Sau sự cố cháy tàu cánh ngầm (TCN) Vina Express 01 của CTCP Tàu cao tốc Vina, toàn bộ TCN hoạt động tại TPHCM đã phải ngưng hoạt động hơn 3 tháng để phục vụ công tác kiểm tra, rà soát các điều kiện an toàn kỹ thuật.
Trong thời gian tạm đình chỉ, Bộ Giao thông - Vận tải đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra tại 3 đơn vị, gồm Công ty TNHH Vận tải Quang Hưng, CTCP Dòng sông xanh, CTCP Tàu cao tốc Vina. Kết quả kiểm tra 10 TCN đang hoạt động có 8 chiếc trên 20 tuổi, 1 chiếc 19 tuổi và 1 chiếc 18 tuổi. Có 9 TCN được hoán cải thay máy chính mới. Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra một số lỗi kỹ thuật và khiếm khuyết tại khoang két, thiết bị phục vụ máy, máy bơm, buồng, khoang chở khách; bệ đỡ hệ trục…
![]() |
3 đơn vị trên đã khắc phục xong những nội dung đoàn kiểm tra khuyến cáo, đồng thời đầu tư nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn. Thế nhưng vì “án” tạm đình chỉ còn treo lơ lửng nên tàu của các đơn vị này chưa thể hoạt động trở lại.
Ông Bùi Công Trùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tàu cao tốc Vina, bày tỏ: “Dù ngưng hoạt động, mất doanh thu suốt thời gian qua, công ty vẫn trả chi phí lương, bến bãi mỗi tháng 400-500 triệu đồng. Tình hình này còn kéo dài, đội tàu sẽ nhanh chóng xuống cấp, hàng trăm lao động mất việc làm, việc đầu tư tàu mới thay thế cho đội tàu cũ đang xúc tiến với đối tác sẽ không còn khả năng.
Ông Trần Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quang Hưng, cũng cho biết khi nguồn doanh thu duy nhất từ dịch vụ vận tải TCN 4-4,5 tỷ đồng/tháng bị cắt, tình hình tài chính của công ty hết sức éo le. Hơn 4 tháng qua, công ty phải đi vay để có chi phí sửa chữa, nâng cấp theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, đồng thời trang trải chi phí văn phòng, bến bãi, tiền lương cho cán bộ - công nhân viên.
Theo các doanh nghiệp, đến nay chưa có quyết định chính thức nào cấm chạy TCN mà chỉ có thông báo tạm đình chỉ làm thủ tục xuất bến và thông báo này không ghi thời hạn. Vì vậy, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, các doanh nghiệp cho rằng sự cố cháy tàu cũng giống như tai nạn giao thông khác. Việc không cho các công ty TCN tiếp tục hoạt động đã gây tổn thất lớn đối với doanh nghiệp và người lao động.
Theo luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Công ty Luật Nguyên Giáp, khi xảy ra sự cố cháy TCN, việc cơ quan chức năng ra quyết định tạm đình chỉ để kiểm tra là đúng. Mục đích nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách sử dụng dịch vụ đi lại bằng TCN. Đây là quyết định hành chính nên cần đưa ra kế hoạch, thời hạn khắc phục sai phạm, kèm theo các chế tài xử phạt (nếu có) dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền. Nếu doanh nghiệp đã khắc phục sự cố, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình phải gỡ bỏ quyết định tạm đình chỉ, hoặc có câu trả lời cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, trừ khi có chủ trương cấm hẳn dịch vụ TCN trên tuyến này.
Cần nói thêm, pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động của TCN còn nhiều bất cập. Đơn cử, chúng ta chưa có quy định nào về niên hạn sử dụng tàu, sử dụng trong bao lâu phải thanh lý mà dựa vào kết quả kiểm định và ý kiến của các cơ quan chuyên ngành. Trong khi vấn đề an toàn đối với dịch vụ TCN phụ thuộc rất lớn vào ý thức, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và trách nhiệm giám sát của các cơ quan chuyên ngành.