Đối thoại cùng tiểu thương chợ An Đông

(ĐTTCO)-Chiều 12-5, tại UBND quận 5 TPHCM, Đoàn Kiểm tra hoạt động của  chợ An Đông đã tổ chức thông báo kết luận của đoàn kiểm tra liên quan đến đơn kiến nghị của tiểu thương chợ An Đông quận 5.
 
 
Đối thoại cùng tiểu thương chợ An Đông
Tại đây, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM đã công bố kết luận 6 nội dung theo kiến nghị, phản ánh của tiểu thương chợ An Đông.

Cụ thể, liên quan đến việc các tiểu thương yêu cầu làm rõ số tiền thu được từ cho thuê quầy sạp của tiểu thương là 237 tỷ đồng, 219 tỷ đồng hay 217 tỷ đồng? Số tiền này quản lý, sử dụng như thế nào và yêu cầu công khai, minh bạch làm rõ số tiền này.
Bà Trang cho biết, qua đối chiếu với sao kê của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương – Phòng Giao dịch An Đông từ 1-3-2013 đến 11-1-2017, theo sổ sách kế toán, Ban Quản lý chợ An Đông đã nộp 217.361.303.827 đồng vào Kho bạc Nhà Nước quận 5 (đã bao gồm 399.546.533 đồng tiền lãi ngân hàng và trừ chi phí phục vụ cho công tác triển khai ký kết hợp đồng giai đoạn 2013-2017).

Về phản ánh tiền thuê quầy sạp trong Hợp đồng đều có tính thuế giá trị gia tăng, nhưng Ban Quản lý giao tiểu thương hóa đơn thông thường, không thể hiện thuế giá trị gia tăng. Vậy tiền thuế giá trị gia tăng trên tổng số tiền thuê sạp trên 200 tỷ đồng đi đâu? Bà Trang cho biết, qua quá trình xác minh hồ sơ, tài liệu liên quan thì Ban Quản lý Trung tâm đã nộp các khoản thu giá trị gia tăng từ tiền cho thuê sạp tại chợAn Đông vào Kho bạc Nhà nước quận 5. Tuy nhiên, việc Ban Quản lý Trung tâm có áp dụng giá trị gia tăng vào tiền thuê quầy sạp chợ An Đông là chưa chấp hành đúng quy định theo Luật Thuế giá trị gia tăng.

Đối với phản ánh cho rằng, Ban Quản lý chợ An Đông đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến việc thực hiện công trình, gồm: Không đấu thầu rộng rãi theo Luật Đấu thầu năm 2005 khi sử dụng ngân sách nhà nước; chi phí thuê tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật với số tiền 353.334.413 đồng là vi phạm pháp luật (vì Luật đấu thầu năm 2005 không quy định); phí thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật 2.149.987 đồng là sai nguyên tắc vì đây là nhiệm vụ của Bộ phận Kế hoạch đầu tư thuộc UBND quận 5 chịu trách nhiệm thẩm định các nội dung trong quá trình đấu thầu. Bà Trang trả lời: căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12; Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng thì báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực tại Trung tâm TM – DV An Đông được duyệt vào thời điểm năm 2013; các gói thầu tư vấn đều có giá trị nhỏ hơn 3 tỷ đồng và các gói thầu xây lắp đều có giá trị nhỏ hơn 5 tỷ đồng nên nằm trong hạn mức được chỉ định thầu theo các quy định nêu trên. Ngoài ra, căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11; Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP; Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 thì việc thuê tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực tại chợ An Đông vào thời điểm năm 2013 là phù hợp các quy định nêu trên.
Căn cứ Thông tư số 176/2011/TT-BTC ngày 06/12/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư và các quy định pháp luật về xây dựng (không phải theo các quy định pháp luật về đấu thầu) thì phí thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật không thuộc công tác thẩm định đấu thầu mà thuộc công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng, nên việc UBND quận 5 thu phí thẩm định báo cáo là không sai so với quy định pháp luật.

Liên quan đến việc phản ánh công trình cải tạo hệ thống điện động lực của các tiểu thương cho rằng, thực tế Ban Quản lý chợ An Đông không sửa chữa toàn bộ Trung tâm mà chỉ sửa ở tầng hầm và một phần tầng 2 nhưng lại tính tiền toàn Trung tâm.
Bà Trang co biết, căn cứ Kế hoạch sửa chữa, nâng cấp tại Báo cáo số 14/BC-AĐ ngày 24/4/2013 của Ban Quản lý chợ An Đông, hệ thống điện động lực được thực hiện ở các vị trí tầng hầm, tầng trệt, lầu 1 và lầu 2. Tuy nhiên, do tính chất liên thông và yêu cầu kỹ thuật của hệ thống điện động lực nên hồ sơ thiết kế, thi công đã thể hiện thực hiện cho cả các tầng, kể cả lầu 3, lầu 4.

Về cải tạo 4 nhà vệ sinh (chưa thuế VAT) với số tiền gần 2 tỷ đồng là không hợp lý, bà Trang cho biết, căn cứ Biểu giá giao nhận thầu kèm theo Hợp đồng thi công xây dựng số 08/HĐXD-AĐ ngày 22/4/2014 và tham khảo Biểu giá chuẩn về suất vốn đầu tư phần xây dựng công trình trên địa bàn TPHCM ban hành kèm theo Quyết định số 66/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND TP thì kinh phí thực hiện nâng cấp, sửa chữa nhà vệ sinh công cộng là 2.158.820.047 đồng (bao gồm thuế VAT), tương ứng suất vốn đầu tư nằm trong mức dao động cho phép (từ 4.400.000 – 5.300.000 đồng/m2).
Tuy nhiên, qua rà soát và kiểm tra, do một số khoản mục dự trù kinh phí thực hiện nâng cấp, sửa chữa chợ An Đông chưa đúng theo Quyết định số 957/2009 của Bộ Xây dựng về việc công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình và việc vận dụng, áp dụng một số đơn giá, định mức chưa phù hợp nên sẽ giảm trừ trong quá trình thẩm tra quyết toán công trình hoàn thành.

Liên quan đến việc thu tiền phí vệ sinh hàng ngày (lên đến 8 triệu đồng/ngày) là không đúng quy định, bà Trang cho biết, căn cứ Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11/7/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ; Thông tư 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Quản lý chợ thì Ban Quản lý chợ An Đông có thể thực hiện việc thu phí sử dụng dịch vụ nhà vệ sinh để phục vụ cho hoạt động kinh doanh Trung tâm.
Tuy nhiên, việc Ban Quản lý chợ An Đông thực hiện chỉ định thầu khai thác nhà vệ sinh công cộng và trích nguồn thu từ phí sử dụng dịch vụ nhà vệ sinh công cộng để nộp ngân sách trong giai đoạn vừa qua là chưa phù hợp cũng như đảm bảo tính công khai minh bạch.

Tại đây, Bà Trang cũng cho biết, UBND TPHCM cũng đã giao cho UBND quận 5 thực hiện khắc phục 3 vấn đề liên quan. 

Cụ thể,  về nội dung liên quan đến tiền cho thuê sạp tại chợ An Đông, TP yêu cầu UBND quận 5  thực hiện ngay việc công khai số tiền thu, chi từ hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh trong giai đoạn 2012-2016; việc gửi tiền thu được từ việc cho thuê sạp vào ngân hàng và các khoản thu, chi khác theo đúng quy định. Tạm dừng việc thu tiền cho thuê địa điểm kinh doanh của giai đoạn 2 theo Hợp đồng đã ký kết với tiểu thương (đến hết ngày 31-12-2017).
Đồng thời, khẩn trương xây dựng bảng giá thuê quầy sạp cho 5 năm tiếp theo tại chợ An Đông căn cứ theo Luật Giá, Luật phí và lệ phí trước quý III/2017, giá cho thuê địa điểm kinh doanh của giai đoạn 2017-2021 được tính trên cơ sở phí quản lý và các khoản phí khác (Không bao gồm chi phí đầu tư sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, chi phí bảo trì cho công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm và sửa chữa đột xuất trong giai đoạn tiếp theo).

Liên quan đến đến công trình nâng cấp, sửa chữa chợ An Đông, TP đề nghị UBND quận 5 chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành thẩm tra quyết toán công trình đã hoàn thành trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo quy định của Quyết định số 957/2009 của Bộ Xây dựng và đơn giá, định mức xây dựng phù hợp; đồng thời, tổ chức công khai đến tiểu thương kinh doanh chợ An Đông.
TP cũng yêu cầu quận 5 chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng toàn bộ tiền này (217.361.303.827 đồng) tái đầu tư  xây dựng “Phương án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ An Đông đến năm 2021”, đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật về đầu tư công, về đấu thầu, về xây dựng, hoàn thành chậm nhất trong tháng 6-2017.
Chợ An Đông sẽ phát triển theo hướng thành Trung tâm phân phối quy mô hàng đầu khu vực phía Nam về các mặt hàng giày dép, va ly, túi xách, vải sợi, quần áo may sẵn, thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, trang sức xi mạ, vàng bạc - đá quý…; góp phần hình thành khu mua sắm tập trung trên địa bàn quận 5 (trên trục đường An Dương Vương – Yết Kiêu – Hùng Vương) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vui chơi, giải trí người dân Thành phố và tham quan, mua sắm khách du lịch trong nước và quốc tế. 

Đối với công tác khai thác, quản lý nhà vệ sinh công cộng chợ An Đông, TP cũng đề nghị UBND quận 5, Ban Quản lý chợ An Đông phải tổ chức sắp xếp, phân công lại công tác quản lý nhà vệ sinh công cộng; đồng thời, xây dựng phương án thu phí sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại chợ An Đông trên cơ sở thu đủ bù chi và có sự đồng tình với tiểu thương.

Cũng tại buổi công bố kết quả kiểm tra, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM, UBND quận 5 sẽ công khai số tiền thu, chi từ hợp đồng thuê trong  giai đoạn 2012-2016. Ông Huy cũng khẳng định toàn bộ số tiền hơn 271,36 tỷ đồng được sử dụng để tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa chợ An Đông đến năm 2021. 

Ngoài ra, ông Huy cũng cho biết sẽ ngừng việc thu tiền cho thuê địa điểm kinh doanh trong giai đoạn 2 theo hợp đồng đã ký kết với tiểu thương. Riêng giá sử dụng diện tích bán hàng tại chợ An Đông được thực hiện theo Luật Phí ban hành ngày 25-11-2015. 
Riêng công trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực hiện UBND quận 5 chỉ đạo tiến hành thẩm tra, quyết toán theo quy định. Chậm nhất tháng 8-2017 sẽ tổ chức công khai đến các tiểu thương tại chợ.

Theo ông Huy, UBND quận 5 sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức sắp xếp, phân công lại công tác quản lý nhà vệ sinh công cộng.
Ban quản lý chợ An Đông xây dựng, trình UBND quận 5 phương án thu phí sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại chợ trên cơ sở thu đủ bù chi và có sự đồng tình với thương nhân để thực hiện tronng tháng 6-2017. Ngoài ra, ông Huy cũng cho biết, UBND quận 5 yêu cầu Ban quản lý chợ An Đông tổ chức thông tin, trao đổi, lấy ý kiến và công khai đến các tiểu thương về phương án thiết kế nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ An Đông đến năm 2011. 

Tại đây, các tiểu thương chợ An Đông cho biết, họ rất phấn khởi vì được Đoàn kiểm tra và UBND quận 5 thông tin một cách rõ ràng các vấn đề kiến nghị. Đa số các tiểu thương tại cho rằng, khi các cơ quan chức năng và UBND quận 5 đã khẳng định, toàn bộ số tiền hơn 217,36 tỷ đồng sẽ được sử dụng để đầu tư, nâng cấp chợ An Đông thì lãnh đạo UBND quận 5 cũng như Ban quản lý chợ An Đông cần công bố rõ với tiểu thương khi nào chính thức thực hiện vì tiểu thương đã chờ đợi rất lâu rồi vì hiện chợ đã quá xuống cấp, các tiểu thương phải kinh doanh trong môi trường quá ẩm thấp.
Các tiểu thương cũng đề nghị, trong khi chờ sửa chữa toàn bộ chợ An Đông, trong tháng 7-2017,  UBND quận 5 và Ban Quản lý chợ An Đông cấp bách sửa ngay 4 mặt tiền tại chợ vì hiện nay, mặt tiền chợ tại đường An Dương Vương đang che tấm bạc, không chỉ mất mỹ quan và các tiểu thương không đủ ánh sáng và không khí sinh hoạt, buôn bán. Ngoài ra, cần gắn máy lạnh, thay toàn bộ gạch nền và cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy vì chợ hiện đã xuống cấp quá nghiêm trọng.

Các tin khác