Bộ trưởng nhấn mạnh tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.
Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon" lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Theo ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Eurocham Việt Nam, Việt Nam có sự phát triển thương mại rất mạnh mẽ, xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực, sản phẩm đa dạng nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại (FTA) để tăng cường phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một quốc gia bị ảnh hưởng và tổn thương lớn bởi biến đổi khí hậu, do đó Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế xanh, bền vững. Trong khi đó, các FTA mà Việt Nam tham gia, nhất là EVFTA đều có cam kết về phát triển xanh, bền vững; người tiêu dùng EU thích những sản phẩm được sản xuất xanh, bền vững và phía EU cũng thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng xanh, bền vững.
Vậy công nghệ xanh có quá khó với doanh nghiệp Việt Nam hay không. Trả lời câu hỏi này, ông Bartosz Cieleszyski, Phó trưởng Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng công nghệ xanh không vượt ngoài tầm tay của Việt Nam.
Mỗi doanh nghiệp trong cộng đồng kinh doanh của Việt Nam có thể tham gia vào công nghệ xanh và thương mại xanh. Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ các ngành chủ lực xuất khẩu như nông, lâm, ngư nghiệp.
Ngoài ra, các nhà sản xuất Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp cũng có thể tham gia vào xuất khẩu xanh. Các sản phẩm như giày dép và hàng may mặc có thể tham gia chương trình chứng nhận tự nguyện như BCI (Sáng kiến bông tốt hơn) hay GOTS (Tiêu chuẩn dệt may hữu cơ Toàn cầu) và PETA (Chứng nhận bảo vệ động vật).
Những chương trình chứng nhận trên - với việc yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học và tình trạng tốt của đất, quản lý nước bền vững, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, đảm bảo mức lương tối thiểu và trả lương bình đẳng, không có lao động trẻ em và ngược đãi động vật - rất được người tiêu dùng và nhà nhập khẩu EU quan tâm.
Chia sẻ tại diễn đàn lần này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhấn mạnh tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng phát triển mới nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon và phát triển bền vững.
Theo ông Phú, trên toàn cầu nói chung và nhất là ở châu Âu nói riêng, xu hướng tiêu dùng xanh, sạch đã trở thành xu hướng chính thức chứ không còn là một thị trường ngách như trước đây. Dẫn ví dụ cụ thể ông Phú cho biết, nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.
"Thị trường sản phẩm có chứng nhận đã tăng vọt trong 15 năm trở lại đây và nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam không có các chứng nhận mà các thị trường có tiêu chuẩn xanh hay khách hàng có tiêu chuẩn xanh yêu cầu, e rằng 5 năm nữa Việt Nam nói chung và nhiều doanh nghiệp nói riêng không thể xuất khẩu được hàng", ông Phú đánh giá.
Tại diễn đàn nhiều doanh nghiệp như trong ngành thuỷ sản, dệt may... đã chia sẻ những bước chuyển mình của mình trong hoạt động sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu.
Khép lại diễn đàn năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26.
"Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương và cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng, nỗ lực chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.