Đối thoại Shangri-la để làm gì?

(ĐTTCO) - Đối thoại Shangri-la là diễn đàn quy tụ các quan chức cấp cao và học giả từ nhiều nước để cải thiện giao tiếp và trao đổi. Nhưng có những quan điểm tiêu cực cho rằng Đối thoại Shangri-la là diễn đàn bị thống trị bởi Mỹ và các đồng minh, phục vụ lợi ích của họ. Vậy đối thoại Shangri-la trong những năm qua đã đóng vai trò như thế nào đối với an ninh châu Á- Thái Bình Dương?

Các cuộc gặp gỡ trực tiếp có vai trò quan trọng trong các hội nghị an ninh quốc tế.
Các cuộc gặp gỡ trực tiếp có vai trò quan trọng trong các hội nghị an ninh quốc tế.
Dấu hiệu tích cực 
Theo nhiều nhà quan sát, việc tập hợp được các bộ trưởng quốc phòng và quan chức từ 59 quốc gia, kể cả 2 siêu cường là Mỹ và Trung Quốc, về chung một “mái nhà” là khách sạn Shangri-la ở Singapore trong 3 ngày, bản thân nó đã là một thành công. Điều này thể hiện sự tự tin và quyết tâm của khu vực trong việc trở lại hoạt động kinh tế xã hội bình thường sau 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19. 
Hoạt động chính của hội nghị là những phát biểu và hành xử của bộ trưởng quốc phòng và quan chức các nước. Nhưng tâm điểm chú ý vẫn là những gì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc là Thượng Tướng Ngụy Phượng Hòa. Lần cuối cùng ông Ngụy gặp người đồng cấp Mỹ cách đây 3 năm, khi Tổng thống Donald Trump còn đương nhiệm, và nay bộ trưởng quốc phòng 2 nước đã gặp nhau 1 giờ đồng hồ trong cuộc họp song phương kín kẽ. 
Không cần biết nội dung trao đổi cụ thể ra sao, nhưng cuộc tiếp xúc trực tiếp trong thời điểm căng thẳng đã và đang gia tăng giữa 2 siêu cường là dấu hiệu tích cực. Thượng tá Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói với các phóng viên tại hội nghị rằng các cuộc đàm phán là "khởi đầu rất tốt" để cải thiện các mối quan hệ quân sự giữa 2 nước. Ông nói: “Trung Quốc luôn tin rằng gặp nhau tốt hơn là không gặp nhau và nói chuyện tốt hơn là không nói chuyện”. 
Ông Ngụy cũng có những cuộc gặp khác với những người đồng cấp Hàn Quốc và Australia lần đầu tiên tại hội nghị, cũng như chứng kiến cuộc gặp 3 bên đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhưng quan điểm khác biệt 
Không có gì ngạc nhiên khi các bài phát biểu trong hội nghị được chắp bút cẩn thận và  đọc trong bối cảnh những gì đã được nói trước đây. Theo các nhà quan sát, bài phát biểu của ông Lloyd Austin cũng nhất quán với quan điểm về mối quan hệ Mỹ với Trung Quốc dưới chính quyền Biden, đã được Ngoại trưởng Anthony Blinken đưa ra vào tháng 5 tại Đại học George Washington: “Trung Quốc là cường quốc có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó. Nhưng chúng ta không thể dựa vào Bắc Kinh để thay đổi quỹ đạo của mình. Vì vậy, chúng ta sẽ định hình môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh để nâng cao tầm nhìn về hệ thống quốc tế mở, bao trùm”.
Quan điểm nói trên cho thấy Mỹ đã xác định chiến lược nhằm hạn chế tham vọng của Trung Quốc, đồng thời củng cố và xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác, nhằm tìm ra mục đích chung trong việc duy trì trật tự đó. Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, ông Austin còn nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á, với tuyên bố: “Ngày nay, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm của chiến lược lớn của Mỹ”.
 Trong khi đó, lập trường của Trung Quốc qua phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa cũng tuân theo kịch bản Chủ tịch Tập Cận Bình đã phác thảo và công bố tại Diễn đàn Bác Ngao vào tháng 4 vừa qua. Ông Ngụy liệt kê tất cả vấn đề Trung Quốc gặp phải với trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu, bao gồm “chính trị theo nhóm và đối đầu khối” (các đồng minh và đối tác của Mỹ), “sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn” (trừng phạt đối với Nga và Triều Tiên).
Tuy nhiên, truyền thông lại quan tâm hơn vào những phản ứng mạnh mẽ của ông Ngụy về Đài Loan, Biển Đông và những lời chỉ trích của ông về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Vai trò của Đối thoại Shangri-la
Trở lại với câu hỏi về vai trò của Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng En cho biết ghi nhận những chiều kích khác nhau của các hội nghị như thế này, chẳng hạn như ông đã tham dự Diễn đàn Hương Sơn tổ chức tại Trung Quốc, cũng liên quan đến các vấn đề an ninh và quốc phòng châu Á. Ông bày tỏ: “Các bạn phải tự quyết định xem Đối thoại Shangri-La có tăng thêm giá trị hay không. Không có sự ép buộc nào để các bạn tham dự”.
Đối thoại Shangri-la lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 5-2002 sau cuộc tấn công khủng bố 11-9-2001 nhằm vào Mỹ, và một cuộc tấn công khủng bố vào Quốc hội Ấn Độ, mà New Delhi đã đổ lỗi cho Pakistan và đưa 2 quốc gia đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân, khiến truyền thông thế giới gọi Ấn Độ là “nơi nguy hiểm nhất thế giới". Ngày nay, sự chú ý đổ dồn vào tình hình căng thẳng ở Đông Á, đặc biệt là eo biển Đài Loan và gần đây là châu Âu. 
Mặc dù chưa thể giải quyết được nhiều vấn đề nan giải thế giới đang phải đối mặt, nhưng Đối thoại Shangri-la đã tạo cơ hội cho quan chức an ninh các nước tiếp xúc trực tiếp. Singapore đã chứng tỏ là nơi gặp gỡ phù hợp nhất, là có sự hợp tác với Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London với uy tín của một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, có quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. 
Trong một thế giới ngày càng nguy hiểm và đầy biến động, lãnh đạo các quốc gia nên gặp gỡ và đối thoại để tìm ra những phương thức hòa bình, hữu nghị để xử lý xung đột, giải quyết vấn đề và cùng nhau hợp tác. 

Các tin khác