Dễ dàng thâu tóm
Mới đây, HĐQT của CTCK HFT (HFT) đã công bố quyết định chọn Hanwha Investment and Securities Co., Ltd (Hàn Quốc), là đối tác nước ngoài được mua trên 25% vốn điều lệ từ các cổ đông hiện hữu mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Thông báo cũng cho biết, căn cứ thỏa thuận khung về giao dịch mua bán cổ phần giữa Hanwha và các cổ đông hiện hữu của HFT, trong trường hợp đối tác ngoại này đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật sẽ được mua đến 90% vốn điều lệ.
Với quyết định này, khả năng HFT bán cho đối tác đến từ Hàn Quốc chỉ là vấn đề thời gian. Điều đáng nói là hoạt động thâu tóm này diễn ra khá nhanh với sự nhiệt tình từ phía đối tác bị thâu tóm. Cụ thể cuối năm 2018, HFT có tờ trình xin nới room NĐTNN lên mức 100%, và xin giảm số lượng cổ đông xuống dưới 100 cổ đông để không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng theo quy định.
Theo kế hoạch, HĐQT của HFT sẽ trình cổ đông thông qua việc rút khỏi danh sách công ty đại chúng, rút lưu ký CK và hủy đăng ký giao dịch trên UPCoM. Đồng thời, cổ đông HFT cũng đã thông qua việc bầu mới HĐQT và giảm số lượng từ 5 thành viên về con số 3 tại ĐHCĐ thường niên.
Những động thái trên gợi nhớ về những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của các tập đoàn tài chính lớn đối với các CTCK nhỏ, để có thể tham gia vào TTCK Việt Nam do việc thành lập mới CTCK đã bị giới hạn sau giai đoạn bùng nổ với hơn 100 CTCK được thành lập.
Có thể thấy, kế hoạch thâu tóm của Hanwha tương tự những thương vụ trong quá khứ như KB (Hàn Quốc) mua lại CTCK Maritime (MSI), hay Yuanta (Hồng Công) mua lại CTCK Đệ Nhất (FSC). Cả 2 thương vụ M&A này cũng diễn ra tương đối dễ dàng khi bên mua có thiện chí, còn bên bán muốn “dứt áo” sau thời gian dài làm ăn không hiệu quả, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Càng thua lỗ càng dễ bán
Càng thua lỗ càng dễ bán
Có thể dễ dàng thấy, các CTCK bên bờ vực phá sản thường là đối tượng được các NĐT ngoại săn lùng. Nguyên nhân là do người bán không còn mặn mà nắm giữ, nên việc thỏa thuận giá cũng có lợi hơn cho đối tác ngoại. Điểm lại các thương vụ M&A sẽ dễ dàng nhận ra những quy tắc của các đối tác ngoại khi thâu tóm.
Đầu tiên mua một lượng CP không quá lớn để tìm hiểu tình hình nội tại, đồng thời đảm bảo việc thua lỗ không ảnh hưởng đáng kể đến phần vốn góp. Khi CTCK đó bước vào giai đoạn khó khăn, cổ đông ngoại này mới chính thức lộ diện để mua gom lượng lớn cổ phần với giá rẻ.
Sau khi mua gom cổ phần từ các cổ đông nội, hoặc gần như nắm đại đa số cổ phần tại công ty mục tiêu, cổ đông ngoại tiến hành tăng vốn, đổi tên và mở rộng quy mô hoạt động. Tất cả những thay đổi này nhằm đạt được mục tiêu quan trọng nhất là gia tăng thị phần môi giới.
Thực tế, các thương vụ thâu tóm kể trên đều được thực hiện theo quy trình này. Chẳng hạn, MSI sau khi về tay KB đã đổi tên thành CTCK KB Việt Nam (KBVS) và hoàn tất việc tăng vốn điều lệ đợt 1 lên 1.107 tỷ đồng. Theo kế hoạch, KBVS sẽ tiếp tục chào bán cổ phần để tăng vốn đợt 2 trong quý I này để nâng vốn điều lệ lên 1.680 tỷ đồng.
Song song với việc tăng vốn, KBVS có kế hoạch mở thêm chi nhánh tại TPHCM và tham gia thị trường phái sinh. Tương tự, FSC được thay thế bởi tên gọi mới là CTCK Yuanta Việt Nam với vốn điều lệ mới 1.000 tỷ đồng. Ngay trường hợp HFT dù chưa về tay chủ mới, nhưng cũng tự nguyện dọn đường cho đối tác khi bỏ tên cũ là CTCK Mekong.
Mảnh đất màu mỡ
Mảnh đất màu mỡ
Dù nhận được nguồn vốn dồi dào từ chủ mới, nhưng các CTCK hậu M&A vẫn chưa thể hiện được sự vượt trội về năng lực cạnh tranh so với các CTCK nội. Theo thống kê, top 10 về thị phần môi giới của CTCK trên sàn HOSE và HNX năm 2018 vẫn chưa gọi tên các CTCK này. Mức tăng trưởng rõ nét nhất với các CTCK này là sự gia tăng dòng vốn phục vụ cho các hoạt động margin. Đơn cử là CTCK Yuanta Việt Nam với dư nợ cho vay cuối quý III-2018 lên đến 748 tỷ đồng (gấp gần 8 lần so với 1 năm trước).
Mức độ cạnh tranh trên TTCK là thực tế mà các CTCK có vốn ngoại đang phải đối mặt vào thời điểm hiện tại. Theo lãnh đạo 1 CTCK có vốn đầu tư Hàn Quốc, cơ hội trên TTCK cũng chính là thách thức chung cho toàn thị trường, bởi tổng số tài khoản CK trên toàn thị trường chỉ mới dừng lại ở con số 2 triệu tài khoản. Con số này chỉ tương đương 2% dân số, trong khi ở Hàn Quốc tỷ lệ này là 15%.
Khó khăn của thị trường sẽ tiếp tục đẩy các CTCK có sức cạnh tranh yếu rơi vào thế khó. Đây lại chính là cơ hội thúc đẩy các hoạt động M&A tại các CTCK. Cũng theo vị lãnh dạo này, việc thâu tóm các CTCK thông qua M&A được đánh giá khả thi hơn hẳn nếu so với việc xin giấy phép thành lập mới. Ngay cả khi được cấp phép để lập CTCK 100% vốn ngoại tại Việt Nam, quá trình thành lập còn nhiều thách thức hơn bởi tốn nhiều thời gian và chi phí hơn nhiều so với M&A.
Có thể nói, sự “lột xác” của các CTCK sau khi về tay đối tác ngoại vẫn cần phải có thời gian. Dù vậy, sự xuất hiện của dòng vốn này cũng góp phần mang đến nhiều tích cực cho thị trường và đặc biệt NĐT. Để duy trì khả năng cạnh tranh, các CTCK ngoại và cả CTCK nội đang nắm giữ thị phần lớn phải không ngừng đưa ra những sản phẩm mới, thậm chí giảm phí môi giới để giữ khách hàng.
Theo UBCKNN, số lượng CTCK đang hoạt động trên thị trường là 77 (giảm 27% so với cuối năm 2017), nhưng con số này được nhìn nhận vẫn cao so với quy mô TTCK Việt Nam hiện tại, đặc biệt chỉ có khoảng 50% CTCK kinh doanh có hiệu quả. |