Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) 9 tháng đạt 165.500 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.540 tỷ đồng, tăng gần 12,8%. Còn doanh số bảo hiểm nhân thọ vẫn đi lùi sau cuộc khủng hoảng vào năm ngoái, khi giảm 6,4% sau 9 tháng, đạt 106.980 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi khoảng 64.070 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 821.240 tỷ đồng, tăng gần 10%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 978.900 tỷ đồng, tăng 9,8%.
Một báo cáo khác của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho thấy thị trường bảo hiểm nhân thọ chưa hết khó khăn khi doanh thu phí khai thác mới của khối này trong 7 tháng đầu năm giảm tới 18,7% so với cùng kỳ, đạt 13.960 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mức này thấp hơn một nửa so với cùng kỳ 2022, thời điểm trước khi xảy ra những biến cố trên thị trường gây sụt giảm niềm tin khách hàng.
Thời gian qua ngành bảo hiểm nhân thọ đối mặt với nhiều thay đổi. Đơn cử Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực từ đầu 2023) và Thông tư 67 đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Bên cạnh đó là các quy định mới như: tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn; các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đạt xuống thấp.