(ĐTTCO) - Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, sẽ không còn kỳ thi “2 trong 1” để ép học sinh thi lấy kết quả xét tuyển đại học (ĐH). Như vậy, đến lúc này gần như chắc chắn kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia sẽ có những điều chỉnh lớn.
Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ từng bước thay đổi, tiến tới chỉ đánh giá quá trình thông qua điểm học bạ ở mức độ nhất định, đưa ý nghĩa kỳ thi THPT quốc gia về thực chất hơn. Trước đó, giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ để xét tốt nghiệp.
Những phát biểu trên của người đứng đầu ngành GD-ĐT nước nhà đã gây bất ngờ cho dư luận. Bởi lẽ, đề thi THPT quốc gia được thiết kế để đáp ứng 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, cao đẳng (CĐ), nên có độ phân hóa cao.
Nay nếu chỉ chủ yếu mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi sẽ không còn sự phân hóa tốt, tức cơ sở để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sẽ không còn đáng tin cậy. Trong khi đó, ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, cũng chính Bộ GD-ĐT khẳng định với toàn ngành sẽ giữ phương thức “2 trong 1” đến năm 2020 để ổn định việc thi cử, không ảnh hưởng đến học sinh. Không thể phủ nhận trong mấy năm qua, nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến mang tính đột phá tích cực.
Đặc biệt là việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH thành kỳ thi chung duy nhất - kỳ thi THPT quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng của ngành giáo dục, được tổ chức bắt đầu vào năm 2015, kỳ thi “2 trong 1” nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí. Nhìn ở góc độ kinh tế, tổ chức thi “2 trong 1” giảm được sự lãng phí về tiền bạc, thời gian so với việc thực hiện 2 cuộc thi riêng tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ.
Được biết, theo phương thức thi cũ, hàng năm kinh phí 63 tỉnh, thành bỏ ra lên đến 500-700 tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể đến những phí tổn khác không thể tính hết xã hội đã bỏ ra cho 2 kỳ thi quá gần nhau này.
Vấn đề đặt ra lúc này đối với Bộ GD-ĐT là cần xem xét lại việc tổ chức thi cử như thế nào để bảo đảm công bằng và không có tiêu cực xảy ra. Câu chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn trong mùa tuyển sinh năm 2018 đã phơi bày thực trạng nhức nhối trong công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, không nên vì vài sự việc đáng tiếc để đánh giá cả kỳ thi, đề nghị bỏ kỳ thi, như vậy là phủ nhận toàn bộ nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua. Thực tế, kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn đạt được những thành công nhất định về khâu ra đề cũng như khâu tổ chức thi tương đối nghiêm túc.
Việc cán bộ can thiệp điểm thi ở một số cụm thi địa phương có thể nói là “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến niềm tin của người dân vào ngành giáo dục bị giảm sút. Vì thế, điều quan trọng là qua những vụ việc tiêu cực, phải biết rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn.
Đổi mới giáo dục phải có lộ trình, không có giải pháp nào hoàn hảo, những sai sót trong thực hiện hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng không vì thế quay lại kiểu thi cũ. Nếu cứ thấy việc gì có vấn đề là bỏ sẽ không bao giờ làm được việc gì cả.
Hiện nay, cùng với Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Chính phủ đã có Nghị quyết 44 định hướng đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, tiến tới tổ chức kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và ĐH-CĐ.
Do đó, việc tổ chức kỳ thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT là cần thiết, đúng luật. Với bản chất đó của kỳ thi THPT quốc gia, năm 2019 và những năm tới, kỳ thi THPT quốc gia được tiếp tục duy trì với phương thức như hiện nay, nhưng với những điều chỉnh để tốt hơn, trung thực, tin cậy hơn và phân hóa tốt hơn ở mức độ học vấn phổ thông, đúng với sứ mệnh của kỳ thi này.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là năm thứ 4 Bộ GD-ĐT tổ chức thi “2 trong 1”. 4 năm là chặng đường chưa hẳn dài, và việc thay đổi hoàn toàn cách thức tổ chức một kỳ thi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận xã hội. Thực tế này cho thấy việc thực hiện kỳ thi có nghiêm túc hay không phần lớn do con người thực thi, không phải là do quy chế “2 trong 1” hay “3 chung”.
Đã đến lúc các nhà chức trách trong ngành giáo dục cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về kỳ thi THPT quốc gia hiện nay. Còn nếu vẫn cứ loay hoay với phương án đổi mới thi cử theo kiểu ăn đong, thiếu lộ trình dài hơi, câu chuyện tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ không bao giờ hết rối, hết tiêu cực.