà để có tiền thực hiện 'chuyến bay giải cứu'

(ĐTTCO) - Tự bào chữa trước tòa chiều 20-7, bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty MasterLife, trình bày, sau khi nộp hồ sơ xin cấp chuyến bay, đã có 3/4 bộ đồng ý, duy nhất Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) chưa đồng ý.

Bán hết nhà cửa đầu tư “canh bạc” chuyến bay

Chiều 20-7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục phần tranh tụng. Bị cáo Trần Thị Mai Xa khai, tháng 6-2021, doanh nghiệp của mình lần đầu được cấp “chuyến bay giải cứu”. Đây cũng là lần đầu tiên bị cáo có hành vi vi phạm pháp luật. Về nguyên nhân vi phạm, bị cáo Xa cho biết thời điểm này bị cáo xin 2 chuyến bay, đã được 3/4 bộ chấp thuận, chỉ có A08 có văn bản chưa chấp thuận.

“Lúc đó, bị cáo rất sốt ruột vì doanh nghiệp chưa được cấp phép chuyến bay, bị cáo đã phải bán nhà để mua chuyến bay khác. Song, chỉ còn 2 ngày trước khi tổ chức chuyến bay mà vẫn bị từ chối”, bị cáo Xa nói và cho biết sau đó đã gọi điện sang Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự) thì được trả lời “Có vướng mắc một chút bên Bộ Công an, em sang đó xem như nào”.

Trần Thị Mai Xa sau đó nói, lúc đó rất run bởi vì bản thân như “chim sợ cành cong”, vì bị cáo không còn nhà để bán. Chính vì thế bị cáo lên A08 để gặp Vũ Sĩ Cường (cựu cán bộ A08). Tại đây, Cường cho biết, văn bản xin cấp phép chuyến bay bị từ chối là do “sếp không biết doanh nghiệp của em là ai cả”, đồng thời Cường gợi ý “để giải quyết nhanh, em nên làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì cũng khó lắm”.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa khai tại phiên tòa chiều 20-7

Bị cáo Trần Thị Mai Xa khai tại phiên tòa chiều 20-7

Trần Thị Mai Xa nói, thực sự trong lòng bị cáo rất ấm ức và bị cáo cảm thấy những thứ mình đang làm tốt, theo đúng chủ trương nhân đạo của Nhà nước tại sao lại bị từ chối như vậy. Đứng trước sự lựa chọn như vậy, doanh nghiệp của bị cáo phụ thuộc vào chính quyền và các cơ quan ban ngành để xin được cấp phép. Trước hoàn cảnh đó, bị cáo Mai Xa cho biết, buộc phải tìm mọi cách để xoay tiền, đáp ứng yêu cầu mới được “Ý kiến đồng thuận”.

Cũng theo Trần Thị Mai Xa, đáng lẽ trả lời “Ý kiến đồng thuận” phải là trách nhiệm của các bộ, ngành chứ không phải thẩm quyền của các bị cáo. Chính vì thế bị cáo cảm thấy “rất ấm ức”, vì đáng lẽ ra Cục Lãnh sự phải đứng ra để giải quyết chứ không phải doanh nghiệp giải quyết vướng mắc này.

“Đứng ở đây, bị cáo cảm thấy rất giận Cục Lãnh sự vì đây là cơ quan chủ trì, sao lại để bị cáo đứng đây. Đến ngày hôm nay dẫn đến hàng loạt sai phạm của bị cáo là hành vi đưa tiền cho các cán bộ trong vô thức… Bị cáo đã không cảm nhận được nó, bị cáo không ý thức được điều đó nhưng lần đầu đã đưa rồi thì lần sau cứ thế mà đưa thôi, như một thông lệ. Bị cáo cảm nhận được điều đó. Bị cáo cảm ơn vì đứng ở đây bị cáo được nói những gì mình cảm thấy nặng lòng. Nói ra, bị cáo cảm thấy nhẹ nhàng hơn”, bị cáo Xa nhấn mạnh.

Chủ tọa từ chối để vợ bào chữa cho chồng

Chiều cùng ngày, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Vitrato, trình bày các căn cứ bảo vệ thân chủ, đề nghị tòa xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ. Theo luật sư, nếu tòa không chấp nhận lời đề nghị của luật sư, cũng mong tòa cho bị cáo Tuấn được hưởng án treo, để bị cáo tiếp tục được tham gia và điều hành các công việc mà đang mang lại hiệu quả cho xã hội.

Trần Quốc Tuấn sau đó nói thêm và xin lỗi hội đồng xét xử và viện kiểm sát vì những sai phạm, dù ít, dù nhiều khiến cơ quan công tố đã vất vả thời gian qua. Bị cáo mong xem xét lại nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội. Bị cáo nói, thời điểm dịch bệnh bùng phát, bị cáo nhận được chia sẻ nhiều từ người bạn, người dân ta ở nước ngoài, cho thấy cuộc sống nước ngoài rất khó khăn, nhất là người bị nhiễm bệnh không được ưu tiên.

Bị cáo Tuấn nói, rõ ràng bà con đi lao động cũng như du học sinh gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, bị cáo Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Ngọc, đặt vấn đề giúp đỡ và bị cáo suy nghĩ Chính phủ đã có chủ trương, và nếu giúp được Hồng đưa bà con về an toàn thì đây là việc thiện nguyện.

“Tôi nói Hồng giúp không vì lợi ích kinh tế gì và đề nghị Hồng bảo đảm các lợi ích và điều kiện tốt nhất cho bà con. Sau mỗi chuyến bay, tôi đều điện hỏi thăm rằng bà con về nước như thế nào; hầu hết bà con gửi tin nhắn cảm ơn, Hồng có cho xem các tin nhắn đó. Nhưng lúc đó nhận ra, dù mong muốn tốt đẹp đến đâu mà cách làm của mình sai thì không chối cãi được và phải nhận lỗi. Tôi đã động viên Hồng xem xét trình báo về các chuyến bay”, Trần Quốc Tuấn cho biết và mong hội đồng xét xử thấu hiểu, xem xét cho bị cáo cùng một số bị cáo khác để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Chiều cùng ngày, luật sư Đỗ Nhật Thành, bào chữa cho bị cáo Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra Chính phủ, bị truy tố “Môi giới hối lộ” với số tiền 86.500 USD. Theo luật sư, với thời gian tạm giam gần 8 tháng đối với Ngân đã đủ, không cần tiếp tục cách ly với xã hội. Luật sư đề nghị xem xét hoàn cảnh bị cáo Ngân là người phạm tội lần đầu, đề nghị áp dụng khoản 2, điều 51, Bộ luật Hình sự để coi hoàn cảnh éo le cũng là tình tiết giảm nhẹ. Đề nghị cho hưởng án treo, hoặc tuyên mức án bằng thời gian tạm giam, tuyên trả tự do cho Ngân tại phiên tòa.

Cuối chiều, bà Chu Nguyệt Minh, vợ của bị cáo Ngô Quang Tuấn, cán bộ Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Bộ GTVT, có ý kiến bổ sung làm rõ mục đích, động cơ của chồng. Chủ tọa nói, bị cáo Tuấn hoàn toàn có năng lực trách nhiệm dân sự nên có đủ năng lực để tự bảo vệ, bên cạnh đó, bị cáo còn có luật sư bào chữa, nên ý kiến này của bà Minh không được chấp thuận.

Các tin khác