Doanh nghiệp TP.HCM khôi phục sản xuất còn nhiều khó khăn

(ĐTTCO)- Các doanh nghiệp ở TP.HCM đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các chi phí sản xuất và giá nguyên, nhiên liệu đầu vào đều tăng, thị trường trong nước tiêu thụ còn chậm, một số thị trường xuất khẩu cũng chựng lại.
Doanh nghiệp TP.HCM khôi phục sản xuất còn nhiều khó khăn

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hầu hết doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM đã khôi phục sản xuất kinh doanh. 6 tháng qua, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn ước đạt hơn 728.000 tỷ đồng, tăng hơn 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế thành phố từ giảm sâu ở mức âm đã lấy lại đà tăng trưởng, riêng quý II năm nay tăng hơn 5,7%, gấp đôi quý I, đây là tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, hiện nay các DN đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các chi phí sản xuất và giá nguyên, nhiên liệu đầu vào đều tăng, thị trường trong nước tiêu thụ còn chậm, một số thị trường xuất khẩu cũng chựng lại.

Chi phí sản xuất gia tăng, lợi nhuận doanh nghiệp "teo tóp"

6 tháng qua, Công ty TNHH Tân Quang Minh (Bidrico) chuyên sản xuất các loại nước giải khát đóng chai đạt doanh thu tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, hoạt động sản xuất của DN đã trở lại bình thường như trước dịch bệnh; hơn 540 lao động đã làm việc đông đủ; thị trường tiêu thụ dần ổn định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là chi phí sản xuất bị "đội" lên do giá nguyên, nhiên liệu, chi phí lao động đều tăng.

Theo tính toán, chi phí đầu vào tăng 28% nhưng DN chỉ điều chỉnh tăng 8%, không thể tăng tương đương với mức tăng của giá thành vì sẽ mất khách. Trong khi đó, lương cho người lao động tăng thêm 7%, một số chí phí sản xuất khác cũng tăng 5%, khiến cho lợi nhuận ngày càng "teo tóp".

Ông Đặng Văn Hiến, Tổng Giám đốc Bidrico chia sẻ, trước khó khăn này, thay vì nhập nước cốt cam, táo, một số chất chiết xuất từ châu Âu và Trung Đông đã chuyển sang tìm nguồn cung trong nước để tiết giảm chi phí.

“Một trong những yếu tố sống còn của DN là cân nhắc, tiết giảm tất cả các chi phí trong các khâu sản xuất, sắp xếp lại nguồn lao động, thời gian sản xuất cho hợp lý. Đặc biệt, DN tính toán các mẻ sản xuất tối ưu để chi phí sản xuất thấp, đặc biệt tất cả các khấu hao cũng được cắt giảm hết để có giá thành hợp lý hơn trong điều kiện khó khăn”, ông Hiến cho biết.

Nhiều thị trường xuất khẩu dự báo sức mua giảm

Đối với ngành nhựa, cao su trong 6 tháng qua tình hình xuất khẩu khá tốt, nhiều DN lớn ở TP.HCM có mức tăng trưởng từ 10-15%, riêng các DN xuất khẩu lốp xe tăng trưởng 29%. Tuy nhiên, theo dự báo, những tháng cuối năm thị trường xuất khẩu sẽ khó khăn, cụ thể là tại Mỹ và châu Âu khiến sức mua đang chậm lại do ảnh hưởng lạm phát, các đơn hàng về lốp xe, các loại đồ chơi bằng nhựa, sản phẩm cao su kỹ thuật, nhựa gia dụng… cũng giảm.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNNHH cao su Minh Đức, Chủ tịch Hội cao su-nhựa TP.HCM cho biết, 6 tháng qua, các DN xuất khẩu sản phẩm cao su tăng 15%. Tuy nhiên, những đơn hàng này thời gian tới cũng khó khăn hơn do ảnh hưởng lạm phát, sức mua giảm. Đồng thời, giá nguyên liệu cao su tổng hợp nhập khẩu đã tăng 30%, chi phí logistics cũng tăng rất cao.

“Đớn hàng từ thị trường Mỹ và châu Âu đang giảm và hàng tồn kho đang nhiều. Một số đơn hàng trước đây ký kết đã chậm ngày giao hàng và giảm đơn hàng. Thị trường Mỹ cũng bất định, chưa biết thế nào do lạm phát, sức mua, hàng tồn kho tại quốc gia này đang khó kiểm soát”, ông Quốc Anh cho biết.

Thêm một khó khăn mà nhiều DN tại TP.HCM đang phải “gồng mình” là lãi suất cho vay của một số ngân hàng đã tăng từ 0,5-1,0%/năm. Với mức lãi suất này, nếu vay từ 7,5% - 8,5%/năm, DN rất khó có lợi nhuận và cũng không dám vay tiếp để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trước thực trạng đó, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM kiến nghị thành phố đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%,, giải quyết nhanh hơn thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN và sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ chương trình kích cầu của thành phố.

“Mục đích của gói hỗ trợ để cho DN phát triển, nhưng thời gian triển khai chậm làm cho sự phát triển của DN chậm theo và bị hạn chế. Gói hỗ trợ 2% lãi suất cho DN chưa tiếp cận được, trong khi lãi suất cho vay của ngân hàng đã tăng. Các chính sách của Chính phủ đưa ra làm sao cho tiến trình thực thi phải nhanh nhất, hiện nay tất cả tiến trình rất chậm nên hiệu quả mang lại từ chính sách giảm đi rất nhiều, làm cho đối tượng được thụ hưởng từ chính sách giảm khả năng phục hồi”, ông Tống bày tỏ.

doanh nghiep tp.hcm khoi phuc san xuat con nhieu kho khan hinh anh 2
Các DN mở rộng giới thiệu sản phẩm tại thị trường trong nước.

Các chính sách hỗ trợ cần nhanh và kịp thời

Để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh nhanh, hiệu quả, UBND TP.HCM giao cho các các sở, ngành, cơ quan chức năng rà soát các vướng mắc thời gian qua để tập trung tháo gỡ. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cần làm tốt công tác phối hợp, khi tiến trình đồng bộ hơn thì thủ tục "chạy" nhanh hơn.  

“Các quận, huyện cần rà sóat lại để tăng cường các giải quyết những vấn đề tồn đọng. Từng địa phương, cơ quan phải rà soát để có giải pháp giải quyết. Hiện nay, thủ tục tại các quận, huyện, Sở, ngành tương đối thông thoáng, nhưng nó tắc ở các chuyên viên, tắc ở cấp phòng nên đề nghị kiểm tra lại các quy trình này cho thông suốt”, ông Mãi chỉ ra.

Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phục hồi, tạo đà tăng trưởng tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn thách thức đang phải đối mặt, các DN rất cần sự tiếp sức kịp thời để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Các tin khác