Vùng đáy lợi nhuận
Sabeco thời điểm ban đầu chỉ là một xưởng bia nhỏ được người Pháp thành lập năm 1875 tại Sài Gòn. Đến năm 2016, Sabeco chính thức được niêm yết trên sàn HoSE và hiện là tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam, với thị phần lớn thứ 2, đạt 34%.
Sabeco hiện sở hữu nhiều thương hiệu mạnh như Sài Gòn Special, 333, Sài Gòn Lager và hệ thống phân phối rộng khắp, thông qua các công ty con trên cả nước. Đặc biệt, Sabeco đứng đầu về số lượng nhà máy bia (26 nhà máy) với công suất 2,4 tỷ lít/năm, và 11 công ty thương mại phụ trách hơn 600 nhà phân phối, vượt trội hơn hẳn Heniken với chỉ 6 nhà máy bia và 8 văn phòng bán hàng.
Dù sở hữu nhiều lợi thế, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của Sabeco lao dốc mạnh. Kết quả kinh doanh yếu kém của Sabeco đến từ các nguyên nhân như: chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu của người dân giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn; tiêu thụ giảm khi siết chặt Nghị định 100/2019/NĐ-CP; tỷ lệ chi tiêu cho bán hàng/doanh thu tăng để gia tăng nhận diện và bảo vệ thị phần; sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu giá cao được chốt trước từ năm 2022.
Năm 2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.461 tỷ đồng (giảm 12,9%), lợi nhuận sau thuế đạt 4.255 tỷ đồng (giảm 22,6%). Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất của Sabeco, tính từ quý IV-2021. Xét trên cả năm, doanh thu và lợi nhuận năm 2023 của Sabeco thấp hơn năm 2016, thời điểm Sabeco vẫn chưa thuộc về người Thái.
Năm 2017, đánh dấu một cột mốc lịch sử của Sabeco, khi ThaiBev thâu tóm thành công Sabeco với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD thông qua Vietnam Beverage. Đây là thương vụ kỷ lục của ngành bia châu Á được thực hiện tính đến thời điểm đó. Sau thâu tóm, Sabeco tiếp tục tăng trưởng và đạt doanh thu lên đến 37.999 tỷ đồng vào năm 2019, trước khi chịu tác động của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100.
Cổ phiếu lao dốc
Kết quả kinh doanh kém khả quan cũng chính là nguyên nhân khiến cho cổ phiếu SAB giảm “cắm đầu”. Giữa tháng 4 vừa qua, có thời điểm SAB giảm xuống sát mốc 52.000 đồng. Đây là mức giá thấp nhất trong lịch sử giao dịch của doanh nghiệp này.
Đặc biệt, nếu so với mức giá 320.000 đồng mà Thaibev mua vào năm 2017 từ đợt thoái vốn của Bộ Công Thương, thì đây là khoản đầu tư thất bại của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Theo ước tính, thời điểm đó tỷ phú Thái đã bỏ ra khoảng 4,8 tỷ USD để mua 343,6 triệu cổ phiếu SAB từ Bộ Công Thương, và hiện đang tạm lỗ khoảng 3,5 tỷ USD sau gần 7 năm.
So sánh trên có thể hơi “khập khiễng”, bởi tỷ phú Thái đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam, qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. Vì thế, việc tạm lỗ với khoản đầu tư này không phải là vấn đề quá lớn.
Theo Nikkei, trong một cuộc họp báo tại Thái Lan vào tháng 9-2022, đại diện lãnh đạo của ThaiBev chia sẻ, Sabeco là “viên ngọc quý”, một tài sản hiếm có trong số những nhà sản xuất bia ở khu vực Đông Nam Á. Thực tế, con số lỗ của tỷ phú Thái Lan đã phần nào được giảm nhẹ với số tiền nhận được từ cổ tức tiền mặt được Sabeco đều đặn trả cho cổ đông. Ước tính từ năm 2017 đến nay, Thaibev đã nhận được gần 9.300 tỷ đồng (tương đương 360 triệu USD) cổ tức từ Sabeco.
Tín hiệu hồi phục chưa rõ ràng
Theo báo cáo tài chính quý I, doanh thu thuần của Sabeco đạt 7.180 tỷ đồng (tăng 15,6%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.020 tỷ đồng (tăng 2%). Với kết quả này, SAB đã kết thúc xu hướng giảm lợi nhuận kể từ quý III-2022. Một trong những yếu tố giúp cho Sabeco ghi nhận mức tăng trưởng dương đến từ doanh thu trong dịp Tết Nguyên đán, được ghi nhận hết vào 2 tháng đầu năm.
Ngoài hiệu ứng Tết đến muộn, thì tăng trưởng doanh thu cũng đến từ cả sản lượng tiêu thụ cao hơn và giá bán bình quân tăng nhẹ. Sản lượng tiệu thụ bia của Việt Nam đã tăng 3% sau nhiều tháng sụt giảm mang lại dấu hiệu ban đầu cho phục hồi của ngành.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của Sabeco vẫn ở mức thấp do chi phí đầu vào cao. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp trong quý I-2024 thấp hơn 160 điểm cơ bản so với cùng kỳ, và thấp hơn 60 điểm cơ bản so với năm 2023. Từ thực tế này, lãnh đạo Sabeco đã nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm đẩy biên lợi nhuận gộp năm 2024 cao hơn mức 29,8% của năm trước.
Bên cạnh đó, Sabeco cũng thực thi chính sách cắt giảm chi phí quảng cáo và khuyến mại thấp thấp nhất kể từ quý I-2022. Dù vậy, trong bối cảnh cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài vẫn diễn ra gay gắt, chính sách thắt chặt quảng cáo và khuyến mại của Sabeco có thể khiến doanh thu sụt giảm, từ đó ảnh hưởng đến nỗ lực cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù Sabeco nhận thấy tín hiệu tích cực về doanh thu, nhưng theo nhận định của giới phân tích, vẫn còn quá sớm để khẳng định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã qua đáy. Trên thực tế, doanh thu trung bình trong giai đoạn từ quý IV-2023 đến quý I-2024 vẫn thấp hơn con số quý IV-2022 đến quý I-2023 (giảm 3,3%).
Nguyên nhân là do việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn giờ đây đã trở thành thông lệ, làm tăng chi phí liên quan đến việc tiêu thụ rượu. Điều này có thể tạo ra hành vi tiêu dùng mới và cản trở sự phục hồi của thị trường bia trong nước.
Hơn nữa, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới vẫn đang được xem xét, có khả năng làm tăng giá bán sản phẩm khi áp dụng, hoặc ít nhất có thể gây khó khăn cho các hãng bia trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận, nếu muốn giữ giá bán ổn định.
Dù sở hữu hệ thống nhà máy và mạng lưới phân phối trải rộng trên cả nước, nhưng thị phần của Sabeco bắt đầu bị thu hẹp từ năm 2019 trước sự bành trướng của Hãng bia Heniken.