(ĐTTCO) - Theo các chuyên gia thương mại quốc tế, muốn đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành đến tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất…
Nhiều DN chưa tự tin
Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2016 diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tính từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đã tăng 2,94 lần, từ 111,3 tỷ USD năm 2007 lên 327 tỷ USD năm 2015. Trong đó, nhập khẩu (NK) tăng 2,6 lần và XK tăng 3,3 lần; tương ứng với kim ngạch 165,7 tỷ USD và 162,4 tỷ USD. “Những kết quả đó chứng tỏ DN Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập và tự do hóa thương mại để XK hàng hóa” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói và nhận định xu hướng tăng trưởng sẽ tiếp tục trong thời gian tới nhờ việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tư do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo phân tích của ông Hải, thông qua lộ trình cắt giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng Việt có thể thâm nhập dễ dàng hơn vào các thị trường có FTA. Điều này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường XNK, tránh bị lệ thuộc vào một thị trường. Hơn nữa, đối với những ngành sử dụng nguyên liệu, các DN sẽ có điều kiện để tiết giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt…
Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức do quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý hạn chế, sức cạnh tranh kém so với các đối thủ… Ngoài một số DN tiên phong, vẫn còn nhiều DN chưa thực sự chủ động nắm bắt, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thế giới, chưa đủ tự tin trong việc đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại (XTTM), khai thác thị trường. “Trên thực tế, Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng đã tổ chức nhiều hoạt động XTTM tại các thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước nhưng nhiều DN vẫn do dự, thiếu tự tin để tham gia khai thác mở rộng thị trường” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Nâng chất hoạt động XTTM
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, Nhà nước và DN cần phải đổi mới tư duy làm XTTM. Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương, với nguồn lực hạn chế về nhân lực và tài chính, công tác này hiện còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, các chương trình XTTM sẽ tập trung vào các mặt hàng có thế mạnh và các thị trường có FTA, đặc biệt với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, bởi đây là những thị trường có cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, công tác xúc tiến cần có cái nhìn rộng và tổng thể hơn, vì hiện nay mới chỉ tập trung vào XK hàng hóa, chưa mở rộng ra xúc tiến NK hàng hóa và dịch vụ. “Phải xúc tiến cả NK để tìm được đối tác nào cung cấp nguyên nhiên liệu tốt nhất, giá cả hợp lý nhất nếu muốn tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Hơn nữa, hiện Việt Nam nhập siêu dịch vụ rất lớn, như năm vừa qua lên đến trên 50 tỷ USD, đòi hỏi chúng ta cần tư duy về xúc tiến theo hướng đầy đủ” - ông Thành nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của DN, ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, bày tỏ các DN nói chung và DN cao su nói riêng mong muốn được Nhà nước tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động XTTM để mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Theo ông An, hiện kinh phí hỗ trợ hoạt động XTTM đối với ngành cao su còn hạn chế, nhiều DNNVV ít có khả năng tìm nguồn khách hàng mới… Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thế giới về nguyên liệu cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su ngày càng khó tính, tăng ít về lượng nhưng yêu cầu cao về chất lượng, đa dạng chủng loại và đặc tính kỹ thuật. Bởi vậy DN Việt Nam rất cần được tiếp xúc và khảo sát trực tiếp những thị trường chiến lược, sản phẩm mới và tiếp cận với DN nước ngoài có tiềm năng lớn.
![]() |
Hội chợ triển lãm quốc tế tại Việt Nam. |
Đồng bộ nhiều giải pháp
Cũng tại đây, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Tổ chức XTTM Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, đã có những chia sẻ rất riêng về những biện pháp có thể đưa hàng Việt vào Nhật Bản. Theo ông, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải tạo các sản phẩm có tính cạnh tranh. Để làm được điều này, Việt Nam cần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất. “Tôi cho rằng sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cho các hoạt động trên rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là sự nỗ lực từ chính DN” - ông Kawada nhấn mạnh. Lấy dẫn chứng cho lập luận của mình, ông Kawada cho rằng để giảm chi phí sản xuất, DN nên áp dụng linh hoạt các FTA đã có hiệu lực, trong đó có TPP để cân nhắc việc có thể XK các sản phẩm với chi phí thấp hơn, hoặc có thể mua được các nguyên vật liệu, linh phụ kiện với giá thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin thị trường từ nơi XK, khâu kiểm tra cũng như việc khai thác thị trường bán, thị trường XK cũng rất quan trọng. “Điều này có thể thực hiện thông qua việc tham dự các buổi giao lưu kết nối kinh doanh, hội đàm thương mại, cũng như tham dự các triển lãm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Qua đó, DN sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng việc XK hàng hóa” - đại diện JETRO gợi ý. Ngoài ra, để có nguồn nhân lực tốt phục vụ sản xuất, Việt Nam có thể học hỏi mô hình của Nhật Bản trong việc thành lập trường đại học đào tạo các kỹ năng đặc biệt trên nhiều lĩnh vực; đồng thởi tổ chức các giải thưởng tôn vinh lao động có kỹ năng.