Dồn dập truy vấn về nạn mê tín dị đoan

(ĐTTCO) - Chiều 5-6, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện 
đã “đăng đàn” trả lời chất vấn về những hoạt động, lĩnh vực mà bộ này quản lý.
Quan chức có góp cổ phần vào “chùa BOT”?
Phần lớn ĐB phát biểu tại hội trường đều truy vấn về nạn kinh doanh chùa chiền, tử vi, xăm thẻ, thầy tướng số, buôn thần bán thánh, dâng sao giải hạn, trả nợ tiền kiếp, đóng tiền giải vong, thương mại hóa tâm linh...
Đề cập vụ hoạt động mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) rất nghiêm trọng nhưng mức phạt chỉ có 5 triệu đồng, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) hỏi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện rằng phạt thế là nặng hay nhẹ? Khẳng định vụ việc tại chùa Ba Vàng là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đạo đức - lối sống và văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng cần phải lên án, xử lý.
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Không có khái niệm chùa BOT, đừng lấy những công trình tín ngưỡng tôn giáo để nói như thế là xúc phạm tới tín ngưỡng tôn giáo”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nếu ĐB có thông tin chính xác để Quốc hội giám sát việc này. Các cơ quan quản lý nhà nước xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định.
Mức phạt 5 triệu đồng đối với bà Phạm Thị Yến là rất nhỏ, nhưng có phạt tới 100 triệu đồng cũng không phải lớn. Tiền chỉ là một phần, phải tăng nặng mức xử phạt nhưng căn cứ theo các quy định về xử lý vi phạm hành chính, mức phạt 5 triệu đồng cao nhất hiện nay. Quan trọng hơn là phải lên án, phê phán những hành vi phản văn hóa, phi đạo đức.
Cũng bức xúc về nạn mê tín dị đoan, thương mại hóa tâm linh để trục lợi trong khi Bộ VH-TT-DL “không thừa nhận có du lịch tâm linh”, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) hỏi quan điểm của bộ trưởng về phong trào xây dựng các công trình tâm linh, tạm gọi là “chùa BOT”, về việc có tình trạng một số quan chức đóng cổ phần kiếm lời không?
Khái niệm “chùa BOT” của ĐB Nguyễn Mai Bộ khiến cả nghị trường không nén nổi tiếng cười. Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, du lịch tâm linh chỉ là khái niệm nằm trong “du lịch văn hóa”. Bởi một số khu du lịch có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo (ví dụ như chùa) hiện nay không thể gọi là du lịch tâm linh vì còn có nhiều loại hình khác như sân golf, cơ sở lưu trú, tham quan…
Dồn dập truy vấn về nạn mê tín dị đoan ảnh 1
Việc thương mại hóa, lợi dụng tâm linh để trục lợi bất chính là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý. “Về khía cạnh quản lý văn hóa của mình, tôi chưa có thông tin nào liên quan đến sự đóng góp của các quan chức như ĐB Nguyễn Mai Bộ nói”- ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định và đề nghị ĐB có thông tin thì có thể cung cấp cho Quốc hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chưa phân biệt rõ ranh giới tâm linh - mê tín
Phản ánh tình trạng hàng năm có tới 8.000 lễ hội và nạn dâng sao giải hạn, xem bói, xăm thẻ tràn lan, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Trương Anh Tuấn (Nam Định)… đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL phân biệt rõ đâu là hoạt động tâm linh, đâu là mê tín dị đoan, có giải pháp nào xử lý tình trạng kinh doanh chùa chiền, đặt hòm công đức khắp nơi, ai quản lý nguồn thu, có đóng góp gì cho ngân sách…?
Đề cập việc quản lý tiền công đức, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Hiện chưa có văn bản pháp quy nào điều chỉnh tiền công đức, quy định thu - chi thế nào”. Quy định một cơ sở di tích có bao nhiêu thùng công đức, hiện Bộ VH-TT-DL cũng chỉ mới dừng ở việc “khuyến cáo” không đặt quá nhiều, chứ không phải là văn bản pháp quy. Tuy nhiên, bộ sẽ cùng các bộ ngành nghiên cứu xem nên quy định đặt thùng công đức như thế nào để đảm bảo nếp sống văn minh, văn hóa.
ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị bộ trưởng làm rõ câu hỏi mà dư luận hiện nay quan tâm là có hiện tượng kinh doanh chùa, đền hay không? Hoạt động thu - chi tiền công đức, mặc dù đã có quy định nhưng chưa công khai minh bạch, ai quản lý?
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) tiếp tục “truy” về hoạt động buôn thần bán thánh, cúng vong “oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng gồm có thỉnh vong, thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh các anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân nhưng mức xử phạt lại quá nhẹ. “Việc xử phạt đó đúng người, đúng tội chưa và có cần thiết phải yêu cầu các cơ quan pháp luật truy tố bà Yến trước pháp luật hay không?”. 
ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) cũng tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về việc chưa phân biệt rõ ranh giới giữa tâm linh và mê tín nên chính quyền các địa phương không thể xử lý, trong khi bản chất của tâm linh và mê tín khác nhau, đề nghị bộ phải làm rõ để các địa phương có căn cứ để xử lý.
ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết, cử tri rất bức xúc về nạn lợi dụng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, bằng các thủ đoạn lừa bịp, gieo rắc nỗi sợ hãi vô căn cứ qua các hình thức dâng sao giải hạn, đóng tiền gọi vong, trả nợ tiền kiếp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân để trục lợi. Bộ trưởng có trách nhiệm gì không và giải pháp cụ thể của bộ trưởng là gì trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tệ nạn mê tín dị đoan như do kẻ xấu lợi dụng, trình độ dân trí… Cần phải loại bỏ tệ nạn này khỏi đời sống xã hội, nhưng “không thể làm ngay được”.
Quản lý hoạt động tín ngưỡng, “hiện nay có nhiều văn bản nhưng rà lại thì không có văn bản nào riêng về vấn đề này”. Vì vậy, để kiểm soát mê tín dị đoan, cần phải tăng cường thực thi pháp luật, xác định rõ vai trò của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, xây dựng công trình văn hóa thể thao… 
 Lên án những hành vi phản cảm như Ngọc Trinh
Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) về xử lý hành động lệch chuẩn, vi phạm pháp luật của một số ít công dân Việt Nam, lợi dụng hoạt động tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lại lấy ví dụ người mẫu Ngọc Trinh ra nước ngoài ăn mặc hở hang phản cảm để dẫn chứng về “hành vi lệch chuẩn”. Ông Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, trong thời gian qua có rất nhiều hiện tượng lệch chuẩn mà chúng ta thấy, công an cũng đã xử lý một số trường hợp. Người mẫu Ngọc Trinh ra nước ngoài không phải được Bộ VH-TT-DL cử mà đi theo cá nhân, có những hành vi hết sức lệch chuẩn, hết sức phản cảm mà chúng ta phải phê phán gay gắt. Đề nghị dư luận, cộng đồng xã hội lên án vì đây là hành động phản văn hóa, ảnh hưởng tới uy tín của đất nước, dân tộc và người Việt Nam. Về xử phạt, bộ đang nghiên cứu xem các quy định hiện hành như thế nào.

Các tin khác