Đón đọc ĐTTC số 203 phát hành thứ hai ngày 19-6-2023

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 203 phát hành ngày 19-6-2023 với nhiều chuyên mục:

Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023)

- Báo chí thời đại số và bạn đọc thông minh: Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ truyền thông số vào đời sống xã hội. Điển hình nhất là báo điện tử, được độc giả gọi là báo mạng, báo online. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và có kết nối internet, độc giả liền có thể đọc mọi thứ trên nền tảng truyền thông số, bao gồm cả báo điện tử và mạng xã hội (MXH). Đó chính là xu thế tất yếu. (Thủy Hướng Dương)

- Nghề báo xưa, nhà báo nay và giá trị bất biến: 100 năm rất dài với đời người, nhưng không dài với một ngành nghề và càng không dài với một lịch sử dân tộc. Vậy mà, một thế kỷ báo chí cách mạng Việt Nam, ngoảnh lại bỗng thấy bao nhiêu thăng trầm của vị trí nghề báo và thân phận nhà báo. (Lê Thiếu Nhơn)

- Xu hướng báo chí kinh tế hiện đại: ĐTTC là tờ báo kinh tế có nội dung thông tin rất tốt, rất đáng tin cậy. Cách tiếp cận thông tin, vấn đề của tờ báo nhanh nhạy, theo chiều sâu, đa chiều và có tính phản biện cao, để từ đó cơ quan chức năng có thể thấy được những khiếm khuyết của chính sách, tìm cách khắc phục, sửa chữa. Cũng vì nội dung kinh tế rất đặc thù đó, báo ĐTTC hướng đến những độc giả cụ thể và có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể là những người quan tâm đến lĩnh vực đầu tư và tài chính, cần thông tin sâu để hoạch định chính sách, tham vấn chính sách. Tôi cho rằng đây là điều rất tốt. (Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa 15)

- Hệ sinh thái báo chí với nhà báo thời kỹ thuật số: Các công cụ giao tiếp kỹ thuật số, hay nói bao quát hơn là truyền thông xã hội (TTXH), đã thay đổi cách thông tin được thu thập, phổ biến và tiêu thụ. TTXH cũng làm thay đổi cách các nhà báo và người dân tương tác với sự kiện và tin tức. Vì thế, các tổ chức truyền thông và báo chí phải chấp nhận TTXH như cách để phân phối tin tức và kết nối với công chúng. (Lê Hữu Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore)

- Thời hạn nghị quyết, đến Luật Đô thị đặc biệt: Trong văn bản mới đây gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBND TPHCM đề xuất không giới hạn thời gian Nghị quyết (NQ) thay thế NQ54 là 5 năm mà có thể kéo dài đến 2030, tính từ 1-8-2023, tức hơn 7 năm. Điều này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong các phiên thảo luận, cho rằng TPHCM với quy mô và các dự án thuộc dạng chiến lược, trọng điểm không chỉ của TP mà của cả nước, nên thời gian 5 năm là quá ngắn. (PGS.TS Nguyễn Minh Hòa)

- Nghị quyết mới sẽ tạo cú hích cho TPHCM trong lĩnh vực đất đai: Trên tinh thần thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW về hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND TP các giải pháp về đất đai trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, bao gồm 8 cơ chế chính sách về đất đai và 1 cơ chế chính sách về môi trường. Đây là những nội dung quan trọng và mang tính đột phá, nhằm tạo cơ chế và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, dù là những nội dung thí điểm nhưng cũng là những điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến. Bộ TN-MT, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng ủng hộ TPHCM trong việc thí điểm này. (Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM)

- Dự án Vành đai 3 TPHCM: Khởi động và kỳ vọng: Sau 12 năm quy hoạch, dự án Vành đai 3 TPHCM chính thức khởi công vào ngày 18-6, với niềm hân hoan không chỉ riêng người dân TPHCM và các tỉnh có dự án đi qua, còn là sự kỳ vọng tạo đột phá hạ tầng, mở ra không gian phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc TPHCM được giao làm đầu mối triển khai dự án trọng điểm quốc gia đã thể hiện rõ cơ chế phân cấp, phân quyền, cũng như vai trò của địa phương khi làm công trình lớn. (Bình Minh)

- “Đại bàng” vẫn nhắm tới Việt Nam: Dù bất ổn trong hệ thống ngân hàng và làn sóng lãi suất cao, nhưng Việt Nam tiếp tục nổi lên bởi có tăng trưởng GDP ấn tượng trong 2022, và dự báo khả quan trong 2023. Liệu đó có phải những lý do khiến các “đại bàng” FDI vẫn nhắm đến thị trường Việt Nam? (Vinh Trang)

- Chuỗi cung ứng từ IPEF, lợi thế cho Việt Nam: Cuối tháng 5, trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), 14 quốc gia (trong đó có Việt Nam), nhất trí hợp tác để củng cố chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu, như chip bán dẫn và thiết bị y tế, để phản ứng tốt trước các tình huống khẩn cấp. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp giảm sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. (Thomas Harris, Giám đốc quốc gia của TMX Global tại Việt Nam)

- Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng dự án ở Việt Nam: Đầu tháng 6, thêm 2 nhà sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng và pin của Trung Quốc cho biết có thể đầu tư đến 1 tỷ USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Diễn biến này tiếp nối làn sóng mở rộng sản xuất sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc thời gian gần đây. (Vĩnh Cẩm)

- Startup có chơi vơi giữa “mùa đông gọi vốn”?: Dòng vốn rót vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam đang trong xu hướng giảm, và dự báo đến cuối năm nay tình hình cũng không khả quan hơn. Làm thế nào để vượt qua “mùa đông gọi vốn” đang là câu hỏi nhiều startup muốn tìm câu trả lời. (Đức Mạnh)

- Dòng tiền luẩn quẩn từ TPCP vào kho bạc, vô nhà băng…: Sau 2 năm phải điều chỉnh giảm kế hoạch phát hành, năm 2023 hoạt động huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) khởi sắc trở lại trong 5 tháng đầu năm. Và Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành rất tốt TPCP lại phải đem tiền gửi nhà băng vì đầu tư công bị nghẽn. Cùng lúc, khoản đầu tư TPCP của nhiều NH cũng tăng mạnh trong bối cảnh tín dụng không có đầu ra. (Đỗ Linh)

- Kết quả kinh doanh quý II có đủ tạo sóng?: Càng gần đến nửa cuối tháng 6, thị trường chứng khoán (TTCK) càng chứng kiến nhiều tín hiệu khởi sắc: Thanh khoản tăng dần, khối ngoại đảo chiều chấm dứt chuỗi bán ròng, cổ phiếu (CP) phục hồi tích cực, VN Index quay trở lại sát đỉnh cao nhất nửa đầu năm 2023… Bên ngoài, Fed đã dừng tăng lãi suất trong kỳ họp ngày 14-6 vừa qua. Giới đầu tư đang kỳ vọng một cú hích để đột phá giúp thị trường thoát ra khỏi trạng thái đi ngang kéo dài suốt từ tháng 12 năm ngoái. (Nguyên Hà)

- Thị trường sẽ bật lên, nhưng cần độ trễ 3-7 tháng: Phải chăng quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu phát huy tác dụng, khi dòng vốn liên tục đổ vào thị trường chứng khoán (TTCK), giúp VN Index phục hồi mốc 1.100 điểm? Dự báo, TTCK sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, VN Index có thể tăng rõ nét hơn sau khoảng 3-7 tháng kể từ khi phát đi thông báo giảm lãi suất gần nhất vào ngày 16-6. (Kim Giang)

- Giá cà phê chạm mốc cao lịch sử: Các nhà thương mại cà phê hàng đầu thế giới hoạt động tại Việt Nam vẫn đang tích trữ lượng hàng robusta và chần chừ bán ra, với niềm tin rằng giá mặt hàng này sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Tính đến 14-6, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE/EU giao dịch quanh mức 2.706 USD/tấn, sau khi đã tăng liên tục kể từ đầu năm nay và đạt mức cao nhất 2.822 USD/tấn vào ngày 9-6, tương ứng tăng gần 58%. Trong khi đó, mặt hàng cà phê arabica của Brazil cũng đạt mức tăng giá trên 40% kể từ đầu năm. (Phạm Tuấn)

- Apple đổ bộ công nghệ mới (Nhã Trúc)

- Người Rục hào hoa: Mỗi lần lên công tác với người Rục ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), tôi lại được thiết đãi 3 món ăn quý lừng danh: Ốc lèn, rượu đoác và sâm dấn. Người Rục sống dựa vào núi rừng hoang dã hàng ngàn năm, kinh nghiệm sống đã giúp họ chắt lọc những sản vật độc đáo để thiết đãi khách khứa ghé thăm. (Minh Phong)

- Hạt lúa hạt ngọc…: Đã từ rất lâu, không chỉ dân tộc ta mà nhiều dân tộc trên thế giới đều coi hạt lúa là “hạt ngọc” hoặc “hạt ngọc trời” với sự quý trọng đặc biệt. Bởi mọi người đều thấy sự quý báu của hạt lúa, coi như là ban thưởng của trời dành cho con người. (Nguyễn Minh Hải)

- Sông núi thiêng liêng làm bệ phóng cho Cao Bằng: Cao Bằng là tỉnh địa đầu nằm ở Đông Bắc nước ta, có đường biên giới hơn 300km với khu tự trị dân tộc Choan, Quảng Tây, Trung Quốc. Trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc, vùng biên cương Cao Bằng luôn là chiến địa ác liệt và bi hùng. Con sông Bằng Giang và ngọn núi Phja Oắc cao nhất tỉnh là những địa chỉ lịch sử, văn hóa thiêng liêng, đồng thời còn là bệ phóng cho sự phát triển của Cao Bằng. (Văn Hoàng)

- Hồng Kông: đảo Ngọc phương Đông: Hồng Kông là một trong những thành phố hiện đại, sầm uất và năng động bậc nhất châu Á, được ví von như là một thành phố không ngủ. Hồng Kông như một ống kính vạn hoa về văn hóa vì màu sắc không ngừng thay đổi, là nơi giao thoa giữa 2 nền văn hóa Đông - Tây tạo nên một vùng đất vô cùng độc đáo và thú vị, vừa truyền thống lại vừa hiện đại. Đến nơi này bạn sẽ thấy một đô thị phát triển bậc nhất với những tòa nhà chọc trời, nhưng cũng rất hoài cổ với những đền chùa cổ kính. (FAHOKA Xê dịch)

- Bãi Tranh đẹp như tranh: Thay vì lựa chọn những bãi biển quen thuộc để giải nhiệt mùa hè, bãi Tranh gần đây trở thành sự ưu tiên hàng đầu của không ít du khách. Mang trên mình vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn, bãi Tranh còn có nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn như dù lượn, lặn biển ngắm san hô... rất hấp dẫn. (Nguyễn Văn Công)

- Hiểm họa chực chờ từ những con đập (K2): Đập Tam Hiệp: Quả bom hẹn giờ: Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử của Trung Quốc là dự án thủy điện lớn nhất và gây tranh cãi nhất thế giới. Việc xây dựng hồ chứa thủy điện dài 660 km của nó đã khiến 1,3 triệu người phải di dời và môi trường bị tàn phá. Hồ chứa 39,3km3 và mang sức nặng 42 tỷ tấn, đủ làm lệch trọng tâm của Trái đất khiến nó quay chậm hơn 0,06 micro giây/ngày đêm. Lượng nước khổng lồ này khi bị giải phóng sẽ có sức tàn phá cực lớn. (Văn Cường)

- Mike Pence: Từ cấp phó mật thiết, đến đối thủ Donald Trump: Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 5-6 đã nộp hồ sơ tuyên bố tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2024, đặt ra thách thức đối với cựu Tổng thống Donald Trump, chỉ 2 năm sau khi 2 người từng gắn bó mật thiết. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác