Đón đọc ĐTTC số 202 phát hành thứ hai ngày 12-6-2023

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 202 phát hành ngày 12-6-2023 với nhiều chuyên mục:

- Phía sau khoản lỗ của EVN…: Để giải đáp cho khoản lỗ 26.000 tỷ đồng trong năm 2022, EVN giải thích: Thứ nhất, do phải bù lỗ cho giá điện sinh hoạt của người dân dẫn đến thua lỗ. Nhưng trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành điện, cho rằng giải thích này của EVN không hợp lý. Bởi lẽ, giá bán điện của EVN không chỉ có giá bình quân mà có rất nhiều mức và nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Nói đúng hơn, EVN nếu phải bù lỗ là do quy định thang bậc giá bán điện bất hợp lý.

- Từ trái sầu riêng Thái, đến tăng trưởng du lịch Việt: Đã có nhiều bài viết, báo cáo, hội nghị, hội thảo cố gắng lý giải việc khách du lịch quốc tế đến Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan và các nước khác trong khu vực, trong khi có vẻ cái gì của ta cũng hơn người. Nguyên nhân có nhiều, trong đó vấn nạn “chặt chém” du khách được xem rất nghiêm trọng. Theo đó, khách du lịch có thể gặp những người không ngay thẳng ở bất cứ đâu, như những người chạy taxi, xe ôm, buôn bán hàng rong, các cửa hàng ăn uống. Thậm chí, khách sạn, công ty dịch vụ chặt chém khách, nâng giá phòng và các dịch vụ khác khi có cơ hội. Vấn nạn này nghiêm trọng đến mức khách du lịch nước ngoài trước khi đến Việt Nam luôn được cảnh báo trước, và đó cũng lý do họ không muốn trở lại Việt Nam. (Nguyễn Hòa Minh)

- Kinh tế mùa hè chưa phát huy hiệu quả: Kinh tế cũng như nhiều hoạt động khác có tính chu kỳ, mùa vụ, nghĩa là theo những vòng lặp lại với khoảng thời gian nhất định. Thí dụ, ở Việt Nam và một số nước châu Á, do có sinh hoạt đặc sắc trong các dịp lễ tết mang tính truyền thống (Việt Nam là Tết Nguyên đán; người Khmer ở Việt Nam có Tết Chol Chnam Thmay, Tết Dolta, Tết Ok om bok…), kéo theo hoạt động kinh tế sôi động lên hẳn bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, góp phần kích thích sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. (Nguyễn Minh Hải)

- Mỹ: Lại lùi dự báo suy thoái: Ngồi ở sân bay Heathrow đợi bay đi Phần Lan ngày 23-5, tôi đọc được bài báo “Giới chuyên gia tin chắc kinh tế Mỹ sắp suy thoái”. Chỉ cuối tuần lễ đó, khi vừa trở về từ Phần Lan, và sau khi Mỹ công bố số liệu thị trường việc làm tăng trưởng tốt hơn dự đoán, tôi lại đọc được nhận định “Kinh tế Mỹ khó suy thoái trong năm nay”. Cả hai tin đó đều được đăng trên cùng một tờ báo. Bạn không thể không bật cười với pha “quay xe” như vậy. (TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh)

- Lâu nay TPHCM vì cả nước, bây giờ cả nước vì TPHCM: Dự thảo Nghị quyết mới rất toàn diện với 44 nhóm chính sách, 7 nhóm cơ chế lớn, đặc biệt có những nội dung rất mới, mang tính đột phá. Nhưng tôi cho rằng, vẫn cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt hơn nữa, mạnh hơn nữa để tạo động lực lớn hơn, tạo thành nguồn năng lượng mạnh mẽ hơn nữa giúp TPHCM bứt tốc. Trong phiên thảo luận vừa qua về dự thảo Nghị quyết mới, các ĐBQH nói nhiều đến vấn đề ngân sách, đầu tư, nhưng tôi cho rằng có mấy vấn đề TPHCM phải làm mạnh hơn nữa. (ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội)

- Có cơ chế đặc biệt mới thu hút nhân lực công nghệ cao: Để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ, TPHCM cần có cơ chế đặc biệt cho mô hình liên kết giữa 3 khu vực: tổ chức phi lợi nhuận - doanh nghiệp (DN) tài trợ - cơ quan nhà nước. Trong thời gian 10 năm làm việc ở thung lũng Silicon (2010-2020), tôi được chứng kiến Tập đoàn Google đến top các trường đại học ở khắp nơi trên thế giới để tuyển dụng nhân tài. Các công ty công nghệ khác cũng có chính sách tương tự để thu hút nhân lực chất lượng cao về công ty làm việc. Từ chính sách này, các quỹ đầu tư mạo hiểm có cơ sở bơm vốn, và họ là nguồn lực dồi dào cho các công ty công nghệ ở Mỹ, tạo điều kiện cho startup (khởi nghiệp) mới ra đời. Khi những startup này thành công, họ lại tạo ra các công ty khởi nghiệp mới, bắt đầu chu trình gọi vốn và thu hút nhân tài mới. Hàng năm Chính phủ Mỹ cho phép khoảng 85.000 người nhập cư theo diện trí thức và năng lực chuyên môn để thu hút nhân tài ở lại làm việc. (Phạm Kim Cương, cựu kỹ sư phần mềm của Tập đoàn Google)

- Các DNNN lỗ ngàn tỷ được xử lý ra sao?: Sau 5 năm (2018-2023) kể từ khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN) tiếp quản các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có những DNNN thua lỗ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi “siêu bộ” này đã xử lý các DNNN này ra sao? (Lưu Thủy)

- Mô hình “siêu ủy ban” cần phải được đổi mới: Một câu hỏi mà dư luận đặt ra hiện nay là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) ra đời và hoạt động để đảm trách vai trò nhiệm vụ kinh tế hay nhiệm vụ chính trị, hoặc cả 2 cùng lúc? Nếu xét ở khía cạnh vai trò nhiệm vụ kinh tế (cụ thể là QLVNN tại các DNNN), khách quan nhìn nhận hiệu quả chưa cao, nếu không muốn nói khá mờ nhạt. (PGS.TSKH Võ Đại Lược)

- EVN đang lỗ và sẽ còn lỗ, nếu…: Một trong những tập đoàn kinh tế mạnh là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ 26.235 tỷ đồng trong năm 2022, đang làm nóng dư luận lẫn nghị trường Quốc hội. Trước sự chất vấn của đại biểu Quốc hội lẫn áp lực từ dư luận, đại diện ngành điện đã giải thích việc làm ăn thua lỗ. Song giới chuyên gia cho rằng vấn đề của EVN cần nhìn rộng hơn, không chỉ dừng lại ở khoản lỗ nói trên. Bởi với cơ chế quản lý và vận hành hiện nay, con số thua lỗ này của EVN trong những năm tới sẽ không dừng lại. (Thanh Hà)

- Luật chưa đủ mạnh để chống sở hữu chéo: Trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngoài vấn đề về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thì dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi cũng là một vấn đề được người dân rất quan tâm, vì liên quan mật thiết đến sự phát triển nền kinh tế, nhưng đã bị thao túng bằng sở hữu chéo (SHC), tạo ra “sân sau”... (Thiên Minh)

- Doanh nghiệp mong ngóng “luật chơi” công bằng: Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải nỗ lực đáp ứng nhiều yêu cầu. Bởi việc các nước dựng hàng rào thuế quan hoặc kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước đang là xu thế. Song ở chiều ngược lại, với hàng nhập khẩu dường như Việt Nam còn khá dễ dãi nên chưa tạo ra luật chơi “công bằng”. (Đức Mạnh)

- Nợ xấu đang rất xấu: Ai vay, ai làm xấu?: Số liệu công bố trong các tháng đầu năm cho thấy nợ xấu đang rất xấu khi có chung xu hướng tăng trên toàn hệ thống. Đáng chú ý, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đã và đang có nhiều khoản có nguy cơ chuyển nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế chưa được thể hiện, thậm chí có nhiều khoản được ẩn giấu chưa được đánh giá rủi ro đúng mức. Bức tranh nợ xấu của các NH Việt Nam đang rất xấu, bởi đi song hành còn có rất nhiều khoản nợ tiềm ẩn, nợ bị che giấu trong các năm trước chưa được thể hiện công khai. Nếu các khoản ẩn giấu bùng lên, tình hình sẽ càng tiêu cực hơn. (Cát Tường)

- Dòng tiền cá nhân đang trở lại TTCK: Cuối cùng thị trường chứng khoán (TTCK) đã đón nhận tín hiệu rõ ràng đầu tiên về dòng tiền đang dịch chuyển trở lại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm xuống. Về lý thuyết, việc dịch chuyển này không khó đoán và cũng đã được dự báo từ tháng 4-2023 khi mặt bằng lãi suất liên tục giảm. Song phải đến khi số liệu mở tài khoản chứng khoán mới tăng vọt trong tháng 5 vừa qua điều đó mới được xác nhận. (Nguyên Hà)

- Ưu thế từ nhà đầu tư cá nhân có bền vững?: Trong khi nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vẫn duy trì trạng thái bán ròng, thì NĐT nội đã "lục đục” quay trở lại với thị trường chứng khoán (TTCK). Dù chưa thể khẳng định dòng tiền nội có ở lại ổn định hay không, nhưng đây là tín hiệu tốt với thị trường. (Kim Giang)

- Giấy chứng nhận nhà ở cho người nước ngoài: Mòn mỏi chờ hướng dẫn: Hàng ngàn căn hộ tại TPHCM đã bán cho người nước ngoài, hoặc người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN). Lý do: chờ cơ quan chức năng hướng dẫn. (Đỗ Trà Giang)

- Doanh nghiệp chật vật vì điện tăng giá mà vẫn thiếu điện: Đơn hàng xuất khẩu thiếu trầm trọng, sức mua trong nước sụt giảm, doanh nghiệp (DN) phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí, duy trì sản xuất. Trong bối cảnh đó, giá điện lại tăng rồi thiếu điện và bị cắt điện đột ngột, khiến DN đang khó càng thêm khó. (Thanh Lâm)

- Gian bếp tinh tế (Nhã Trúc)

- “Mỏ vàng” đáy biển vịnh Quy Nhơn: Theo các báo cáo khoa học, vịnh Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) là nơi sở hữu hệ sinh thái biển đa dạng bậc nhất khu vực, với các sinh thái điển hình như thảm cỏ biển, rạn san hô, vùng triều và đáy mềm lân cận. Đặc biệt, không gian vịnh biển này có nhiều cánh rừng san hô đầy tiềm năng, trải rộng hàng trăm héc ta đang là những “mỏ vàng” về sinh thái biển và cả ngành du lịch tỉnh. (Ngọc Oai)

- Hiểm họa chực chờ từ những con đập (K1): Thảm họa Kakhovka: Thủy điện là một nguồn năng lượng sạch giá rẻ, nhưng các hồ chứa nước đập thủy điện luôn được ví như một quả bom hẹn giờ, chỉ cần một sự cố nhân tạo hoặc thiên tai đủ lớn là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho dân cư phía hạ du. Trong lịch sử, đã có những vụ vỡ đập gây ra cái chết trực tiếp cho hàng trăm ngàn người. Vào lúc 2:50 sáng ngày 6-6, đập Kakhovka ở Ukraine bất ngờ bị vỡ, đe dọa mạng sống của hơn 40.000 người phía hạ lưu. Đây là thảm họa đập thủy điện mới nhất, cho thấy những mối nguy luôn rình rập cùng những con đập thủy điện. (Văn Cường)

- Jean Carroll: Hoa hồng có gai: Tháng 6-2019, nhà báo E. Jean Carroll đã viết bài tường thuật sống động, cáo buộc Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tấn công tình dục bà trong phòng thay đồ ở Bergdorf Goodman hơn 20 năm trước. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác