Nhà thơ Quang Dũng tên thật Bùi Đình Diệm, sinh ra ở thôn Phùng, xã Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Mảnh đất ấy vốn thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, nên trong thơ Quang Dũng không ít lần ngậm ngùi cố hương “sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc” hoặc “Nhớ Sơn Tây hơn một mối tình”. Ông lấy họ mẹ để làm bí danh Trần Quang Dũng, rồi hình thành luôn bút danh Quang Dũng. Lẽ ra, nhà thơ Quang Dũng cũng có thể được xếp vào hàng thi nhân tiền chiến, bởi ông làm thơ từ rất sớm. Năm 1937, nhà thơ Quang Dũng xuất hiện lần đầu tiên với bài thơ “Chiêu Quân” mang phong cách hoài cổ: “Đây Nhạn Môn quan đường ải vắng/ Trường thành xa lắm Hán Vương ơi/ Chiêu Quân che khép mền chiên bạch/ Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi”.
Trước năm 1945, nhà thơ Quang Dũng cũng có nhiều bài thơ gần gũi với phong cách Thơ Mới như bài thơ “Cố quận” viết năm 1940: “Người ơi, quê cũ đèn hoe ngọn/ Tóc bạc trông chừng cổng héo hon”, hoặc bài thơ “Giang hồ” viết năm 1942: “Lối đi khắc khoải lời chim nói/ Ve vãn tương tư mảnh gió chiều”. Thế nhưng, thơ Quang Dũng thực sự bật lên khi đi với cách mạng, như ông từng có tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ”, thổ lộ: “Giải phóng cho thơ không gì bằng trang bị cho người làm thơ đầy đủ hiểu biết về cách mạng, đặt tin tưởng vào họ và để họ tự do tung hoành trên cái diện tích bao la của cuộc sống cách mạng, chắc chắn là tiếng nói của thơ lại sẽ ngân vang sang sảng và phong phú vô cùng. Giải phóng cho thơ, không gì bằng trả lại cho người làm thơ cái giá trị xứng đáng với cái truyền thống cao quý mà họ đã mang ở trong máu họ”.
Nhà thơ Quang Dũng góp vào thi ca kháng chiến một giọng điệu đắm đuối và trữ tình riêng biệt. Thấp thoáng trong thơ Quang Dũng, người ta nhận ra hình bóng những người đẹp từng làm trái tim ông xao xuyến. Có không ít lời đồn đoán nửa hư nửa thực về mối tình đầu của nhà thơ Quang Dũng với “cô gái vườn ổi”. Bởi lẽ, ông có đến hai bài thơ nhắc đến nhân vật nữ ấy. Trong bài thơ “Nhớ chuyện xa”, nhà thơ viết: “Em ơi vườn ổi thơm ao/ Nước xanh còn động hôm nào tiếng em/ Hai mươi tuổi mộng êm đềm/ Ta mang trong trắng đi tìm thanh cao/ Thơ sao bước trước tình đầu/ Vườn sau hơi thở ngạt ngào đêm hương”. Còn trong bài “Không đề”, nhà thơ viết: “Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa thu/ Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua… Ơi! Con đường xưa/ Men vườn ổi thơm/ Em tuổi hai mươi/ Yêu anh hào hiệp”.
So sánh hai bài thơ, dễ dàng nhận ra những ý chung “vườn ổi” và “hai mươi tuổi”. Nhà thơ Quang Dũng và người đẹp đã gặp nhau ở vườn ổi lúc hai mươi tuổi chăng? Người bạn thơ cùng thời với nhà thơ Quang Dũng là nhà thơ Trần Lê Văn (1923-2005) hé lộ rằng mối tình ấy hoàn toàn có thật. Theo nhà thơ Trần Lê Văn “Dù là tình yêu nồng nhiệt đến đâu, hai người vẫn bảo toàn được sự trong trắng. Cô gái vườn ổi đã có lúc dạo gót bào khung cảnh quê hương và gia đình Quang Dũng ở làng Phùng, và đã được bà mẹ và các cô em của Quang Dũng đối xử rất thân mến”. Hình bóng “cô gái vườn ổi” còn theo nhà thơ Quang Dũng suốt nhiều năm sau. Trong văn xuôi, nhà thơ Quang Dũng cũng có truyện ngắn lấy tên “Những trái ổi chín” phảng phất duyên phận ngậm ngùi.
Nhà thơ Quang Dũng không chỉ đa tài, còn cao lớn phong độ, nên bao nhiêu thiếu nữ xiêu đổ vì ông cũng là chuyện bình thường. Trên đường hành quân của nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng, những run rẩy sâu xa cũng khiến vài địa danh trở nên ám ảnh “Nhớ em một buổi Châu Trang trắng/ Đường về Mãn Đức một ngày xanh”. Qua những gì phơi bày trong thơ Quang Dũng, hầu hết mối tình đều thoáng qua “Em là gái núi mộng bình yên/ Anh là trai lỗi thời binh lửa/ Môi lạnh không chờ chuyện lửa duyên”. Tuy nhiên, bài thơ “Quán bên đường” được viết năm 1947 lại có nhiều dữ liệu để công chúng mường tượng về một mối tình khắc cốt ghi tâm khác: “Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa/ Em tản cư, tôi là lính tiền phương/ Xa Hà Nội, cùng nhau, từ một thuở/ Lòng rưng rưng thương nhau quá, dọc đường/ Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt/ Đường xa xa mờ núi và mây/ Hồn lính vương qua vài sợi tóc/ Tôi thương mà em đâu có hay”.
Liệu người đẹp trong bài thơ “Quán bên đường” có liên quan đến “đôi mắt người Sơn Tây, u uẩn chiều lưu lạc” hay không? Trong bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây”, nhà thơ Quang Dũng miêu tả rất cụ thể: Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương/ Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương”. Chắc chắn, đó không phải nhân vật gặp tình cờ, mà là một người quen cũ. Nhạc sĩ Phạm Duy là người đồng niên, từng học cùng lớp của nhà thơ Quang Dũng ở Trường Thăng Long - Hà Nội, khẳng định người đẹp trong bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” hoàn toàn có thật: “Khi cùng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hòa Bình, Quang Dũng được nghỉ phép để về thăm gia đình. Trên đường về làng Phùng, anh đã tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật. Người tình này còn có mỹ danh là Akimi, nàng có hàng cà phê trong vùng cách mạng ông thường hay ghé uống. Nàng chính là người đẹp Sơn Tây, nguồn cảm hứng dạt dào cho anh viết bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” nổi tiếng”.
Chuyện tình của nhà thơ Quang Dũng từ “cô gái vườn ổi” đến “đôi mắt người Sơn Tây” đều lỡ làng, vì vậy mới có thơ day dứt: “Tôi viết chiều nay chiều tưởng vọng/ Làm thơ mình lại tặng riêng mình/ Sông trôi luống gợi dòng vô hạn/ Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh”. Thế nhưng, có một người đẹp tạo dư ba bất tận trong thơ Quang Dũng nhưng lại cùng ông vun đắp một mái ấm hạnh phúc, là bà Bùi Thị Thạch. Gặp nhau ở một làng tản cư tại Yên Bái, bà Bùi Thị Thạch lớn hơn nhà thơ Quang Dũng 2 tuổi. Cũng mến mộ tài năng của nhà thơ Quang Dũng, nên bà Bùi Thị Thạch khá bất ngờ vì tơ duyên gắn kết: “Không hiểu sao ông ấy lại dính vào tôi, chứ ông ấy có nhiều người mê lắm. Lúc về xuôi, ông ấy viết thư lên tỏ tình, nói rằng đó là mối tình đầu. Tôi vui lắm, nhưng cứ cười thầm, anh mà lại mối tình đầu. Có mà mối tình thứ bao nhiêu rồi ấy chứ”.