Đón đọc ĐTTC bộ mới số 13 phát hành thứ hai ngày 1-7

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC bộ mới số 13 phát hành ngày 1-7 với nhiều chuyên mục:
Đón đọc ĐTTC bộ mới số 13 phát hành thứ hai ngày 1-7 ảnh 1
- Dự án xây dựng cơ bản - Định giá lạc hậu, thất thoát, lãng phí: Trong nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả đầu tư dự án, hệ thống cơ chế chính sách về định mức và giá xây dựng có ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta có đủ công cụ quản lý để xác định chi phí hợp lý và phù hợp với cơ chế thị trường, việc thực hiện các dự án sẽ đảm bảo chất lượng, tiến độ và không vượt chi phí dự tính. Hệ thống chính sách đầy đủ, đồng bộ và công khai sẽ giúp kiểm soát được quá trình đầu tư, góp phần tạo ra thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh hơn, tránh thất thoát lãng phí. Đó là nhận định của ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), khi nói về những thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua có nguyên nhân đáng kể do hệ thống định mức, đơn giá quá lạc hậu. (Bích Quyên)
- Cuộc chiến thương mại sau 15 tháng - Định hướng chính sách vĩ mô phù hợp: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có những tác động đến kinh tế nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để nắm bắt, tận dụng được lợi thế và khắc phục những trở ngại, cần có những góc nhìn, chuẩn bị những định hướng phù hợp về mặt vĩ mô, biện pháp kiểm soát xuất xứ hàng hóa để tránh rủi ro. Nhận định về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh vấn đề vĩ mô cần phải tính toán vì Việt Nam xuất siêu chủ yếu sang Mỹ và nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc. Còn TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, lưu ý khi Việt Nam nhập mạnh từ Trung Quốc những mặt hàng đang xuất mạnh sang Mỹ, liệu có việc chuyển tải hàng hóa ở đây? (Đỗ Linh)
- Cẩn trọng hứng ô nhiễm từ công nghệ cũ: Trong 5 tháng đầu năm, vốn FDI Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt 2 tỷ USD, trong đó 85% (1,7 tỷ USD) tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực chế biến chế tạo. Liệu có phải chiến tranh thương mại khiến DN Trung Quốc đầu tư sang Việt Nam? (TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Trung Quốc)
- Tiêu chí hàng Việt thời toàn cầu hóa - Hàng Việt không thể ngoài chuỗi liên kết: Vụ việc Asanzo nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp rồi bán sản phẩm ra thị trường với tem nhãn "made in Vietnam", đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Điều này cho thấy, quy định hàng hóa thế nào được gắn nhãn "made in Vietnam", đến nay vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng. “Trong nền kinh tế theo chuỗi liên kết, việc doanh nghiệp phải nhập linh kiện từ nước khác là điều không thể tránh khỏi, và hàng hóa chỉ “made in Vietnam” đúng nghĩa khi ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phải thực sự mạnh”. Đó là nhận định của ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, khi nói về hàng hóa gắn nhãn “made in Vietnam”. (Lưu Thủy)
- Những tiết lộ “thượng tầng” Vinaconex: ĐHCĐ Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức ngày 28-6 đã thông qua tất cả nội dung của chương trình, với tỷ lệ thấp nhất hơn 67%. Đáng chú ý, phần thảo luận đã hé mở nhiều vấn đề mang tính hậu trường ở “thượng tầng” Vinaconex. (Ngọc Quang)
- Đừng để quá tải Làng Đại học khu Nam: Việc di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm TPHCM là chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc hình thành Làng Đại học tại khu Nam từ chủ trương của TPHCM được sự hưởng ứng rất cao của các trường, và tạo được sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên, việc hàng ngàn sinh viên, cán bộ, giảng viên… phải đi vòng đến 6,5km mỗi khi ra khỏi trường và quay lại là không thể chấp nhận được. (TS. Giang Chấn Tây, Giảng viên Đại học Trà Vinh)
- Vàng tăng giá nhưng không thu hút đầu tư: Giá vàng thế giới liên tục bứt phá trong tháng 6, chọc thủng mốc 1.400USD/ounce. Các chuyên gia về vàng đang rất lạc quan đà tăng của vàng trong những tháng tới. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, vàng không phải là kênh đầu tư được khuyến khích dù giá đang tăng, vì lợi nhuận không đáng kể. Giá vàng trong nước vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, nhà đầu tư ngắn hạn ở thời điểm này phải hết sức cẩn trọng. Theo đó, khi mua vàng cần đầu tư trung và dài hạn mới có khả năng mang lại lợi nhuận. (Thiên Minh)
- Cổ phiếu ngành đón sóng EVFTA: Thông tin Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) đã giúp CP của nhiều nhóm ngành giao dịch sôi động hơn trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, vẫn quá sớm để có thể kỳ vọng sự đột phá nếu bản thân doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho cuộc chơi lớn. Ngoài các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ lộ trình cam kết giảm thuế của EVFTA, những ngành hàng khác cũng được hưởng lợi gián tiếp như: logistics, xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp. (Thảo Nguyên)
- "Cục nợ" Quang Sơn kéo "con tàu" Vinaincon: Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn tiếp tục trở thành “tội đồ” khi kéo Tổng CTCP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) vào vòng thua lỗ, bết bát. Vì thế, giải pháp ngắn hạn là khoán hoặc cho thuê lại, từ đó tái cấu trúc doanh nghiệp này, nếu thành công có thể cổ phần hóa để bán. Trong trường hợp xấu hơn, nếu không có ai thuê, Nhà nước nên tính đến phương án bán toàn bộ doanh nghiệp để thu hồi vốn, dù nguồn vốn thu được không như kỳ vọng. (Lưu Thủy)
- Bấp bênh cá tra xuất khẩu: Xuất khẩu cá tra Việt Nam đang ở thế độc quyền trên thị trường toàn cầu, nhưng tăng trưởng xuất khẩu nhiều năm qua vẫn bấp bênh. Nguyên nhân khách quan đến từ rào cản thuế quan và kỹ thuật của các thị trường, song quan trọng hơn do ngành này thiếu chiến lược phát triển tổng thể, dẫn đến nhiều hạn chế. (Phạm Thị Tố Tâm, CTCK Rồng Việt)
- Hậu Giang kết nối doanh nghiệp-chính quyền: Nếu như TPHCM với hàng ngàn doanh nghiệp đã triển khai chương trình “cà phê doanh nhân”, thì khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tỉnh Hậu Giang vừa tiếp nối chương trình tương tự sau Đồng Tháp và Bạc Liêu, với chủ đề “Đồng hành và chia sẻ giữa doanh nghiệp và chính quyền tỉnh”. (Cao Phong)
- Không gian nét xưa hoài niệm (KTS. BK Nguyễn)
- Ẩm thực Mỹ tại Caravelle Saigon Hotel (Phương Hằng)
- Phụ kiện quý ông thành đạt (Việt Khuê)
- Điều trị hiệu quả ung thư phổi (TS.BS Nguyễn Duy Sinh, Bệnh viện Vinmec Central Park)
- Những “cái biết” cần thiết: Sự thành công và chất lượng cuộc sống là nhu cầu và cũng là áp lực để mỗi người phấn đấu. Có tài năng, có đạo đức và có sức khỏe nhưng nếu thiếu ăn và nói chững chạc, biết người, biết ta… sẽ khó thành công. (Trần Văn Tuấn)
- Duyên dáng “Nàng Phì” (Thiên Lam, Vietravel)
- New York và những điều thú vị (Phạm Hoàn Khải)
- Khắc họa chân dung Thiên Hoàng - Mạc Phủ: Xuyên suốt lịch sử Nhật Bản là mối quan hệ đặc biệt Thiên Hoàng, Tướng quân - Mạc phủ và Samurai. Thiên hoàng Tenmu (673-686) thống nhất địa phương và tập trung cao độ quyền lực; thừa nhận chính thức danh xưng Thiên hoàng lần đầu tiên; xây dựng hoàng thân chính trị (kôshin seiji) và hệ thống quan tước (kabane) để áp dụng vào việc thăng tiến các quan lại. (TS. Trương Đình Bảo Long)
- Hồng Công lung lay vị thế với Trung Quốc? Kể từ khi được Anh trao trả chính thức cho Trung Quốc năm 1997, Hồng Công với luật pháp nghiêm minh, hành chính minh bạch và hệ thống ngân hàng đẳng cấp thế giới, được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó đang bị đe dọa khi các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp con phố của đặc khu này. Đặc biệt, nếu Trung Quốc muốn “Trung Quốc hóa” Hồng Công sẽ gặp nhiều rủi ro. Tức nếu Trung Quốc làm bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho mối quan hệ đặc biệt của họ, Hồng Công sẽ phải chịu đựng nhiều nhất, nhưng Trung Quốc cũng sẽ phải trả giá đắt. (Văn Cường)
- CEO Larry Page - Người khởi đầu Google: Larry Page và Sergey Brin là 2 nhà đồng sáng lập Công ty Google. Kể từ khi ra đời đến nay, Google đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong đời sống thường nhật của nhân loại, và có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ số của thế giới. Sự sáng tạo không ngừng, niềm đam mê khoa học công nghệ, cùng bản lĩnh táo bạo đã xây dựng nên hình tượng một CEO khởi nghiệp thành công lừng lẫy trên khắp thế giới. (Thiên Bảo)
Và nhiều chuyên mục khác...
MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác