Áp lực nợ xấu
Tại thời điểm cuối quý I năm nay, giới đầu tư vẫn có cái nhìn hết sức tích cực với ngành xây dựng, khi GDP ngành tăng 2,57%. Đây là quý thứ 2 liên tiếp ngành xây dựng đạt tăng trưởng dương, cho thấy toàn ngành vẫn trên đà hồi phục cùng với nền kinh tế. Thậm chí, nhiều người còn dự báo Chính phủ có những biện pháp cụ thể nhằm tiết chế lạm phát của giá cả vật liệu xây dựng, cùng với đó khi các gói hỗ trợ hồi phục kinh tế dần có được những tác động rõ ràng lên nền kinh tế, ngành xây dựng có thể duy trì được đà tăng này trong các quý tiếp theo.
Theo Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, Chương trình có tổng mức hỗ trợ lên tới 350.000 tỷ đồng, trong đó bổ sung 113.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong không khí hồ hởi ở thời điểm đầu năm, Bộ Xây dựng còn ban hành Chương trình hành động của ngành, với mục tiêu tăng trưởng ngành đạt 5-5,6% trong năm 2022.
Tuy nhiên, hàng loạt biến cố liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các DN BĐS, đã khiến cho mọi kỳ vọng của ngành ở thời điểm đầu năm trở thành nỗi thất vọng lớn. Một lượng không nhỏ DN BĐS dự kiến sẽ đối mặt áp lực tài chính đáng kể khi lượng TP vào giai đoạn đáo hạn (dự kiến từ năm 2023), trong khi việc phát hành đảo nợ gặp khó khăn.
Sự ảm đạm của thị trường BĐS kéo theo sự tụt dốc của ngành xây dựng trong quý III vừa qua, nhất là các DN có liên quan đến các sự cố của ngành. Bởi các khó khăn về tài chính của chủ đầu tư và thời gian triển khai dự án kéo dài, có thể khiến gia tăng đáng kể số dư phải thu và mang đến những rủi ro nhất định về nợ xấu cho các DN xây dựng.
DN mất lãi
DN mất lãi
Lấy dẫn chứng từ DN đầu ngành là CTCP Xây dựng Coteccons (CTD). Theo báo cáo tài chính quý III-2022, doanh thu thuần của CTD tăng hơn 190% so với nền thấp cùng kỳ năm trước, nhờ hoạt động xây dựng đang ấm trở lại sau dịch cùng lượng đơn hàng tồn đọng (backlog) lớn được tích lũy từ năm trước.
Thế nhưng, trong kỳ kinh doanh này, CTD tiếp tục phải trích lập thêm 240 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi đối với công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Với việc trích lập mới này, tổng lũy kế trích lập dự phòng của CTD đối với Tân Hoàng Minh lên 483 tỷ đồng, chiếm 1/2 tổng trích lập dự phòng của CTD.
Việc liên tiếp phải trích lập khoản dự phòng phải thu khó đòi trong 2 quý gần đây, đã không những “bào mòn” hết lợi nhuận mà còn khiến CTD phải chịu lỗ hơn 3 tỷ đồng trong quý III. Dù với lượng backlog trị giá 25.000 tỷ đồng được ký kết trong năm 2021, cùng kết quả kinh doanh cho thấy sự phục hồi của DN, nhưng CTD dường như đang cạnh tranh về giá để đạt được nhiều gói thầu hơn. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp trong kỳ tụt dốc không phanh và gần như làm không lãi (chỉ đạt 1,1%).
Có thể thấy, tình hình kinh doanh của CTD vẫn gặp nhiều khó khăn sau hơn 2 năm DN này “thay máu” bộ máy lãnh đạo cấp cao. Chẳng hạn, việc CTD đã thay đổi chiến lược kinh doanh với việc nhận thầu đa dạng từ nhiều chủ đầu tư khác nhau, cùng chính sách bán hàng “thoải mái” hơn so với CTD dưới thời ông Nguyễn Bá Dương.
Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh này đang đẩy CTD vào cảnh nợ nần nhiều hơn khi nợ vay và các khoản phải thu của DN ngày tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí quản lý DN và giá vốn bán hàng của CTD còn khá cao, do phải thực hiện giải pháp gia tăng chi phí tiền lương để giữ chân nhân tài, đồng thời giá nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh trong khoảng 2 năm vừa qua, khiến biên lợi nhuận chỉ ở mức 2-3% so với mức 4-6% dưới thời lãnh đạo cũ.
Cũng như CTD, các DN xây dựng còn lại cũng gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường BĐS “đóng băng” như hiện nay. Dẫn chứng là trường hợp CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Cú “sẩy chân” của CTD đã tạo cơ hội cho HBC vươn lên trở thành DN đầu ngành.
Cụ thể, HBC đã chuẩn bị kế hoạch giai đoạn phát triển trong 10 năm tới (2022-2032), với định hướng phát triển ra thị trường nước ngoài. Theo đó, đến năm 2032, doanh thu HBC đạt xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, tham vọng này đã phải gặp nhiều trắc trở, từ đợt tăng nóng giá nguyên vật liệu xây dựng do tác động bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, cho đến áp lực đáo hạn TPDN của các chủ đầu tư có liên quan đến HBC.
Cổ phiếu lao dốc
Bối cảnh kinh doanh kém khởi sắc cộng với hàng loạt sự cố của ngành BĐS, đã đẩy nhóm CP xây dựng lao dốc. Đơn cử là mã CTD, nếu lấy mốc giá thời điểm đầu năm là hơn 100.000 đồng so với mức giá hơn 25.000 đồng mới đây, thì mã CP ghi nhận mức giảm hơn 75%. Nhóm CP xây dựng còn lại cũng không khá hơn như: HBC, HTN, HUT, C47, BCE, FCN, CDO, CVN…
Các mã CP này cũng ghi nhận mức giảm tương tự, thậm chí còn mạnh hơn so với mức giảm chung của ngành BĐS. Đó là trường hợp của CDO, lao dốc từ mức giá hơn 8.000 đồng xuống chỉ còn hơn 1.000 đồng, hay CVN giảm từ mức giá hơn 13.000 đồng xuống còn 3.000 đồng.
Trước diễn biến bất lợi của giá CP, mới đây Tổng CTCP Xây dựng Số 1 (CC1) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua hủy bỏ hồ sơ đăng ký niêm yết CP trên HoSE, do lo ngại giá CP bị tác động tiêu cực. HĐQT cho biết sẽ chọn thời điểm thích hợp trong năm nay để triển khai lại việc đăng ký niêm yết CP và thông báo với cổ đông.
Trước đó, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 5, cổ đông đã thông qua phương án chuyển đăng ký giao dịch tại UPCoM sang niêm yết tại HoSE. CC1 có đợt lao dốc mạnh từ mức giá hơn 38.000 đồng xuống chỉ còn hơn 11.000 đồng (tương đương mức giảm 70%).
Hàng loạt biến cố liên quan đến hoạt động phát hành TPDN của các DN BĐS, đã khiến cho mọi kỳ vọng của ngành xây dựng ở thời điểm đầu năm trở thành nỗi thất vọng lớn. |